Ngày nào tắm cho con xong, chị Mai (Cầu Giấy) cũng nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi và tai cho con. Sau đó chị lấy giấy thấm khô mắt, bông ngoáy tai. Thói quen này chị làm thường xuyên từ khi con mới sinh đến nay đã 9 tuổi.
Mới đây, chị cho con đi học bơi. Mỗi lần con đi bơi về, chị vẫn luôn nhắc con vệ sinh mắt, mũi, tai bằng nước muối sinh lý như mọi khi.
“Cẩn thận là thế mà không hiểu sao gần đây cháu vẫn kêu đau tai. Hôm qua, tôi còn nhìn thấy có chút dịch vàng chảy ra từ lỗ tai. Liệu nước muối sinh lý có tác dụng diệt khuẩn hay không?”, chị Mai băn khoăn.
Ảnh minh hoạ
Chia sẻ với phóng viên về tình huống này, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào cho biết trước hết để biết được có nên nhỏ nước muối sinh lý vào tai hay không chúng ta cần hiểu rõ cấu tạo tai cũng như thành phần của nước muối sinh lý.
Trước hết về cấu tạo của tai- ống tai cong giống hình chữ S hơi nghiêng về phía trước và càng hướng xuống khi tới gần màng nhĩ, được bao phủ bởi tổ chức da từ màng nhĩ tới ống tai ngoài.
Ở 1/3 ngoài ống tai có một lớp da dày bao quanh sụn, 2/3 trong có một lớp da mỏng bao xương thái dương. Phần phía ngoài của ống tai có chứa các sợi lông nhỏ, các tuyến nhờn tạo ráy tai.
Ống tai có cơ chế tự làm sạch, các sợi lông mềm chuyển động nhẹ nhàng liên tục đẩy ráy tai khô và da bong ra cửa tai. Ống tai thường ấm và ẩm, nhiệt độ và độ ẩm tương đối ổn định.
Ống tai có chức năng cộng hưởng, âm thanh vào tới tai sẽ tăng lên khi đi qua ống tai. Sự cộng hưởng âm thanh ở tai mỗi người khác nhau đôi chút vì kích thước và hình dáng ống tai khác nhau.
Hầu hết cộng hưởng ống tai có tần số dao động từ 2000 - 3000 Hz, bao gồm sự kết hợp của cộng hưởng vành tai (2000 - 5000Hz).
Một nhánh của dây thần kinh sọ số X nằm dọc theo bờ dưới của ống tai, dễ bị chạm phải khi sử dụng tăm bông để ngoáy tai, khi lấy ráy tai, hoặc thiết bị trợ thính. Đây là lý do gây ra phản ứng ho tự nhiên - phản xạ Arnold khi thực hiện những việc trên.
Trong khi đó, nước muối sinh lý (Natri clorid), được pha chế theo tỷ lệ 0,9%, tức 1 lít nước với 9g muối tinh khiết, là dung dịch đẳng trương có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể người, có tính đồng vị và có cùng độ pH với chất lỏng cơ thể.
Đối với nước muối sinh lý, có thể hấp thu được qua cấu trúc da và vào lớp mỡ dưới da, không vào được các cấu trúc dưới da, phần sát sụn hoặc xương. Với việc hấp thu này, nếu tổn thương vào sâu dưới lớp da, nước muối không thẩm thấu được để tác động nếu quá trình viêm xâm lấn sâu vào lớp dưới da.
Do đó, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho biết, nước muối sinh lý có thể nhỏ được vào tai trẻ, tuy nhiên cần lưu ý nước muối khi nhỏ có thể đọng lên bề mặt màng nhĩ hoặc lớp lông ở ngay cửa tai gây ù tai. Lúc này chỉ nên ấn nắp bình giữ khoảng 5 phút để nước muối được phân tán vào lớp da và mỡ dưới da.
Trên thực tế, tai người có cấu tạo khá đặc biệt và có cơ chế tự làm sạch riêng. Do đó, việc nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên để vệ sinh tai là không cần thiết.
“Nếu đã xuất hiện đau tai, tức là con bạn đã có hiện tượng viêm ống tai, nước muối sinh lý ít hỗ trợ tác dụng vì trong trường hợp này đã có vi khuẩn gây bệnh. Nước muối sinh lý không có tác động diệt khuẩn và chỉ có vai trò làm sạch, làm trôi vi khuẩn trên bề mặt”, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào cho hay.
Bác sĩ cũng lưu ý các bậc phụ huynh không nên lạm dụng việc sử dụng tăm bông để ngoáy tai cho trẻ hàng ngày. Bởi vì việc lấy ráy tai mỗi ngày bằng tăm bông sẽ làm rụng lông tai, dẫn đến làm hư chức năng tống chất bẩn ra ngoài cửa ống tai, từ đó trẻ hay bị viêm ống tai ngoài và hay có ráy tai hơn.
Do đó, khi ngoáy tai cho trẻ bằng tăm bông, các bậc phụ huynh nên sát trùng tay sạch sẽ trước khi ngoáy tai cho trẻ. Khi thao tác hết sức nhẹ nhàng tránh gây trầy xước ống tai thậm chí thủng màng nhĩ nếu bố mẹ không cẩn thận tác động mạnh.
Nếu trẻ có ráy tai, khó lấy các mẹ nên nhỏ chút nước muối sinh lý trước đó từ 2-3 ngày. Làm cách này khi ráy tai mềm sẽ tự chảy ra ngoài hoặc nếu lấy sẽ dễ dàng hơn, trẻ không bị đau rát. Khi trẻ đang bị viêm tai giữa cấp không nên ngoáy tai cho bé vì sẽ gây đau đớn, ảnh hưởng lớn đến tai bé.