Trong tập 4 phát sóng tối qua, khán giả đã được gặp lại NSƯT Hồng Vân trên sân khấu Ký ức vui vẻ khi bà là khách mời đặc biệt - nhân vật bí ẩn trong thử thách riêng của đội thập niên 70. Đến với chương trình, một lần nữa nữ danh ca làm sống lại những ca khúc dân ca trữ tình ngọt ngào, những áng văn thơ lay động lòng người bằng chất giọng nhẹ nhàng tựa như mây của người con gái xứ Huế. MC Thảo Vân cũng góp giọng khi thử dẫn chương trình bằng giọng Huế, tuy vẫn còn chưa quen nhưng sự dí dỏm của chị khiến khán giả không nhịn được cười.
Ở thử thách chung dành cho các đội, MC Thảo Vân phát cho các thập niên 50 nghìn để mua các món ăn sáng miền Tây tại 'khu chợ' Ký ức vui vẻ, đội nào càng mua nhiều món và ăn hết các món mình đã mua sẽ ghi được điểm. Các nghệ sĩ hào hứng tham gia thử thách và nhanh chóng trả giá, mua bán và mang về những món ăn ngon. NSND Tự Long và ca sĩ Nguyễn Phi Hùng tuy mang về 10 món nhưng lại là đội 'chơi gian' nhất khi Ban quản lý chợ thay nhau 'tố' NSND Tự Long đi chợ mà quên trả tiền. Không chỉ có nghệ sĩ được thưởng thức những món ăn ngon, trợ lý thập niên và khán giả cũng hào hứng tham gia và tận hưởng hương vị ẩm thực miền Tây với đa dạng các món ăn.
Trong một hoạt cảnh vui nhộn, sự xuất hiện của chiếc máy đánh chữ khơi gợi nhiều kỷ niệm khó quên. Nhà báo Minh Đức cho biết từ ngày bé đã có cơ hội được tiếp xúc nhiều với chiếc máy đánh chữ bởi hay theo mẹ đến cơ quan: 'Ở trường học của mẹ có cô Phúc văn thư đánh máy siêu phàm. Nhìn bàn phím qwerty không hiểu sao có thể đánh máy được như thế. Lúc làm ở tòa soạn các phòng ban đã có máy tính rồi nhưng một số bộ phận vẫn sử dụng vì đã quen thuộc và khó chuyển đổi. Hôm nay thấy lại chiếc máy này làm mình khá bồi hồi'. Ca sĩ Pha Lê bồi hồi kể kỷ niệm hồi bé: 'Ông em là nhà thi sĩ Lê Đại Thanh, cụ hay soạn thơ bằng máy đánh chữ, mỗi lần cụ sáng tác là em ngồi trong lòng'. NSND Tự Long nhấn mạnh: 'Những gia đình mua máy này khá ít. Chủ yếu là các cơ quan xí nghiệp, đoàn thể mới dùng thôi'.
Dù là một chiếc máy đắt đỏ và hiếm hoi thời ấy nhưng một câu nói 'Nhà chị có' của NSƯT Chiều Xuân khiến cho cả trường quay ngỡ ngàng và thích thú. Giải thích thêm về việc sở hữu vật dụng này, nữ nghệ sĩ cho biết: 'Bố chồng chị là nhạc sĩ, ông là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ và ông thường xuyên phải sáng tác nên có riêng một chiếc máy như này. Hồi chị về làm dâu đã thấy ông ngồi máy đánh chữ suốt. Ông còn có một cuốn hồi ký rất dày được sáng tác từ chiếc máy này'.
Nhân dịp nhắc đến vị nhạc sĩ tài hoa, NSND Tự Long giới thiệu thêm với khán giả, bố chồng của nghệ sĩ Chiều Xuân chính là cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận - người được đặt tên cho đường phố Hà Nội bây giờ. Những cảm xúc khó gọi thành tên, sự tự hào dâng tràn trong từng câu nói của NSƯT Chiều Xuân cùng lời cảm ơn chính thức dành cho chương trình đã gợi lại những ký ức gần gũi với chị, một phần nào minh chứng cho việc Ký ức vui vẻ không chỉ là một gameshow truyền hình mà còn là cầu nối giúp khán giả tìm về những khoảnh trời của riêng mình thông qua những câu chuyện ý nghĩa. Và qua các tập phát sóng những câu chuyện, những kỷ niệm có thể khác đi nhưng cảm xúc khi nhớ về thì vẫn rất chân thật và nguyên vẹn.
Ở lò luyện thi Đại học của Ký ức vui vẻ, các nghệ sĩ được dịp nhớ lại những kỷ niệm khi còn 'cắp sách đến trường', á hậu Hà Thu chợt nhớ đến ngày xưa khi còn đi học cứ phải liên tiếp chạy từ lớp học thêm này đến lớp học thêm khác chỉ với ước mơ và mục tiêu có thể thoát khổ bằng con đường Đại học. Cho đến tận bây giờ khi đã thành công và có được danh hiệu mà nhiều người ao ước, Hà Thu đôi lúc vẫn giật mình trong mơ bởi những cơn ác mộng không thi đỗ. Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng có phần may mắn và con đường học hành cũng suôn sẻ hơn khi liên tiếp nhận được học bổng, phụ giúp lại gia đình. Ca sĩ Chí Thiện bỏ học Đại học giữa chừng, ca sĩ Trương Quỳnh Anh chỉ học hết lớp 10 để đi đóng phim. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi lựa chọn khác nhau nhưng luôn gặp nhau ở điểm mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và dù là lựa chọn thế nào, miễn là điều mình đam mê và giúp ích cho xã hội thì đều đáng trân quý.