José Mauro de Vasconcelos (1920 - 1984) là nhà văn người Brazil. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Rio de Janeiro, lớn lên José Mauro de Vasconcelos phải làm đủ nghề để kiếm sống. Với trí tưởng tưởng phong phú, tài kể chuyện, tâm hồn nhạy cảm, José có thôi thúc phải trở thành một nhà văn. Ông bắt đầu sáng tác năm 22 tuổi.
Nhà văn José Mauro de Vasconcelos. Ảnh: Pushkin Press.
“Cây cam ngọt của tôi” là tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện của José Mauro de Vasconcelos, cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Tác phẩm đã tái hiện lại chân thực cuộc sống nghèo khổ, khó khăn của một gia đình trong một thị trấn nhỏ. Hoàn cảnh sống này đã khiến những thành viên trong gia đình mất đi nhân tính của họ và tệ hơn, giết chết thế giới trẻ thơ của cậu bé Zezé.
Zezé là một cậu bé 5 tuổi hoạt bát, đáng yêu, nghịch ngợm, ngây thơ, thông minh. Vì những giây phút nhàm chán, cậu thường nghĩ ra những trò chơi nghịch ngợm, như trêu đùa hàng xóm, bạn bè. Cũng vì điều này, cậu bị coi là một đứa trẻ hư hỏng. Cậu cũng khiến mọi người cho rằng nói dối khi biết đọc mà không ai dạy. Những trận đòn roi trút xuống Zezé, trừng phạt cậu vì những trò nghịch ngợm.
'Cây cam ngọt của tôi'. Ảnh: Nhã Nam.
Cho rằng không được yêu, chẳng ai cần đến mình, Zezé đã nghĩ tới cái chết. Cậu chỉ mong bị một chiếc xe hơi cán chết. Cậu cũng nhen nhóm ý nghĩ về việc giết chết người trút đòn roi lên mình: “Cha đánh cháu thậm tệ ông Bồ ạ. Nhưng cũng chẳng sao”, “Cháu sẽ giết ông ấy”.
Cậu cho rằng, mình thật vô nghĩa, nhẽ ra không nên sinh ra trong cuộc đời này: “Mẹ ơi, đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này. Đáng lẽ con nên giống như quả cầu của con…”
Tuy nhiên, cách “giết người” của Zezé cũng thật đặc biệt, nó cho thấy một khao khát yêu thương thật mãnh liệt trong cậu bé cô đơn này. “Không phải giết ông ấy có nghĩa là chộp lấy khẩu súng lục của Buck Jones và bắn bùm! Không cần phải thế. Ông có thể giết một người nào đó trong trái tim ông. Không yêu người đó nữa. Và thế là một ngày nào đó người đó sẽ chết”.
Thế rồi, gia đình Zezé phải chuyển đến một ngôi nhà mới. Ở đây, cậu tìm được một người bạn mới của mình, một cây cam ngọt. Với cây cam, cậu có thể kể cho cây nghe đủ mọi chuyện của mình, từ những câu chuyện vui vẻ ở trường học và những trận roi xót xa…. Cậu gọi cây cam là “bạn yêu”, cây cam luôn lắng nghe, chẳng bao giờ chế giễu, cười cượt cậu
Ngoài cây cam ngọt, Zezé còn làm quen với một ông bác, người bạn mới mà Zezé gọi ông là ông Bồ. Ông Bồ đã luôn lắng nghe những lời tâm sự của Zezé, cho cậu biết được nhiều kiến thức hơn về thế giới này, biết nhiều hơn đến tình yêu thương, tình bạn.
“Mọi người đều yêu cháu. Mẹ cháu, thậm chí cha cháu. Chị cháu Glória, Vua Luís…” Những lời thủ thỉ của ông Bồ đã soi rọi cho Zezé cách cảm nhận về tình yêu mà em chưa từng biết tới.
Zezé đã thốt lên đầy xúc động: “Ông là người duy nhất cháu thích, ông Bồ ạ. Người bạn duy nhất cháu có. Không phải vì ông cho cháu thẻ bài, soda, kẹo và bi… Cháu xin thề đó là sự thật”. Điều đó đã cho thấy, việc được lắng nghe quan trọng với trẻ thế nào.
“Cây cam ngọt của tôi” mang đến nhiều cảm xúc pha trộn. Đó là sự đau xót, thương cảm cho chú bé Zezé với một tuổi thơ nhiều rạn vỡ, buồn tủi. Nhưng cùng với đó, cũng là cái mỉm cười trước tình yêu thương trong sâu thẳm trái tim. Zezé bất hạnh trong gia đình cuối cùng cũng đã gom góp được yêu thương từ những người hàng xóm thân quan hay từ bông hoa trắng của cây câm trong khu vườn. Thì ra, nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi nếu chúng ta trao đủ yêu thương tới những cần nó.
Đọc cuốn sách, độc giả sẽ cảm thấy như được sống lại với tuổi thơ với đôi mắt nhìn trong veo ấm áp, một trái tim luôn khao khát yêu thương. Cuốn sách cũng giúp độc giả nhận ra vẻ đẹp thực sự của cuộc sống đến từ những điều giản dị. Chẳng hạn, chỉ là bông hoa trắng của cái cây sau nhà.
Ra mắt lần đầu ở Brazil năm 1968, “Cây cam ngọt của tôi” nhanh chóng trở thành tác phẩm văn học bán chạy nhất trong lịch sử văn học nước này.