Từ năm 1992, ngày 10/10 hàng năm được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần thế giới lựa chọn là Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day), nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức và ủng hộ sự nghiệp chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn dân.
Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới năm 2024, với chủ đề 'Đã đến lúc ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc', nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn nhấn mạnh mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe tâm thần và công việc.
Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc được đảm bảo sẽ giúp người lao động tích cực cống hiến cho tập thể. (ảnh minh hoạ/Internet)
Công việc giúp con người có thu nhập, phát triển nhân cách, được thoả mãn nhu cầu tự thể hiện, được kết nối với xung quanh, tạo nên những giá trị cuộc sống. Môi trường làm việc có tác động rất lớn đến sức khỏe tâm thần của con người, môi trường an toàn, lành mạnh đóng vai trò là yếu tố bảo vệ sức khỏe tâm thần. Ngược lại, môi trường làm việc không lành mạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, chất lượng cuộc sống nói chung và năng suất làm việc.
Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể kể đến như: Điều kiện làm việc kém; Công việc bị quá tải; Áp lực thời gian, doanh số; Nơi làm việc nhiều nguy cơ rủi ro; Thiếu bảo đảm việc làm và tương lai, có quá nhiều hứa hẹn nhưng không được thực hiện; Quan hệ không tốt với lãnh đạo, cấp dưới, hoặc đồng nghiệp, gặp khó khăn trong việc giao công việc và trách nhiệm; Môi trường làm việc chưa ổn…
Tại Bệnh viện Bảo vệ Sức khỏe tâm thần tỉnh, trong 9 tháng năm 2024, bệnh viện tiếp nhận trên 26.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh, điều trị nội trú cho gần 4.300 bệnh nhân. Điều này cho thấy số lượng bệnh nhân mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng, người dân ngày càng quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong đó có hơn 60% là người trưởng thành trong độ tuổi lao động đến khám và điều trị các bệnh về: Trầm cảm, căng thẳng, lo âu, mất ngủ, mất tập trung, suy giảm trí nhớ, rối loạn cảm xúc…Trong độ tuổi này, họ thường phải đối diện với những khó khăn, áp lực trong công việc, cuộc sống, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Phụ nữ là đối tượng dễ bị tác động ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, trong những năm gần đây, nhiều người đã quan tâm hơn đến việc khám, tư vấn và điều trị các rối loạn tâm thần như các rối loạn liên quan đến stress, trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ… Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện đều trong tình trạng đã nặng, giai đoạn mạn tính. Bệnh nhân gặp nhiều rối loạn tâm thần kết hợp, cũng như mắc các bệnh lý cơ thể khác như tim mạch, rối loạn chuyển hóa,… dẫn đến khó khăn trong điều trị, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
Phát hiện sớm, điều trị tích cực, kịp thời là chìa khóa quan trọng trong việc giúp bệnh nhân mắc các bệnh lý về tâm thần được chữa khỏi, hoặc cải thiện, kiểm soát tình trạng bệnh, hòa nhập cộng đồng và có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Hiện, người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần vẫn đang mắc phải rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận với chăm sóc hỗ trợ phù hợp, như việc thiếu nhận thức về bệnh, sự mặc cảm của bản thân, sự kỳ thị của những người xung quanh…
Sức khỏe tâm thần không tốt không chỉ gây hại tới sức khỏe người lao động mà còn dẫn đến giảm năng suất của doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, gây thiệt hại kinh tế cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Để chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lao động, các nhà quản lý, người sử dụng lao động cần xây dựng văn hóa của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời xây dựng và triển khai chiến lược, chính sách hoặc kế hoạch về chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân viên để ngăn ngừa căng thẳng mãn tính và kiệt sức, cũng như can thiệp kịp thời tình trạng này.
Những năm qua, cụm từ sức khỏe tâm thần đã trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm rộng rãi từ cộng đồng. Theo WHO, sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và môi trường bên ngoài. Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tâm thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, mỗi người dân cần có một lối sống lành mạnh, hoạt động có ích để có tâm lý tốt, lạc quan, suy nghĩ tích cực, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục; tránh xa các chất kích thích như bia, rượu, ma túy. Đồng thời, hiểu đúng về dấu hiệu, triệu chứng các rối loạn tâm thần, giúp cho bản thân cũng như người thân phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo số liệu được công bố, ở nước ta tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Trong đó, tỷ lệ tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn với 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)...