Không chỉ những phim thuộc thể loại hành động mà cả trong các phim tâm lý, gia đình nhưng khi có kịch tính, cao trào với những cảnh nguy hiểm thì sẽ phải nhờ đến lực lượng diễn viên đóng thế.
Không đặc thù, chỉ mua bảo hiểm chung ê-kíp
Những phân đoạn nguy hiểm trong video clip Quốc Cơ - Quốc Nghiệp 'chồng đầu' trên xe máy để quảng bá cho một dòng xe mới, vừa trở thành tâm điểm tranh luận của công chúng. Khi hình ảnh hậu trường được tung ra, cả 2 nghệ sĩ xiếc này có sự hỗ trợ từ các thiết bị chuyên dụng như cần cẩu nâng người, dây bảo hộ đi kèm. Các thành viên trong ê-kíp cũng vây quanh để sẵn sàng hỗ trợ kịp thời.
Hậu trường video clip Quốc Cơ - Quốc Nghiệp “chồng đầu” trên xe máy có cần cẩu và dây cáp bảo hộ. (Ảnh cắt từ màn hình)
Sau khi xem video clip quảng cáo của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, công chúng đặc biệt quan tâm đến việc các diễn viên, cascadeur trên trường quay phim khi thực hiện cảnh nguy hiểm có được bảo hiểm không. Khi xảy ra sự cố, họ sẽ được bồi thường thế nào và làm sao để hạn chế thấp nhất tình huống có thể dẫn đến chấn thương để bảo vệ bản thân.
Người trong giới cascadeur cho biết đa phần các đoàn phim điện ảnh, phim truyền hình lớn hiện nay đều mua bảo hiểm chung cho đoàn phim. Thuộc dạng bảo hiểm nhân sự đoàn phim, cascadeur nhận bảo hiểm như một diễn viên bình thường trong đoàn chứ không phải bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp mà một diễn viên đóng thế đúng với những việc nguy hiểm họ sẽ thực hiện.
Một số đoàn phim truyền hình nhỏ, lẻ, kinh phí không nhiều thì có thể tiết kiệm và né tránh không mua bảo hiểm nhưng những đoàn phim được đầu tư, nhất là đoàn phim có yếu tố nước ngoài thì bảo hiểm được chú trọng. Bởi nhà sản xuất hiểu rõ, công việc quay phim đôi khi có những tình huống hiểm nguy khó lường trước, nhất là quay ở bối cảnh núi cao, rừng sâu, sông rạch cùng những địa hình hiểm trở khác. Có bảo hiểm, khi gặp phải tình huống bất trắc, các thành viên trong ê-kíp cũng sẽ được hỗ trợ một số tiền đỡ phần nào chi phí chữa trị.
Theo những người trong cuộc tùy từng hợp đồng bảo hiểm của từng đoàn phim khác nhau ở các thời điểm khác nhau mà mức độ đền bù cũng sẽ khác nhau. 'Giả dụ, nếu đoàn phim mua bảo hiểm mức độ 50.000 đồng thì sẽ nhận mức đền bù cao nhất có thể là 20 triệu đồng và nếu là 500.000 đồng thì mức đền cao nhất có thể là 200 triệu đồng. Thông thường, các đoàn phim chỉ mua bảo hiểm mức trung bình' - ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cascadeur Quốc Thịnh, cho biết.
Theo NSƯT - đạo diễn Nguyễn Phương Điền các nhà sản xuất phim thường mua bảo hiểm theo gói, hợp đồng có thời hạn 3 tháng hoặc 6 tháng vừa đủ dự trù thời gian quay phim. Khi phim kết thúc thì hợp đồng bảo hiểm cũng chấm dứt.
Tập luyện tự thân
Mỗi cascadeur khi vào nghề đều hiểu rõ tính chất nguy hiểm trong công việc của mình. Đặc biệt, ở thị trường còn non trẻ như phim Việt, các chế độ để bảo hộ quyền lợi cho nghề nghiệp này không nhiều. Tuy nhiên, với niềm đam mê, tinh thần cống hiến, họ nỗ lực theo nghề bằng tất cả tâm huyết của mình. Cascadeur Quốc Thịnh cho biết ở các nước khác có hiệp hội cascadeur, hội nghề nghiệp đứng lên bảo vệ quyền lợi cho những thành viên nhưng tại Việt Nam thì chưa có.
Hiện tại, cascadeur Việt hoạt động chủ yếu theo từng đội, nhóm. Các trưởng đội, nhóm dẫn đầu sẽ đứng ra nhận công việc cho các thành viên, cung cấp danh sách cho phía nhà sản xuất phim để họ mua bảo hiểm, kiểm tra công việc, các quyền lợi cho thành viên. Nếu có chấn thương, họ sẽ được bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm phía nhà sản xuất đã mua.
'Nếu bị chấn thương nặng, đoàn phim cũng hỗ trợ riêng một ít chi phí nhưng con số không đáng kể. Đó là những thiệt thòi cho cascadeur Việt nếu chẳng may bị thương phải ngừng mọi công việc thời gian dài để phục hồi. Họ sẽ phải chịu cảnh không có thu nhập suốt giai đoạn này cho đến khi có thể lên trường quay trở lại. Vì thế, nhiều bạn trẻ yêu nghề muốn cống hiến cho điện ảnh Việt nhưng nghĩ đến tai nạn, chấn thương lại lùi bước. Một số người theo nghề một thời gian thì lại rời đi, tìm kiếm công việc khác' - một cascadeur đề nghị không nêu tên bộc bạch.
Cascadeur Thanh Hoa cho biết: 'Đây là nghề cần phải có đam mê, yêu thích mới có thể theo đuổi. Để giảm chấn thương cũng như các nguy hiểm khác, luyện tập là điều không thể thiếu. Việc luyện tập diễn ra hằng ngày, chuyên cần để giảm xác suất nguy hiểm có thể xảy ra'.
Ngày trước, cascadeur thường phải đóng mọi cảnh nguy hiểm như nhảy cầu, nhảy lầu, nhảy vực, cháy nổ… mức độ mạo hiểm cao và cũng dễ gặp chấn thương. Ngày nay, các phương tiện kỹ thuật có thể hỗ trợ giúp cascadeur giảm bớt nguy hiểm. Như clip của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, ở hậu trường có cần cẩu nâng người, có dây bảo hộ hỗ trợ. Trong phim 'Đất rừng phương Nam', cảnh bé An (Hạo Khang thủ diễn) nhảy xuống cầu nếu là trước đây cascadeur phải tự nhảy để ghi hình nhưng nay cũng có sự hỗ trợ từ dây cáp, tránh va đập dẫn đến bị thương'.
Năm 2016, Trương Ngọc Ánh từng tuyên bố đã mua bảo hiểm với mức bồi thường 50.000 USD cho dàn diễn viên của phim “Truy sát” vì phim chuyên về hành động với nhiều pha mạo hiểm, dễ chấn thương.