Già theo định nghĩa của Wiktionary là 'Nhiều tuổi, đã sống từ lâu, đã đi đến giai đoạn cuối của một chu kỳ sinh học'. Còn theo tratu.soha thì là: 'Ở vào tuổi có những hiện tượng sinh lý suy yếu dần, trong giai đoạn cuối của quá trình sống tự nhiên'. Tất nhiên ở đây ta không đề cập đến 'già' theo nghĩa bóng - 'tình già' hay 'cáo già' chẳng hạn!!!
Có một cụm từ chung trong hai định nghĩa này, đó là 'giai đoạn cuối'. Nhưng giai đoạn cuối nằm ở 'khúc nào' trong một đời người? Thật là khó chỉ ra cho chính xác vì cách đây một thế kỷ, chỉ cần sống tới 40 tuổi, các 'cụ' ta đã ăn mừng 'tứ tuần đại khánh', cán cái mốc 60 coi như hoàn thành nhiệm vụ đời người, may mắn sống tới tuổi 70 thì gọi là 'thất thập cổ lai hy'.
Vậy làm sao để một người được xếp vào 'thể loại' già? Dĩ nhiên là các chuyên gia người ta có cơ sở khoa học để dựa vào mà chỉ ra. Còn 'người thường' như chúng ta, cứ cảm thấy mình già là già (?).
Tuy nhiên, ở mỗi thời đại cuộc sống của người già có khác biệt. Trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0 phát triển, có lẽ mỗi người cần có một kế hoạch cho mình khi đặt chân lên ngưỡng cửa mùa thu của cuộc đời.
Trước hết, hân hoan, ung dung chấp nhận, không sợ sệt, không lảng tránh chính là thái độ sống tích cực của mỗi người khi tuổi già ập đến. 'Dậy thì thành công' là bước đệm cho 'trưởng thành thành công' và bảo đảm cho 'tuổi già thành công'. Tuổi già mà ít làm phiền xã hội, người thân, ít làm gánh nặng cho con cái nhất, là 'tuổi già thành công'.
Điều này đồng nghĩa với việc ngay khi còn trẻ, mỗi người cần có một tiềm lực kinh tế đủ mạnh để tích lũy cho tuổi già, có một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, một suất bảo hiểm y tế, đặc biệt ít nhất là phải có mấy đồng lương hưu 'còm cõi', nó sẽ cứu bạn ra khỏi 'thảm cảnh' sống bám vào con cái. Đây là thành công vinh quang rực rỡ nhất của tuổi già.
'Già sanh tật, đất sanh cỏ'. Tật của người già là nói nhiều, nói lan man, làm đâu quên đó, sinh hoạt ăn ngủ trái ngược với tuổi trẻ, quan niệm sống thì cổ lỗ sĩ. Vật dụng trong gia đình trẻ toàn xài 'thiết bị thông minh', già cả lẩm cẩm, nhấn một phát, siêu thị điện máy lại đổ chuông nhận đơn đặt hàng, con cái nó lại tốn kém.
Vì thế, dù chỉ là một túp lều tranh nép trong một góc vườn hay một căn nhà cấp bốn cũ kỹ nằm sâu trong con hẻm quanh năm 'tụ nước' hoặc một căn hộ trên cái chung cư chót vót sáu mươi tầng thì 'già' cũng nhất định phải có một mái nhà của riêng mình. Không vì lẽ gì, có bao nhiêu tài sản vét sạch chia hết cho con rồi về ở cùng để cho 'con phụng dưỡng'. Nên nhớ, tiền bạc chính là 'quyền lực' của người già.
Trong đó, sức khỏe cũng được xem là một phần tài sản cần quan tâm và gìn giữ. Để giúp đỡ con cái mà bất kể sống chết, bất chấp 'thân già'. Vậy khi ta ngã bệnh nằm xuống ai sẽ giúp chúng? hay chúng phải tốn công sức chăm sóc lại ta.
Hãy xem chuyện trông cháu, chơi với cháu là niềm vui, là sự trợ giúp, chứ không phải là nghĩa vụ của người già. Đừng giành phần nuôi cháu (nội/ngoại) vì được ở gần ba mẹ là nhu cầu của trẻ. Không có bất cứ ai (kể cả ông bà nội/ngoại) mang đến cho trẻ cuộc sống hạnh phúc và tròn trịa nhất ngoài cha mẹ chúng.
Bớt tiết kiệm đi, hãy 'mạnh dạn' ăn món gì mình 'thèm', mua cái áo mình thích, đi chơi chỗ nào mình thấy vui. Bớt cầu toàn đi, không cần nhà mỗi ngày mỗi lau, sân mỗi ngày mỗi quét, không cần quần áo phải là thẳng tắp… Bớt lo lắng 'bao đồng', tránh can thiệp 'sâu' vào đời sống cá nhân của các con bởi vì thân xác con là do ta sinh ra nhưng cuộc đời chúng là của chúng.
Cuối cùng, Viện dưỡng lão là giải pháp tốt nhất giúp người già được sống trong môi trường tiện nghi tương đối, được chăm sóc sức khỏe với đội ngũ chuyên môn cùng trang thiết bị y tế đầy đủ, có bạn bè 'trang lứa' để vui chơi, tâm sự, không làm phiền con cái.
Hãy mạnh dạn xóa bỏ quan điểm lạc hậu, lỗi thời: 'bị' con cái quẳng vào viện dưỡng lão. Cứ nghĩ xem, hồi con còn bé, bố mẹ bận đi làm nên có khi vừa thôi nôi con đã bị gửi vào nhà trẻ, lớn một chút chuyển qua mầm non rồi các lớp bán trú, nội trú…. Tùy theo cha mẹ 'có điều kiện' hay không mà con được gửi vào trường nào, chúng không có quyền chọn lựa.
Vậy thì, đến phiên bố mẹ già, con cái bận đi làm suốt ngày, không có thời gian chăm sóc, bố mẹ được gửi vào viện dưỡng lão sao lại không thể xem là chuyện bình thường?
Chỉ cần con cái thường xuyên thăm nom, thỉnh thoảng cuối tuần hay lễ tết đón bố mẹ về sum họp gia đình một buổi hoặc du lịch đâu đó vài hôm là đã tròn chữ hiếu còn hơn ở chung nhà mà suốt ngày 'xung đột thế hệ', cãi vã, nặng lời.
Tóm lại, chọn cho mình cách 'trải nghiệm' tuổi già còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và khả năng tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, làm thế nào để người già sống vui, sống khỏe, sống thoải mái, ít làm gánh nặng cho xã hội, ít làm cho con cái vất vả, áp lực 'gánh nặng' bố mẹ già là mục tiêu người già cần hướng tới.