Theo Reuters, đó là một cấu trúc cự thạch vĩ đại, gồm nhiều tảng cự thạch hầu hết xếp thành vòng, từ lâu đã được mệnh danh là 'Stonehenge của Tây Ban Nha'. Nó được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà khảo cổ học người Đức Hugo Obermaier vào năm 1926.
'Stonehenge của Tây Ban Nha'. Ảnh: Reuters.
Khu vực trên đã bị ngập lụt từ năm 1963 trong một dự án làm thay đổi dòng nước nhằm phát triển vùng nông thôn này, gây tiếc nuối cho giới khảo cổ bởi bí ẩn về cấu trúc vẫn chưa được giải mã.
Các nhà khảo cổ vẫn chưa thể hiểu hết về cấu trúc của nó, nhưng họ kết luận nơi này có tác dụng như một đài thiên văn cổ xưa của những người ở 4000 - 5000 năm về trước. Do nhận thấy điểm tương đồng trong cấu trúc giữa Anh và Tây Ban Nha, các nhà khảo cổ nghi ngờ công trình ở Tây Ban Nha cũng rất có thể là một “đài thiên văn” cổ đại khác.
Cấu trúc ở Tây Ban Nha có công dụng tương tự hay không, đó vẫn là một câu đố mà các nhà khoa học đang chạy đua để giải bởi có thể 'Stonehenge của Tây Ban Nha' sẽ sớm chìm lại xuống nước.
'Stonehenge của Tây Ban Nha' không được hoàn hảo như Stonehenge gốc, có vẻ phức tạp hơn với nhiều vòng hơn, một số tảng có vẻ đã bị thời gian làm xô lệch.
Tờ Independent dẫn lời nhà khảo cổ Enrique Cedillo từ Trường ĐH Complutense ở Madrid, một trong các chuyên gia đang nghiên cứu cấu trúc, cho biết đây là một bất ngờ và là một cơ hội hiếm có để tiếp cận nó.
Cấu trúc có tên chính thức là Dolmen của Guadalperal, tuổi đời còn xa xưa hơn Stonehenge. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy nó có từ năm 5000 trước Công Nguyên.
Dolmen hiện đang nằm ở trong lòng hồ chứa nước Valdecanas, miền Trung Caceres. Do mực nước trong hồ đã giảm 28% nên toàn bộ công trình mới có thể “hiện ra” được. Đến mùa mưa lũ, mực nước dâng cao, toàn bộ công trình sẽ lại chìm xuống.
Có rất nhiều cấu trúc tương tự được tìm thấy trên khắp Tây Âu, đa số có quy mô nhỏ hơn và người ta vẫn chưa rõ những ai, với những mục đích gì đã dựng nên chúng. Hài cốt người được tìm thấy gần một số nơi, làm phức tạp thêm câu đố.