Ảnh minh họa.
Ý kiến được ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh nêu tại hội nghị tập huấn hiệu trưởng trường THCS, THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tuần trước.
Ông Hiếu cho biết theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm học sẽ bắt đầu từ 5-9 và kết thúc vào ngày 31-5. Như vậy, một năm sẽ có 38 tuần, cộng thêm mấy ngày. Do đó, nếu trừ đi các ngày nghỉ lễ, Tết thì còn 35 tuần thực học, dư hai ngày.
Căn cứ khung kế hoạch trên, ban đầu TP Hồ Chí Minh cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày - tương tự như lịch nghỉ của người lao động và sát với khung thời gian năm học của Bộ GD&ĐT.
Ông Hiếu cho rằng, TP Hồ Chí Minh gặp rất nhiều áp lực trong việc sắp xếp thời gian nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh. Bởi TP là địa phương có học sinh của nhiều tỉnh, thành nên nếu chỉ nghỉ 9 ngày là quá ít. Do đó, sau khi lắng nghe ý kiến của dư luận, cân nhắc, xem xét, TP Hồ Chí Minh đã tăng thời gian nghỉ Tết của học sinh lên 11 ngày.
Trong khi đó, nhiều tỉnh/thành cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 2 tuần, có tỉnh 17 ngày. Ông Hiếu băn khoăn với thời gian nghỉ như vậy làm sao có thể đảm bảo được 35 tuần thực học. Từ đó, ông mong muốn các địa phương trong những năm tới rà soát để tránh gây áp lực căng thẳng cho các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh.
'Hoặc Bộ GD&ĐT cho phép tựu trường sớm, vào học trước 1-2 tuần. Quy định thời gian năm học hiện nay rất khó để các địa phương có thể sắp xếp thời gian nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh nhiều hơn', ông Hiếu đề xuất.
Đến 31/12, trong 33 địa phương đã công bố lịch nghỉ Tết Ất Tỵ cho học sinh, Kon Tum cho học sinh nghỉ 17 ngày. An Giang, Bình Phước, Lào Cai, Quảng Ninh, Sóc Trăng... cùng cho nghỉ 14 ngày. Được nghỉ ít nhất là học sinh Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Tháp là 9 ngày.