Chào Dương Khắc Linh, hiện nay có không ít cuộc thi tìm kiếm tài năng, chủ yếu là âm nhạc nhưng 'đầu ra' của những chương trình này lại không mấy chất lượng. Bản thân cũng từng là một người ngồi ghế nóng ở nhiều cuộc thi, anh có chia sẻ điều gì không?
Cái gì nhiều quá thì cũng không tốt và những cuộc thi này không tốt khi chưa thực sự tìm kiếm được một người đủ chất lượng để trở thành quán quân. Chắc chắn ở mỗi cuộc thi, người ta đều phải cần tìm ra một quán quân nhưng chưa chắc người này có đầy đủ những yếu tố để xứng đáng với danh hiệu đó, đơn giản là vì cuộc thi năm đó không có quá nhiều tài năng thực sự nổi bật.
Và cứ sau mỗi cuộc thi thì Top 5 bước ra từ chương trình sẽ ra mắt những sản phẩm để trở thành ca sĩ chuyên nghiệp hoạt động trong showbiz Việt, nếu là người không đủ tài năng hay tố chất sẽ rất khó để có chỗ đứng trong nghề.
Việt Nam mình bây giờ có quá nhiều ca sĩ, sản phẩm âm nhạc mới có hằng ngày, như tôi ngày xưa rất ít khi đi họp báo mà bây giờ một ngày đi đến 2-3 cái, người ta ra sản phẩm liên tục, ai cũng có chiến lược y chang nhau, như: cuối năm sẽ ra bài dance thế là dịp cuối năm khán giả bội thực với một đống bài dance, hay như thời điểm sẽ ra bài ballad thì ai cũng ra bài ballad...
Những điều này làm giảm đi sự quan tâm của khán giả dành cho sản phẩm nghệ thuật thật sự vì thị trường luôn có quá nhiều và gần như bão hoà một thể loại âm nhạc trong cùng một thời điểm.
Vậy anh nghĩ những chương trình thực tế như thế này mang lại điều gì cho những người tham gia?
Thực ra, những chương trình lớn, uy tín vẫn có những tài năng, quán quân mà tôi thấy là ổn, họ có những thay đổi về lâu dài sau khi tham gia những chương trình này. Nhưng đúng là ở thực tế có không ít quán quân đã... biến đi đâu mất tiêu. Điều nguy hiểm khi có quá nhiều những chương trình như vậy là khán giả không muốn xem nữa. Điển hình như chương trình Vietnam Idol năm vừa rồi, rõ ràng là hiệu ứng không được tốt lắm.
Theo anh, lý do vì đâu mà các chương trình thực tế chỉ hot mùa đầu, sang đến năm thứ 2 thì 'tịt ngòi'?
Vì khán giả đã biết chương trình sẽ có gì, cấu trúc ra sao thì họ sẽ không tò mò nữa cộng thêm việc thí sinh không nổi bật thì còn gì để xem nữa.
Ở nước ngoài thì khác, họ có nhiều chương trình đến bây giờ vẫn hot, vì họ biết cách thay đổi chương trình để thu hút dư luận, ví dụ như dàn giám khảo. Các chương trình thực tế ở nước ngoài có dàn giám khảo rất hot và cách nói chuyện rất thoải mái. Điều này ở Việt Nam thì vẫn còn một số hạn chế, như khi lên truyền hình vẫn dùng câu chữ sao cho đúng với thuần phong mỹ tục, văn hoá chẳng hạn.
Tất cả những hạn chế này cộng lại cũng làm khó cho các nhà sản xuất khi thực hiện những chương trình thực tế trên sóng truyền hình. Khó có thể có được điểm nhấn thú vị thu hút cho những chương trình dạng này.
Hầu hết ở Việt Nam, các nhà sản xuất có sự đổi mới cụ thể nhất là chuyển thể những chương trình đang hot ở phiên bản người lớn, tạo thêm những phiên bản trẻ em, cá nhân anh có suy nghĩ gì về những dạng chương trình như thế này?
Tôi thấy những 'phiên bản nhí' của chương trình thực tế là những chương trình khá thú vị vì những chương trình tìm kiếm tài năng phiên bản người lớn đôi khi đã cạn kiệt nguồn 'tài năng thực sự'.
Vậy nên việc tìm kiếm những tài năng ở lứa tuổi thiếu nhi sẽ là điều cần khai thác, cũng sẽ có nhiều người xem những chương trình này hơn, chắc chắn sẽ tạo nên nhiều bất ngờ hơn cho khán giả, người ta sẽ không ngờ ở lứa tuổi như thế các bé đã có tài năng như vậy.
Như anh cũng vừa chia sẻ, chuyện tham gia chương trình thực tế sẽ làm thay đổi cuộc sống của cá nhân thí sinh ấy khi bỗng chốc được quan tâm, người lớn có những nhận thức khác nhưng trẻ con thì khác. Phải chăng việc tham gia truyền hình thực tế khi còn bé là điều không nên?
Chắc chắn rằng khi các bé tham gia chương trình thực tế sẽ làm thay đổi nhiều đến cuộc sống, nhưng điều quan trọng là những người làm tổ chức, hay bản thân là một người cũng ngồi ghế nóng chương trình dành cho trẻ em, tôi thấy không nên để các bé 'bay' quá.
Vì khi tham gia, các bé sẽ được nhiều người quan tâm, dễ bị cảm giác 'ghiền' được nhiều người khen ngợi, nhiều 'like' trên facebook, mạng xã hội; khi kết thúc chương trình, các bé sẽ dễ bị hụt hẫng đôi khi là trầm cảm vì thắc mắc 'tại sao mọi người không quan tâm đến mình nữa'.
Phụ huynh và những người tổ chức chương trình phải luôn nhắc nhở các bé việc tham gia chỉ là một cuộc chơi, tạo nên kỷ niệm mùa hè cho vui thôi chứ không phải đặt nặng vấn đề thắng thua, thậm chí là đi kiếm cơm bằng nghề này. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ dễ làm các bé sống ảo, làm hư đi tuổi thơ của trẻ em.
Quán quân của những cuộc thi thực tế chỉ mang ý nghĩa 'hư danh', anh có nghĩ nên hạn chế những chương trình tìm kiếm tài năng như hiện nay không?
Tôi nghĩ rằng những nhà sản xuất phải dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm tài năng thực sự. Hiện nay, các đơn vị sản xuất vẫn còn đang ở thế bị động khi chỉ kêu gọi trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội về việc casting một cuộc thi để trông chờ có tài năng xuất hiện.
Trong khi đó ở nước ngoài, đôi khi người ta dành cả năm trời để dùng nhân sự 'lùng sục' thực tế để tìm những người có tài thực sự và kêu gọi họ đến chương trình của mình.
Ví dụ như ở Hà Lan, khi họ bắt đầu cuộc thi The Voice, họ có cả một ê-kíp 'săn tài năng' tìm kiếm khắp đất nước, ở những quán bar, phòng trà những trung tâm văn hoá để có được những tài năng thực sự tham gia vào một chương trình thực tế. Quá trình này có khi mất hơn 1 năm.
Chương trình giải trí quá nhiều như vậy, nhiều người cho rằng đây cũng là việc góp phần làm cho thế hệ trẻ người Việt thụ động trong việc tiếp nhận thông tin, anh nghĩ gì?
Hiện nay có quá nhiều chương trình ca hát, cứ bật truyền hình lên là thấy ca hát, làm như vậy là đang 'giết nhau.
Điều này thì đúng, giới trẻ Việt bây giờ không quan tâm điều gì khác ngoài showbiz, những vấn đề xã hội, quốc tế họ cũng không biết và dễ quên.
Ở nước ngoài, bên cạnh những chương trình giải trí, họ có rất nhiều game show thực tế phản ánh vấn đề xã hội, xây dựng ý thức cho người dân của mình theo một cách rất hấp dẫn, với cả trẻ em, họ cũng có cách truyền tải thú vị, dễ hiểu. Tôi nghĩ chúng ta cần nhiều hơn những chương trình như vậy.
Hiện nay có quá nhiều chương trình ca hát, cứ bật truyền hình lên là thấy ca hát, làm như vậy là đang 'giết nhau', tôi nghĩ rằng có một số chương trình nên dừng lại là điều tốt nhất. Và cần có nhiều hơn những chương trình thiết thực với cuộc sống của mọi người.
Cám ơn anh về những chia sẻ trên!