Bộ phim tài liệu Nơi ta thuộc về bắt đầu đầy chân thực, gần gũi với những công việc mà bà Virginia Mary Lockett đang làm gần 20 năm qua tại Việt Nam. Bà Virginia Mary Lockett sinh năm 1953 tại Mỹ, là một chuyên gia vật lý trị liệu. Công việc của bà mỗi ngày là thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng vào 7h. Gần gũi, tận tình và làm việc hết mình, Virginia được những bệnh nhân của mình rất yêu quý, trân trọng và coi như người thân trong gia đình.
'Khi gặp bà, mình nghĩ bà là một người Việt Nam chứ mình không nghĩ bà là một người Mỹ, bà rất thương yêu bệnh nhân. Tuy mình không biết tiếng Anh nhưng mình cảm thấy rất gần gũi với bà. Mình thương yêu bà như người mẹ thứ 2, dìu dắt cùng các cô ở đây chăm sóc cho chồng mình được như hôm nay', bà Phạm Thi Dư - Quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng chia sẻ.
Ở Mỹ, bà Virginia đã là trưởng khoa ở một vài nơi từ những năm 1970. Thế nhưng, phần lớn công việc của bà là làm chăm sóc sức khỏe tại nhà. Vì yêu cầu công việc, bà phải lái xe từ 50 - 100 dặm mỗi ngày để thăm khám bệnh nhân, chỉ có di chuyển và di chuyển từ nơi này đến nơi khác.
'Khi đó, tôi thường thăm khám cho người lớn tuổi. Thỉnh thoảng chúng tôi mang những động vật nuôi ở trang trại của mình đến cho bệnh nhân xem', bà Virginia kể.
Bà Virginia trở thành trưởng khoa ở một bệnh viện lớn hơn ở Virginia Beach. Đó là bệnh viện nơi một người bạn thân thiết với bà Virginia đang làm việc. Nói về bà Virginia, bà Lucy Gaines cho biết: 'Chúng tôi làm việc cùng nhau khoảng 4 năm. Thật tuyệt vời khi biết một người như Vir. Cô ấy đã làm những điều phi thường trong cuộc đời của mình. Cô ấy là người phụ nữ quyết tâm nhất mà tôi từng biết. Cô ấy có lòng trắc ẩn với những người cao tuổi và những người gặp chân thương nghiêm trọng, bị đột quỵ hay với vào hoàn cảnh sống còn. Cô ấy có lòng cảm thông bao la cho họ'.
Ngôi nhà của Virginia ở Mỹ có một vị trí đẹp, có thể nhìn thấy núi ở mọi hướng. Gia đình bà có 13 mẫu đất, canh tác và nuôi động vật trong trang trại. Đó cũng là giấc mơ của bà từ khi còn nhỏ.
Vợ chồng bà Virginia có một cô con gái. Nhưng bà và chồng đều cho rằng gia đình mình có đủ chỗ cho những đứa trẻ khác. Dó đó, họ đã chờ đợi cơ hội từ việc nhận nuôi con nuôi ở nước ngoài. 'Cơ hội đến khi tổ chức thông báo về một cặp chị em đến từ Việt Nam đang có nhu cầu nhận nuôi. Ông bà đã tới Phú Yên để đón hai chị em sang Mỹ' - bà Virginia nhớ lại - 'Tôi đã đặt tên Mỹ cho các con nhưng vẫn giữ tên Việt Nam của bọn trẻ làm tên đệm… Chúng tôi đã rất lo lắng khi các con chuyển đến Mỹ vào khoảng thời gian tháng Giêng, còn chúng tôi sống trên núi nên rất lạnh, có tuyết nữa. Chúng tôi rất lo lắng nhưng ọn trẻ rất thích'.
Năm 2005, sợi dây kết nối với Việt Nam lại tiếp tục đến với bà Virginia. Khi thấy yêu cầu tìm kiếm nhà vật lý trị liệu đến tình nguyện tại một bệnh viện phục hồi chức năng tại Đà Nẵng, bà Virginia đã sang Việt Nam. Tới đây, bà nhìn thấy một số lượng khổng lồ bệnh nhân bị tổn thương não vì lúc ấy chưa có luật phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Và có vẻ như các bác sĩ trị liệu không biết phải làm gì cho các bệnh nhân này. Vì vây, nhu cầu chữa trị ở thời điểm đó càng trở nên khổng lồ.
'Chuyến đi đó chỉ là một chuyến tình nguyện ngắn hạn, có 3 tuần thôi. Tôi cảm thấy các tình nguyên viên đến và đi quá nhanh. Lúc đó, một suy nghĩ mạnh mẽ thôi thúc trong đầu tôi là giúp đỡ những bệnh nhân này. Đó là điều tôi luôn muốn làm để trở thành một người hữu ích' bà Virginia nói.
Không có nhiều tiền, ngôi nhà là tài sản giá trị nhất của vợ chồng bà Virginia lúc đó. Họ đã quyết định bán nhà để đến Việt Nam làm tình nguyện. Bạn thân của Virginia cho rằng bà đã có một hành động dũng cảm, quá quyết đoán nằm ngoài trí tưởng tượng. 'Đó là việc chúng ta có thể nói, nhắc đến nhiều lần nhưng hiếm ai dám làm', bà Lucy chia sẻ.
Việc bán nhà nghĩa là không có đường quay lại, lúc ấy bà Virginia dường như bước đi bằng niềm tin. Suy nghĩ mạnh mẽ nhất của bà ở thời điểm ấy đó là điều đúng đắn phải làm. Việc bán nhà là cách duy nhất để thực hiện được điều đó.
Với quyết định của vợ mình, ông Philip David Lockett cho rằng đó là một ý tưởng rất tuyệt. 'Từ lúc nhận con nuôi, ông bà chưa trở lại Việt Nam lần nào' - ông Philip chia sẻ - 'Cô ấy là người rất tốt, tôi rất yêu cô ấy. Tôi đã đọc thêm sách về Việt Nam'.
Că hai vợ chồng bà Virginia vẫn nhớ ngày chuyến bay của mình đến Việt Nam, trời mưa nên máy bay không thể hạ cánh được. Khi đến đây, bà Virginia đã nghĩ rằng đội ngũ quản lý tại bệnh viện chấn thương chỉnh hình sẽ làm việc để họ có một biên bản ghi nhớ, giúp họ có thể làm việc trực tiếp và lâu dài tại bệnh viện mà không cần qua tổ chức y tế tình nguyện quốc tế. Nhưng thực tế mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ như vậy.
'Có rất nhiều khó khăn khi chúng tôi quyết định đến Việt Nam. Mọi chuyện hầu như không đi theo quỹ đạo của nó' - bà Virginia kể - 'Chúng tôi đã đóng gói mọi hành lý của mình và gửi qua container bằng đường biển. Container đến rất sớm và hãng muốn nó quay trở lại ngay thế nên chúng tôi cần có chỗ để sắp xếp hành lý và ổn định. Thế nhưng vì không có thỏa thuận với bệnh viện nên chúng tôi không có nhà để ở. Chúng tôi buộc phải thuê nhà chứa đồ. Lúc ấy thật sự là khó khăn và bấp bênh. Những điều chúng tôi được hứa hẹn đã không xảy ra. Chúng tôi chưa bao giờ ở đây và giờ chúng tôi chỉ có visa du lịch, không có nhà để ở và contenneir thì ngổn ngang. Tất cả chúng tôi đã thất vọng'.
Để giải quyết vấn đề pháp lý khi làm việc ở Việt Nam, bà phải thành lập một tổ chức phi chính phủ. Tổ chức của bà tập trung vào những bệnh viện công, trong đó có một trong những bệnh viện mà bà làm tình nguyện viên đợt đầu. 'Những người quản lý nói với tôi rằng chúng tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm từ bạn. Vì vậy, tôi đã liên tục thay đổi cách tiếp cận, cố gắng tạo động lực cách này hay cách khác. Cuối cùng, một nhà trị liệu đã bí mật nói với tôi rằng cách của bạn quá khác biệt và sẽ không ai làm theo kiến thức hay hướng dẫn của tôi. Ôi, ba năm dối lừa, vì vậy tôi đã từ bỏ việc giảng dạy và chỉ tập trung vào thăm khám cho bệnh nhân', bà Virginia nói.
Những vấn đề của vợ chồng bà Virginia còn đến từ con cái. Tới Việt Nam, vợ chồng bà mang theo cậu con trai nuôi người Việt Nam, bởi các cô con gái đã đủ 18 tuổi và không cần ở gần bố mẹ. Khi ấy, cậu bé 13 tuổi, không được vui vì muốn gần bạn bè của mình.
Thế nhưng, thời gian ở Đà Nẵng quá buồn với cậu bé. Ở Mỹ, con trai bà Virginia đã có một vài rắc rối nhỏ và khi đến đây, cậu bé bắt đầu giao du với những đứa trẻ xấu. Trong khi đó, các cô con gái ở Mỹ cũng gặp rắc rối của mình. Cuối cùng, con trai bà quyết định trở lại Mỹ ở với chị gái. 'Tôi nghĩ đó là một quyết định tồi tệ. Nhưng tôi không thể ngăn cản được và nó hoàn toàn là tình huống không thể kiểm soát. Tôi thực sự buồn và thất vọng' - bà Virginia cho biết - ''Bọn trẻ không cảm thấy cần phải giữ liên lạc với tôi. Điều đó thật đáng buồ. Ai lại muốn như vậy chứ, nhưng đó là cách mọi thứ đã diễn ra…'
Sau thời gian đó, bà Virginia gặp được một số người tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Bà từng không hào hứng với nơi này vì tất cả những bệnh viện mà bà đến tại Việt Nam đều là bệnh viện phục hồi chức năng nhưng không có hiệu quả gì. Trong khi bệnh viện y học cổ truyền trong suy nghĩ của bà chủ yếu là châm cứu. Nhưng bà muốn làm việc và giúp đỡ mọi người.
Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng là bệnh viện thứ 4 bà tới làm việc nhưng đây là nơi đầu tiên cởi mở, ủng hộ bà làm những điều mới. Điều đó càng thú vị khi đó chỉ là bệnh viện y học cổ truyền. Từ những bệnh nhân đầu tiên, dần dần bệnh viện có thêm nhiều bệnh nhân khác.
Không chỉ tham gia chữa trị, bà còn tự mình may những chiếc đai an toàn dùng trong quá trình điều trị vật lý trị liệu. Với sự giúp đỡ của người phiên dịch thân thiết - người đã đồng hành với bà Virginia trong 16 năm qua, họ tạo ra rất nhiều chiếc đai an toàn cung cấp cho bệnh nhân. 'Khi chúng tôi mới đến, bệnh viện chỏ có 1 cái dây đai. Thật khủng khiếp nếu ai đó lấy mất dây đai, như thể thảm họa vậy. Tôi đã nói hãy làm thêm dây đai, chúng tôi làm nó miễn phí và tặng cho bệnh nhân', bà Virginia kể.
Theo thầy thuốc ưu tú Nguyễn Văn Ánh - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, bà Virginia như một làn gió mới thổi vào đơn vị phục hồi chức năng, đặc biệt là việc trị liệu cho bệnh nhân. Từ việc chỉ có vài bệnh nhân tập mỗi ngày, nơi này giờ có gần 400 lượt bệnh nhân. Bà đã lan tỏa năng lượng tích cực tới toàn bộ cán bộ nhân viên bệnh viện, truyền cảm hứng, niềm tin cho bệnh nhân.
Vinh danh những cống hiến của bà, cũng như một lời tri ân của các bệnh nhân gửi tới bà Virginia, một bức tượng của bà đã được tạo nên, ghi nhận một tình nguyện viên đã hy sinh rất nhiều cho bệnh nhân. Mong ước của vợ chồng bà là có thể ở tại Việt Nam đến cuối đời. Nhưng mong ước đó thành hiện thực thì không dễ dàng.
Để thực hiện nguyện vọng ở lại Việt Nam đến cuối đời, bà Virginia cần được nhập quốc tịch Việt Nam. Ngày 18/10/2024, bà Virginia được nhận quyết định trao thưởng Huân chương Hữu nghị của Việt Nam cho những cống hiến không mệt mỏi của bà. Ước mơ được ở lại Việt Nam của bà đã rất gần…
'Công việc tôi đang làm thực sự mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi. Tôi muốn làm nó cho đến khi có thể. Việt Nam là nhà của tôi, ngôi nahf này là mái ấm của tôi. Tôi chưa bao giờ sống trong ngôi nhà nào lâu như trong ngôi nhà này, tôi chưa bao giờ sống ở thành phố nào lâu như thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi có bạn bè ở đây dù chúng tôi không thể nói tiếng Việt thì chúng tôi vẫn yêu thương và tôn trọng nhau' - bà Virginia tâm sự - 'Khi ở Việt Nam, chúng tôi không có nổi một căn nhà giàu có, không có một công việc làm lương cao và ổn định. Nhưng điều đó có gì quan trọng? Tất cả những người quan tâm và yêu thương chúng tôi đều đang ở đây. Tôi thực sự nghĩ tôi là một người Việt Nam và Việt Nam là nhà của tôi'.
Cùng theo dõi câu chuyện hành trình của bà Vir tại Việt qua trong bộ phim tài liệu Nơi ta thuộc về: