Tháng 9 vừa qua, Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (quận Gò Vấp - TP HCM) đón đoàn sinh viên (SV), giảng viên Trường ĐH Chenla (Campuchia) đến trao đổi học tập ngắn hạn ngành chăm sóc sắc đẹp. Khóa học kéo dài 4 ngày nhưng ai nấy đều thích thú vì 'bỏ túi' được nhiều kinh nghiệm 'thực chiến'.
Chăm sóc sắc đẹp, điều dưỡng... được quan tâm
Em Chheng Seavnith, SV năm nhất ngành kỹ thuật viên xét nghiệm y khoa, ĐH Chenla, cho biết đây là lần đầu tiên đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tìm hiểu về ngành chăm sóc sắc đẹp. Seavnith được học về những kỹ thuật trang điểm, làm móng, tạo mẫu tóc, chăm sóc da theo xu hướng của năm 2025.
Là SV ngành điều dưỡng, em Hout Sokreaksa cho biết từng thực tập tại bệnh viện và nhận thấy các bệnh nhân rất quan tâm đến chuyện làm đẹp. Thông qua khóa học, Sokreaksa đã hiểu biết hơn về những kỹ năng chăm sóc người bệnh.
Ngoài ra, khóa học cũng hướng dẫn SV những kiến thức như: chế độ dinh dưỡng khi nằm viện; những biện pháp chăm sóc da và tóc đơn giản; cách sử dụng mỹ phẩm, thảo dược để làm đẹp…
Chia sẻ về lý do mở khóa đào tạo cho SV quốc tế tìm hiểu về ngành chăm sóc sắc đẹp, đặc biệt là những sinh viên đang học ngành điều dưỡng, TS Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, cho rằng giữa 2 ngành này có mối liên hệ mật thiết.
Nhớ lại khoảng thời gian công tác tại bệnh viện, TS Long nói: 'Nhiều bệnh nhân phải nằm viện suốt mấy tháng, thậm chí nằm bất động trên giường. Đôi khi, chỉ cần được gội đầu, chăm sóc da, massage tay chân... bệnh nhân cũng cảm thấy thoải mái hơn. Những điều nhỏ nhưng có tác động tích cực đến việc điều trị bệnh'.
TS Long cho biết đây là khóa đào tạo ngắn hạn đầu tiên với 32 học viên. Nhà trường tài trợ toàn bộ chi phí. Dự kiến, tháng 11 sẽ mở thêm khóa học mới với thời gian đào tạo dài và chương trình học chuyên sâu hơn.
Những năm gần đây, số lượng SV quốc tế tìm hiểu về những chương trình đào tạo thực hành ngày càng nhiều. Điều này chứng minh kỹ năng tay nghề đang là 'chìa khóa vàng' trong thị trường lao động hiện nay.
Sinh viên Campuchia học ngành chăm sóc sắc đẹp tại một trường nghề ở TP HCM
Đến Việt Nam học... ngoại ngữ
Tại Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn (quận Gò Vấp), hiện có hơn 50 SV là người Myanmar đang theo học ngành ngôn ngữ Nhật. Đây là năm đầu tiên nhà trường mở rộng chương trình đào tạo dành cho SV quốc tế. Với chương trình này, SV sẽ có 2 năm học ngôn ngữ tại Việt Nam, sau đó đi thực tập tại nước ngoài.
ThS Nguyễn Văn Minh Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết ngoài SV Myanmar còn có SV Lào, Thái Lan... đang học tại trường. Đầu vào tối thiểu dành cho SV ngành này là chứng chỉ N4. Trong quá trình học, SV sẽ học thêm một học phần về tiếng Việt.
'Nhà trường đã điều chỉnh chương trình để phù hợp hơn với SV quốc tế như bố trí thêm 1 trợ giảng để giúp; kết hợp những bài học về văn hóa giữa 2 quốc gia để tạo sự gắn kết; hỗ trợ tìm kiếm chỗ thực tập, việc làm thêm cho những SV có nhu cầu' - ThS Tiến cho biết.
Một số SV cho biết mặc dù đã tốt nghiệp ĐH tại Myanmar nhưng vẫn muốn học thêm cao đẳng tại Việt Nam. Lý do chính là do môi trường đào tạo chuyên về thực hành và trải nghiệm thực tế nhiều.
Theo TS Long, SV trường ĐH quốc tế đến Việt Nam học nghề tại trường trung cấp là điều rất hiếm hoi. Điều này cho thấy, các trường ĐH dần có những tư duy mới mẻ, hiện đại hơn.
'Việt Nam và Campuchia có những nét tương đồng về văn hóa. Cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Campuchia rất đông. Hy vọng sẽ có thêm nhiều chương trình đào tạo kết hợp với Campuchia, từ đó xây dựng mạng lưới hỗ trợ việc làm, đào tạo việc làm cho người Việt tại Campuchia nói chung và Phnom Penh nói riêng' - TS Long tin tưởng.
Cần thiết các chương trình trao đổi sinh viên
Hiện nhiều trường ĐH tổ chức các chương trình trao đổi SV. PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và Tương tác - ĐH Kinh tế TP HCM, nhận xét những chương trình học kỳ trao đổi, giao lưu học tập ngắn hạn là điều cần thiết cho SV. Không chỉ có SV Việt Nam đến học tập ở nước ngoài, nhiều SV ở Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đến ĐH Kinh tế TP HCM để thực tập. Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu của SV quốc tế đều gắn với văn hóa và con người Việt Nam.
'Sau mỗi chuyến đi, khả năng giao tiếp, xử lý tình huống, tư duy sáng tạo... của SV được cải thiện đáng kể. Bên cạnh kiến thức học trên giảng đường, kỹ năng mềm rất quan trọng giúp SV có thể vươn ra biển lớn' - PGS-TS Thịnh cho biết.
Trong năm học này, các trường ĐH hàng đầu châu Á, châu Âu còn dành 120 suất học bổng và miễn học phí cho SV ĐH Kinh tế TP HCM trong chương trình trao đổi SV quốc tế. SV được lựa chọn học tập tại Pháp, Bỉ, Đức, Ý, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan - Trung Quốc từ tháng 7-2024 đến tháng 8-2025, theo 2 nhóm chương trình: chương trình trao đổi ngắn hạn dưới dạng thực hiện dự án hoặc một số môn học (dưới 30 ngày) và chương trình trao đổi dài hạn tương đương 1 học kỳ.