Tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân - nơi được mệnh danh là 'Thiên hạ đệ nhất hùng quan' - Hải Vân quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Đây là một công trình quân sự cổ độc đáo, đã chứng kiến nhiều biến động lịch sử mảnh đất hình chữ S.
Thăng trầm lịch sử của một cửa ải
Ngược dòng thời gian, từ nhiều thế kỷ trước khi Hải Vân quan được xây dựng, đèo Hải Vân đã được coi là vị trí xung yếu về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ, có vai trò chiến lược hết sức quan trọng trong hệ thống phòng thủ của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Dù vậy, các đồn binh, trạm gác được bố trí trước thời điểm 1826 chỉ có quy mô nhỏ bé, đơn lẻ. Cho đến đầu thế kỷ 19, Phú Xuân - Huế trở thành Kinh đô, đèo Hải Vân càng trở nên quan trọng, là cửa ngõ đi vào vùng kinh kỳ, cần phải tăng cường phòng ngự.
Vì thế, tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh đèo Hải Vân. Công trình có hai lần cửa xây bằng gạch vồ theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống. Cửa trước viết ba chữ Hải Vân quan, cửa sau viết sáu chữ Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau.
Toàn cảnh di tích Hải Vân quan trước khi trùng tu. (Ảnh: Quốc Lê)
Hải Vân quan được xây dựng trong vài tháng, do phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Nam cùng thuê dân làm, sau đó triều đình phái biền binh (cách gọi binh lính thời Nguyễn-PV) chở súng ống theo viên tấn thủ đóng giữ. Về mặt quản lý và canh phòng Hải Vân quan do chính viên Đề đốc Kinh thành quản lý, dưới quyền quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Sau khi xây dựng xong cửa ải, triều đình chuẩn định từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam và ban hành các chính sách khuyến khích dân cư đến sinh sống từ chân núi đến đỉnh đèo, đồng thời dựng đền thờ thần núi Hải Vân.
Sau một thế kỷ tồn tại, Hải Vân quan đã phải chịu số phận hẩm hiu cùng với sự suy tàn của nhà Nguyễn. Năm 1876, trước khi người Pháp lập nền Bảo hộ thì cửa ải có 50 lính canh phòng. Năm 1885, sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884), số lính chỉ còn khoảng 5 người. Sang đầu thế kỷ 20, khi toàn bộ Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, cửa ải đã bị bỏ hoang.
Vào năm 1926, xung quanh Hải Vân quan, quân đội Pháp đã xây dựng một hệ thống lô cốt – được gọi là Đồn Nhất – để bảo vệ con đèo chiến lược này. Sau năm 1954, hệ thống đồn bốt ấy được chuyển sang tay quân đội Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đồn Nhất - Hải Vân quan là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn.
Sau năm 1975, một số công trình mới được xây dựng trong khu vực di tích cùng với những công trình do quân đội Pháp, Mỹ xây dựng trước đây đã làm thay đổi hoàn toàn bố cục mặt bằng nguyên gốc của Hải Vân quan. Ngoại trừ hai cánh cổng đã xuống cấp nặng nề, các công trình kiến trúc cũ của cửa ải này hầu như không còn gì.
Sự hồi sinh của Hải Vân quan
Trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Hải Vân quan tồn tại như một phế tích giữa đỉnh đèo lộng gió. Với tầm nhìn bao quát núi rừng kỳ vĩ và biển khơi bao la, nơi đây trở thành một điểm dừng chân ưa thích của du khách mỗi khi đi qua đèo Hải Vân.
Đến năm 2017, giá trị lịch sử của Hải Vân quan chính thức được khẳng định khi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cửa ải này là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL. Sau quyết định này, dự án phục hồi Hải Vân quan được phê duyệt và triển khai trên thực tế.
Toàn cảnh di tích Hải Vân quan sau khi trùng tu. Ảnh: (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)
Ngày 19/12/2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Đà Nẵng 50% và ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50%, thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2023.
Công trình được nghiên cứu phục dựng sát với kiến trúc triều Nguyễn, với cổng chính sử dụng gạch vồ, bao quanh bởi tường bằng đá. Các công trình khác được tái thiết gồm cổng phụ, ụ gác, nhà trú sở, nhà vũ khố, các vị trí pháo đài, tường đá, lối đi, tường chắn đất, mương thoát nước...
Ông Phan Văn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, trong quá trình trùng tu Hải Vân quan, đơn vị thi công đã dựa vào các hồ sơ khảo sát, tư liệu khảo cổ để xây dựng phương án trùng tu phù hợp đối với các hạng mục công trình còn nguyên trạng, nhằm giữ được giá trị kiến trúc lịch sử quân sự của di tích. Các hạng mục chưa có tư liệu hoặc nghiên cứu trên địa hình thì sẽ có phương án trùng tu về sau. Trong quá trình trùng tu, tu bổ, đơn vị thi công đã sử dụng vật liệu gạch đá lấy trong khu vực để hài hòa đồng nhất về tổng thể, tuân thủ đảm bảo quy định, nguyên tắc bảo quản tu bổ di tích.
Tín hiệu tích cực về hoạt động trùng tu, bảo tồn di tích
Vào ngày 1/8/2024, di tích Hải Vân quan chính thức mở cửa đón khách sau hơn hai năm trùng tu. Ngay trong những ngày đầu mở cửa, di tích lịch sử này đã thu hút rất đông du khách tới ghé thăm.
Theo thống kế của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, sau 4 ngày mở cửa di tích đã đón 8.700 lượt khách. Trong đó, ngày 1/8 đón trên 1.400 lượt, ngày 2/8 đón khoảng 2.700 lượt, ngày 3/8 đón khoảng 4.600 lượt và ngày 4/8 đón hơn 3.800 lượt khách.
Hải Vân quan thu hút nhiều du khách tham quan sau khi mở cửa. (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh/ Sài Gòn Tiếp Thị)
Đặc biệt, diện mạo mới của Hải Vân quan đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách. Anh Phạm Hoàng Sơn, một cư dân Hà Nội mới trở về sau chuyến du lịch Đà Nẵng chia sẻ: 'Tôi từng ghé thăm Hải Vân quan vào các năm 2014 và 2017, lần này trở lại rất bất ngờ khi thấy di tích đã được xây dựng lại như nguyên gốc. Các công trình ở đây mang đậm nét cổ xưa và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đây thực sự là địa điểm phải ghé thăm nếu bạn đi Đà Nẵng'.
Trên mạng xã hội, việc Hải Vân quan mở cửa sau trùng tu cũng trở thành chủ đề được nhiều 'tín đồ' du lịch quan tâm. Hàng loạt clip trải nghiệm Hải Vân quan đã được chia sẻ trên các nền tảng TikTok, YouTube, Facebook... thu hút nhiều lượt xem, lượt thích. Nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận tích cực cho các nội dung này.
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Sở VH-TT Đà Nẵng, du khách tham quan Hải Vân quan sẽ vào cửa miễn phí cho đến đến khi tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng thống nhất việc xây dựng bảng giá vé phù hợp.