Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của tác giả Đặng Tiên Dung (Hà Nội)
Những thước phim về mẹ lướt qua trong kí ức của tôi, từ lúc tôi còn nhỏ dại, bước vào cấp một, cấp hai, cấp ba, đại học, đi làm và giờ tôi đã là cô gái gần 31 tuổi. Những hình ảnh về mẹ không phải lúc nào cũng đẹp đẽ, ấm áp và ngọt ngào; nhưng điều giá trị của hành trình đã qua là mẹ đã thay đổi để ngày càng trở thành phiên bản người mẹ tốt đẹp hơn của chị em chúng tôi.
Ấn tượng của tôi về mẹ những ngày còn bé thơ là một cô giáo đậm chất nông dân. Lý do là vì ngoài những buổi lên lớp dạy học, mẹ còn cáng đáng gần bảy sào ruộng. Cởi bỏ những chiếc áo sơ mi, quần âu là bộ quần áo lao động sờn rách có mùi ngai ngái của bùn đất, cộng hưởng với mùi rơm rạ, chua chua mùi mồ hôi. Mùi thơm ấy tôi hít hà mãi không biết chán.
Những ngày ấy, bố tôi đi bộ đội đóng quân ở tận Lai Châu, mẹ một mình chăm lo cho ba chị em chúng tôi. Mẹ vất vả, bận bịu sớm hôm, nhưng tôi vẫn cảm nhận tình yêu ngọt ngào mẹ dành cho tôi. Bởi những chiếc ôm, những quấn quýt không rời của tôi với mẹ, những cái vuốt ve, nựng yêu mẹ dành cho đứa con gái út bé bỏng của mình. Và cả những trận đòn đau đớn nhưng tình yêu vẫn đong đầy.
Ngày bé, tôi thường không ngủ trưa, theo trẻ con hàng xóm bày trò nghịch ngợm. Một lần, tôi xin mẹ cho tôi tắm ao cùng mấy anh chị lớn, nhưng sau đó chúng tôi lại được rủ rê xem phim ở nhà hàng xóm. Tôi xem mải miết đến nỗi không nghe được tiếng gọi của chị và mẹ. Khi về đến nhà, tôi thấy có rất nhiều người đang vây quanh ao nhà tôi, cố gắng tìm kiếm thứ gì đó.
Mọi người nhìn thấy tôi và báo cho mẹ tôi biết. Lúc đó, có người nói: “Ôi nó đây này, đánh chết cho chừa cái thói mải chơi, gọi không về để người nhà tưởng chết đuối”. Mẹ nhìn thấy tôi thì liền dùng gậy đánh cho tôi hai phát rất đau, tôi gào khóc và sau đó ngủ thiếp đi. Khi tôi thức dậy, tôi thấy mẹ đang lấy thuốc mỡ xoa vào vết đánh trên người tôi và khóc, mẹ bảo: “Từ giờ phải ngủ trưa, không được đi chơi mà không báo với mẹ với các chị, nhớ chưa?”. Tôi gật đầu và ôm lấy mẹ. Lúc ấy dù vẫn còn đau nhưng tôi không giận mẹ mà thấy hối lỗi vô cùng.
Sau này tôi mới biết, mẹ tôi thức dậy và ra bờ ao thấy đôi dép của tôi một chiếc trên bờ, một chiếc trôi dưới nước, cùng với đó là thấy nước dưới ao có chỗ sủi bọt, mẹ đã hoảng hốt hô hoán mọi người đến cứu vì nghĩ rằng tôi bị ngã xuống ao. Những ngày ấy, tôi thấy mình bé bỏng nằm trong lòng mẹ, và cứ nghĩ rằng sẽ mãi như thế.
Khi tôi vào cấp một và cấp hai, hình ảnh về một người mẹ ấm áp đã phai nhạt, nghĩ về mẹ là nhớ những cơn thịnh nộ, những hành động làm tổn thương đến đứa con gái đang mới lớn. Có lẽ bởi những nhọc nhằn của cuộc sống, nỗi lo cơm áo gạo tiền đã chèn ép hết thảy những đong đầy yêu thương ngày bé của mẹ dành cho chúng tôi.
Năm tháng ấy, bố tôi bị bệnh, triền miên từ bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh và huyện; vừa phải lo công việc vừa đi chăm sóc chồng, mẹ mệt mỏi và dồn hết những uất hận lên ba chị em chúng tôi. Mỗi ngày, tôi lớn lên cùng với những trận mắng không dứt, đến nỗi tôi nghĩ: “Một ngày bố mẹ không mắng vài lần thì không chịu được”.
Mẹ mắng, bố mắng và không ngừng so sánh chị em tôi với những bạn bè đồng trang lứa. Tôi còn nhớ một lần, có một chị con đồng nghiệp của mẹ tôi đỗ Đại học Dược Hà Nội, cô ấy mua đồ đến trường liên hoan chúc mừng con gái. Mẹ đi làm về, vừa để xe đạp trước nhà, mẹ vứt túi kẹo vào chỗ chúng tôi và nói: “Ăn đi cho mở mắt ra, con người ta học hành giỏi giang, con nhà này thì dốt nát”.
Những lời nói ấy đã làm ba chị em tôi khóc trong suốt ngày hôm đó. Trong những năm tháng đi học, tôi luôn lo sợ mỗi khi bị điểm kém, và hãi hùng mỗi khi có buổi họp phụ huynh vì tôi biết sẽ không bao giờ nhận được sự an ủi của bố mẹ mà luôn là những lời mắng nhiếc. Không chỉ vậy, những cái âu yếm, vuốt ve trìu mến thời bé dại là điều xa xỉ với tôi lúc này.
Tôi học cấp hai xa nhà, mỗi lần tan trường, nhìn bố mẹ các bạn đến đón, vuốt tóc con và hỏi: “Hôm nay có vui không con?”, tôi cứ đứng ở một góc nhìn mãi đến ngẩn ngơ. Tôi thèm cái cảm giác quan tâm và che chở như thế, tôi lóc cóc đạp xe trên chặng đường hơn 7 km mà nước mắt không ngừng rơi.
Cũng vì những tổn thương ấy, tôi đã khắc trên chiếc bàn học dòng chữ: “Nhà tù Tưởng Giới Thạch về mặt tinh thần”, và mong lớn thật nhanh để thoát khỏi “nhà tù ấy”. Sau này tôi mới biết rằng: điều ấy đã khiến mẹ tôi cảm thấy buồn bã ra sao và biết bao đêm không chợp mắt được vì suy nghĩ non dại của đứa con gái.
Và chiếc xe đạp lại cùng tôi trên chặng đường cấp ba học xa nhà hơn nữa. Mẹ tôi thì vẫn thế, nhưng trái tim của tôi lúc này đã bớt nhạy cảm. Tôi đã biết thương mẹ hơn, đi học trọ xa nhà thì đã thấy nhớ mẹ hơn.
Tôi không thể nào quên hình ảnh một buổi chiều chủ nhật năm tôi học lớp 10, tôi khăn gói để lên thành phố đi học. Mẹ ngồi trước mái hiên, nhắc nhở tôi mang cái này mang cái kia, lúc ấy những tia sáng cuối ngày chiếu vào bóng hình nhỏ bé của mẹ. Tôi thấy mẹ tôi già nua, khắc khổ mà lòng tôi thổn thức.
Chiều hôm ấy, trên hành trình đi học, nước mắt tôi lại rơi, nhưng không phải vì uất ức, tức giận mà là tình thương của đứa con gái dành cho mẹ. Tôi quyết tâm là tôi sẽ phải trở thành một đứa con gái giỏi giang để có thể xóa hết những nỗi buồn thương, mệt mỏi của mẹ. Lúc ấy tôi nghĩ đến những vần thơ mẹ viết về mình, tôi cảm thấy mình đã bắt đầu hiểu hơn về mẹ:
“Em vẫn là cô giáo của làng quê
Vất vả nuôi con tháng ngày lam lũ
Từ trường về, em làm tranh thủ
Cám bã lợn gà, rau cháo nuôi con
Ai vẫn trông cứ ngỡ em giàu
Vẻ dịu dàng khác chi người ngoại tỉnh
Mỗi đêm về bao nỗi buồn giấu kín
Em như bông hoa ngát bốn mùa”
Và những năm tháng đại học, những biến cố gia đình kéo theo bao khó khăn về kinh tế. Mẹ đã không còn cay nghiệt như thời tôi thiếu nữ, tôi cũng đã thấu hiểu và cảm thông cho những suy nghĩ và hành động của mẹ. Nhưng chỉ có điều tôi vẫn không thể mở lòng sẻ chia với mẹ, tôi giữ những nỗi buồn trong tim, gồng mình bước qua thời tuổi trẻ non nớt.
Lúc ấy, tôi mong mẹ có thể nói với tôi: “Con đã làm rất tốt rồi”, và tôi đã tạo ra một người mẹ trong mơ như thế qua những trang nhật ký tuổi hồng. Người mẹ tôi tạo ra đã cho tôi sức mạnh để tôi vượt qua hết những khó khăn để trở thành một người con gái mạnh mẽ.
Rồi những ngày tôi đi làm, mẹ về hưu, tưởng chừng mẹ con tôi sẽ vẫn mãi như thế. Nhưng mẹ tôi đã thay đổi rồi, mẹ như bước ra từ những trang nhật ký thời đại học để trở thành nguồn sức mạnh to lớn cho tôi. Tôi nhớ những ngày tôi 28, lần đầu tiên tôi vụn vỡ trái tim khi mối quan hệ tôi trông đợi đã không cho tôi kết quả mà tôi mong muốn. Tôi đã nghĩ mình sẽ lại cô đơn tự mình vượt qua.
Lần đầu tiên hai mẹ con đi du lịch cùng nhau
Nhưng rồi, tôi chia sẻ nỗi đau với mẹ, mẹ nói: “Đừng trách mình và trách người ta, cũng đừng áp lực chuyện chồng con, cứ sống cuộc đời mà con muốn”. Tôi không nghĩ, một người mẹ sinh ra trong một gia đình truyền thống, sống cả cuộc đời trong làng quê vùng Bắc Bộ có thể mở rộng thế giới quan để thấu hiểu cho những bộn bề của thế hệ trẻ.
Ngay cả lúc này đây khi tôi gần bước sang 31 tuổi, mẹ vẫn không ngừng cổ vũ tôi sống cuộc đời mà tôi thực sự mong cầu: “Chỉ cần con cảm thấy ổn và vui, con lựa chọn thế nào cũng được. Cứ thực hiện những ước mơ của mình.” Những lời nói ấy đã giúp tôi gạt hết được những chênh vênh của tuổi 30, xóa nhòa hết những lời nói của họ hàng, làng xóm, lòng tôi nhẹ tênh. Mẹ như tặng tôi đôi cánh để tôi có thể bay.
Mẹ không phải sinh ra đã biết làm mẹ, tôi cũng lần đầu làm con trong kiếp sống này, vì thế mà chúng tôi không ngừng làm tổn thương nhau trong quá khứ. Nhưng giờ đây mẹ là người bạn, là tri kỉ tôi tìm về mỗi khi vấp ngã, bế tắc, và tôi có thể mở lòng: “Mẹ ơi, con lại thất bại rồi”. Và sau đó, đôi cánh tôi lại có thể bay tiếp lên cao.
>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY