Ung thư dạ dày là bệnh ung thư phổ biến thứ 5 trên thế giới. Châu Á là nơi có số người ung thư dạ dày cao nhất. Tỷ lệ 1 người ung thư dạ dày sống sót sau 5 năm chỉ dưới 20%.
Tại sao căn bệnh này đáng sợ nhưng khó tránh?
Thứ nhất, có quá nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư dạ dày, khiến việc kiểm soát toàn diện rất khó. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là 1 trong những yếu tố nguy cơ chính. nhưng vi khuẩn này cũng 'tiến hoá' và bắt đầu kháng thuốc điều trị.
Bên cạnh đó, thói quen không lành mạnh về ăn uống, có thể thấy ở mọi độ tuổi, như ăn thức ăn mặn (ăn >5g muối/ngày), ăn thịt xông khói, ăn nhiều thịt đỏ, ít ăn trái cây, ít ăn chất xơ, thói quen hút thuốc lá, uống rượu, hay tình trạng thừa cân béo phì, bị trào ngược dạ dày thực quản, gia đình có cha mẹ anh chị em ruột bị ung thư dạ dày di truyền,...tất cả đều cộng dồn và tăng khả năng tiến triển ung thư dạ dày.
Thứ hai, ung thư dạ dày giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng. Nếu có, dấu hiệu giống như viêm dạ dày, rối loạn tiêu hoá - tình trạng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày nên chúng ta rất dễ bỏ qua.
Thứ 3, mạch máu nuôi dạ dày rất phong phú, giàu hạch bạch huyết, dễ di căn. Khi đã di căn, việc điều trị như 'tiến thoái lưỡng nan'. Vì việc điều trị không đơn giản chỉ là cắt dạ dày thì khối u biến mất, mà còn kéo theo vấn đề về dinh dưỡng.
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu có 'hoàn toàn im lặng'?
Thật ra, có một số dấu hiệu có thể cảnh báo rằng bạn đang bước vào giai đoạn này như:
- Cảm giác khó tiêu, khó chịu ở dạ dày
- Đầy hơi sau ăn
- Buồn nôn
- Ăn mất ngon
- Ợ nóng
Những dấu hiệu này kéo dài, thường xuyên xuất hiện nhưng lại không có nguyên nhân cụ thể. Ví dụ, khi ăn thức ăn nhiều dầu mỡ, bạn thấy khó tiêu, đó là phản ứng bình thường của có thể. Nhưng, với 1 cơ thể khoẻ mạnh, cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng qua đi. Nhưng bỗng dưng bạn ăn gì cũng thấy khó tiêu, đầy hơi, ăn đồ nhiều dầu mỡ càng khó chịu hơn trước đây, thì hãy lưu ý. Nghĩa là có sự thay đổi phản ứng của cơ thể với những thứ bình thường trước đây.
Khi đã bước vào giai đoạn muộn hơn, người bị ung thư dạ dày sẽ có những biểu hiện khác như: sụt cân, đau bụng âm ỉ kéo dài, khó nuốt, nôn ra máu, chán ăn, ăn mau no,...
Vì vậy, điều quan trọng ở đây là chúng ta cần lắng nghe cơ thể của mình. Vì không ai có thể phát hiện sự thay đổi của cơ thể và sự xuất hiện của dấu hiệu này sớm hơn chính bản thân mỗi chúng ta.
Điều gì sẽ xảy ra khi đã bị ung thư dạ dày?
Đó là khi bệnh nhân bước vào 1 cuộc sống gần như thay đổi hoàn toàn. Đầu tiên, người bệnh sẽ đối mặt với vấn đề tâm lý cá nhân để chấp nhận căn bệnh của mình và lạc quan điều trị. Việc này không hề đơn giản, mà là cả quá trình đấu tranh tư tưởng và hỗ trợ của người thân. Vì đó là cảm giác bạn vừa mất tất cả, hay cảm giác bạn có thể đếm ngược những ngày còn lại của đời mình.
Do đó, tinh thần là liều thuốc điều trị đầu tiên cho những căn bệnh nan y. Tiếp theo, tùy vào giai đoạn của ung thư dạ dày, tình trạng di căn và sức khỏe của người bệnh, việc điều trị có thể là phẫu thuật cắt bỏ 1 phần dạ dày, cắt bỏ toàn bộ dạ dày, mở dạ dày ra da (bơm thức ăn trực tiếp vào dạ dày), hoặc mở ruột ra da (bơm trực tiếp thức ăn vào ruột non), hoá trị, hoặc không thể làm gì hơn mà chỉ điều trị triệu chứng.
Sau đó, người bệnh sẽ tiếp tục đối diện với tình trạng thiếu máu, thiếu dinh dưỡng,....và nguy cơ tái phát luôn rình rập. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm chưa tới 20%, nghĩa là cứ 100 người bị ung thư dạ dày, chưa tới 20 người sống được trên 5 năm.
Làm sao để phòng ngừa?
Nói chính xác, chúng ta chỉ có thể giảm nguy cơ chứ không thể loại bỏ hoàn toàn. Bắt đầu từ việc điều trị khuẩn H.pylori nếu bị nhiễm, giữ thói quen ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục để nâng cao đề kháng cho bản thân.
Trên thế giới, dù rất hiếm, nhưng vẫn có những người khỏi ung thư hoàn toàn và khoa học vẫn chưa lý giải một cách rõ ràng, có thể từ tinh thần lạc quan và hệ miễn dịch của cơ thể. Lắng nghe cơ thể của bạn, và hãy đi khám nếu có bất kỳ dấu hiệu nào khiến bạn lo lắng.