Thí sinh tư vấn chọn ngành học phù hợp (Ảnh minh họa)
Không đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất
Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chuyển kỳ thi THPT quốc gia thành thi tốt nghiệp THPT. Do đó, kỳ thi không còn mang tính chất 'hai trong một' nữa mà chủ yếu để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Khi phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp, đề thi được thiết kế dễ hơn, từ đó thiếu khả năng phân hóa thí sinh. Vì vậy, các trường đại học (ĐH) - đặc biệt là những trường top đầu, đa dạng ngành nghề đào tạo không thể chỉ chờ kết quả kỳ thi tốt nghiệp để tuyển sinh. Họ phải bổ sung các phương thức khác hoặc đưa ra tiêu chí phụ trong xét tuyển.
Cụ thể, theo điểm c, khoản 3, Điều 20 của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT Quy chế tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non quy định: 'Trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét ở cuối danh sách, cơ sở đào tạo có thể sử dụng tiêu chí phụ là thứ tự nguyện vọng (để xét chọn những thí sinh có thứ tự nguyện vọng cao hơn)'. Như vậy, sẽ có tình huống thí sinh đủ điểm chuẩn, có đăng ký nguyện vọng nhưng vẫn trượt nếu không chú ý đến tiêu chí phụ do các trường đề ra.
Hiện phần lớn các trường ĐH, cao đẳng đã công bố đề án tuyển sinh năm 2023 trong đó có đề cập đến tiêu chí phụ khi xét tuyển. Tùy cơ sở đào tạo áp dụng tiêu chí phụ khác nhau, như ưu tiên môn thi, ưu tiên theo thứ tự nguyện vọng, dựa vào điểm xét tuyển chưa làm tròn… Thí sinh cần tìm hiểu rõ để gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Về phía các trường, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đã có năm có ngành của trường đạt kỷ lục 120 thí sinh bằng điểm nhau. Khi đó buộc phải sử dụng đến tiêu chí phụ nếu không muốn tuyển vượt, đồng thời cũng đảm bảo 'sàng lọc' thí sinh hợp lý.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM phân tích, tiêu chí phụ là cách đánh giá đối với những thí sinh có cùng điểm số như nhau, chọn ra những thí sinh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phụ. Quyết định đến việc ai sẽ giành được suất trúng tuyển cuối cùng, ai sẽ phải dừng lại.
Vì vậy, các thí sinh không được chỉ chọn 1 nguyện vọng duy nhất dù đó là nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm. Lý do là vì dù thí sinh đã được nhà trường công bố đủ điều kiện trúng tuyển ở một hoặc một vài phương thức nào đó, nhưng nếu nhà trường tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu công bố có thể sẽ áp dụng thêm tiêu chí phụ để xét tuyển, khiến thí sinh đang trúng có thể thành trượt.
Bài học 'đỗ thành trượt'
Trên thực tế, điểm chuẩn một số ngành hot đột biến tăng cao ở phương thức tuyển sinh bằng học bạ (30 điểm học bạ vẫn trượt ĐH như mùa tuyển sinh 2022) hoặc điểm chuẩn vào một số ngành quân đội, công an đối với nữ có năm trên 30 điểm mới đỗ. Dù năm nay với quy định cộng điểm mới, điểm chuẩn trúng tuyển không thể vượt ngưỡng 30 điểm, song vẫn sẽ có sự khập khiễng giữa các phương thức xét tuyển.
TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam ủng hộ phương án các trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển và có thêm tiêu chí phụ để tuyển được thí sinh phù hợp. Ngay cả phương thức sử dụng kết quả học bạ để xét tuyển dù loại trừ được yếu tố ngẫu nhiên khi chỉ có một kỳ thi, như ốm đau, tai nạn giao thông, dịch bệnh... Tuy nhiên, cũng có yếu tố ảnh hưởng kết quả này nên cần tìm cách loại trừ và phải có tiêu chí xét tuyển bổ sung.
Trước đó, Bộ GDĐT từng khuyến cáo các trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao có thể chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển; sau đó, cần có thêm hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Theo đó, những trường này có thể kết hợp với nhau tạo thành nhóm xét tuyển. Với các thí sinh, vấn đề băn khoăn nhất là làm sao để sắp xếp nguyện vọng có cơ hội đỗ cao nhất ở những ngành mình yêu thích. Với nhiều trường, thứ tự nguyện vọng đăng ký cũng là tiêu chí phụ khi xét tuyển nên thí sinh cũng cần lưu ý để tăng cơ hội trúng tuyển.