TS.BS Lê Thị Hường, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, cho biết, tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, nếu không sớm được khắc phục, không chỉ gây ra rất nhiều phiền toái, cản trở công việc và cuộc sống, khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, tự ti, mặc cảm, cơ thể mệt mỏi và suy nhược, mà còn ảnh hưởng chức năng sinh lý và tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiết niệu, huyết áp, tim mạch.
Tưởng tiểu nhiều là tốt, nào ngờ ...
Chị H.T.H. (33 tuổi, Thanh Hóa) không bị đau lưng, không tiểu buốt, nhưng đi tiểu nhiều lần. Lúc đầu, chị nghĩ do uống nhiều nước, thận làm việc hiệu quả, quá trình lọc nhanh sẽ tốt cho sức khỏe. Nhưng dần dần đi tiểu liên tục, trung bình đến 20-30 lần/ngày. Việc này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới công việc, mà còn gây mất ngủ, sức khỏe suy giảm, khiến chị mất tự tin và không dám đi đâu xa.
Theo ThS.BS Nguyễn Xuân Tuấn, giảng viên Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiểu tiện là một trong những hoạt động sinh lý của cơ thể để loại thải những chất cặn bã ra ngoài. Nhiều người nghĩ rằng, đi tiểu nhiều là thận làm việc hiệu quả, quá trình lọc nhanh. Tuy nhiên, quan điểm này có thật sự đúng hay không?
Bàng quang của người trưởng thành có thể chứa 500-700 ml. Khi lượng nước tiểu đạt 150-250 ml, bàng quang phát tín hiệu cần đi tiểu. Thông thường, người khỏe mạnh đi tiểu 6-8 lần trong 24 giờ và không quá một lần vào ban đêm.
Càng uống nhiều nước, lượng nước tiểu chuyển hóa càng nhiều, bàng quang đầy nhanh khiến số lần đi tiểu tăng lên. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, có thể kiểm soát bằng cách giảm lượng nước đưa vào cơ thể.
Sai lầm quan niệm uống nhiều nước, tiểu tiện nhiều - Ảnh minh họa
Nhưng đi tiểu nhiều hơn 8 lần trong 24 giờ hoặc thể tích mỗi lần đi giảm và khoảng cách giữa các lần đi tiểu giảm (dưới hai giờ) là tiểu nhiều lần. Đây là một trong những triệu chứng đường tiết niệu dưới thường gặp gồm tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, tiểu khó, tiểu ngập ngừng, tiểu không kiểm soát...
Những triệu chứng này thường gặp ở một số bệnh liên quan đường tiết niệu như nhiễm khuẩn, sỏi, bướu, có dị vật, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, suy thận mạn, hẹp niệu đạo... Tình trạng đi tiểu nhiều lần còn xuất hiện ở người lớn tuổi, thai phụ, phụ nữ sa tạng chậu, người bệnh tiểu đường, người thừa cân béo phì, người từng đột quỵ, người bị chấn thương tủy sống, tiền sử xạ trị vùng chậu.
TS.BS Lê Thị Hường phân tích, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tần suất đi vệ sinh của một người như loại đồ uống sử dụng. Cà phê và rượu là chất kích thích bàng quang, khiến bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn. Độ nhạy cảm của bàng quang cũng có vai trò nhất định. Một vài người chỉ cần uống ít nước cũng có nhu cầu, có người lại không.
Tình trạng đi tiểu nhiều lần trong ngày, nếu không sớm được khắc phục, có thể gây ra rất nhiều phiền toái, làm cản trở trong công việc và cuộc sống, khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, tự ti, mặc cảm, cơ thể mệt mỏi và suy nhược, ảnh hưởng chức năng sinh lý và tăng nguy cơ mắc bệnh về tiết niệu, huyết áp, tim mạch...
Nhiều nguyên nhân gây bệnh, không chỉ do uống nước
Theo TS.BS Lê Thị Hường, hiện tượng đi tiểu nhiều cả ngày và đêm được xác định là 2 nhóm nguyên nhân chính: Do bệnh lý và không do bệnh lý.
Do bệnh lý:
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập bàng quang qua niệu đạo.
Suy thận mạn tính: Giai đoạn đầu của suy thận mạn có hiện tượng giảm chức năng cô đặc nước tiểu gây nên triệu chứng tiểu đêm, đi tiểu nhiều lần trong ngày, nước tiểu nhiều bọt, phù, tiểu ít, da xanh xao, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
Sỏi thận và các dị vật đường tiết niệu: Sự xuất hiện của sỏi hoặc một số dị vật cọ xát gây kích thích cổ bàng quang nên có hiện tượng tiểu nhiều lần. Biểu hiện lâm sàng của sỏi thận rất đa dạng, trong đó có triệu chứng tiểu đêm kèm tiểu khó, nước tiểu ít, tiểu buốt, đau lưng và có thể có máu trong nước tiểu... Bệnh nhân bị sỏi thận, nếu không chữa trị sớm và kịp thời, sẽ có nguy cơ suy thận.
Đái tháo đường: Dấu hiệu sớm của đái tháo đường type 1 và type 2 là đi tiểu nhiều. Tiểu nhiều cũng xảy ra khi bệnh đái tháo đường đã biến chứng trên thần kinh kiểm soát bàng quang.
Đột quỵ và bệnh thần kinh: Tổn thương thần kinh chi phối bàng quang có thể dẫn đến rối loạn chức năng bàng quang gây tiểu nhiều và tiểu đột ngột.
Ung thư bàng quang: Khối u phát triển sẽ gây chèn ép hoặc gây chảy máu bàng quang dẫn đến đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Huyết áp cao, phì đại tuyến tiền liệt, viêm bàng quang kẽ... cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đi tiểu nhiều.
Tiểu nhiều do bệnh lý thận, bàng quang...
Không do bệnh lý:
Bàng quang tăng hoạt (OAB): Được biết đến là 'thủ phạm' chính gây tiểu nhiều lần ở mọi lứa tuổi và đi tiểu nhiều lần trong ngày. Nguyên nhân là các cơ bàng quang hoạt động quá mức, gây nên tình trạng đi tiểu thường xuyên, nhiều lần trong ngày, mà không có cảm giác đau rát. Bệnh thường gặp ở phụ nữ sinh con nhiều lần bị yếu cơ sàn chậu, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh do thay đổi nội tiết tố.
Độ tuổi: Chức năng thận sẽ bị suy giảm theo độ tuổi.
Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt: Uống nhiều nước, ăn canh vào buổi tối, sử dụng đồ uống có chất kích thích như rượu bia, cà phê,... gây nên chứng đi tiểu nhiều vào ban đêm.
Dùng thuốc lợi tiểu: Các thuốc lợi tiểu dùng để chữa bệnh cao huyết áp, bệnh phù thũng do suy tim, suy thận và xơ gan là nguyên nhân gây ra đi tiểu nhiều lần trong ngày.
Yếu tố tâm lý: Tình trạng căng thẳng, stress, mất ngủ cũng là một trong những nguyên nhân gây tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm.
Trả lời câu hỏi 'Người hay đi tiểu ngay sau khi uống nước và người lâu mới đi vệ sinh, ai khỏe mạnh hơn?', ThS.BS Tuấn phân tích, tốc độ chuyển hóa nước trong cơ thể thành nước tiểu ở mỗi người là khác nhau, có người chỉ cần 6 đến 8 phút nhưng có người có thể cần khoảng 120 phút.
Trong hầu hết trường hợp, thời gian trao đổi chất trung bình là 30 đến 45 phút . Vì vậy, dù đi vệ sinh ngay sau khi uống nước hay không đi vệ sinh trong thời gian dài, đó là điều bình thường. Hơn nữa, khoảng cách giữa những lần đi tiểu cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn kích thước của bàng quang, tần suất uống nước, thói quen nhịn tiểu, lượng mồ hôi và sự hồi hộp. Tất cả sẽ ảnh hưởng tần suất đi tiểu.
Vì vậy, nếu chỉ dựa vào thời gian đi tiểu để đánh giá cơ thể hay thận có bình thường hay không là không chính xác, cần phải căn cứ tình huống cụ thể để phân tích.
'Việc nhịn tiểu lâu sẽ dẫn đến đi tiểu chậm và tích tụ chất độc trong cơ thể, ngoài việc tăng áp lực lên bàng quang và hệ tiết niệu, còn dễ ảnh hưởng sức khỏe thể chất. Ngoài ra, một số bệnh cũng có thể ảnh hưởng việc thải nước tiểu, chẳng hạn chức năng tim, thận bất thường hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu...', ThS.BS Tuấn nhấn mạnh.
Có thể thay đổi thói quen sinh hoạt để giảm đi tiểu nhiều lần. Không nên uống quá nhanh và quá nhiều nước, hạn chế uống nhiều nước vào buổi tối; cắt giảm trà, cà phê, rượu bia, nước ngọt có gas. Hạn chế thực phẩm có vị chua, cay, nóng vì kích thích bàng quang co bóp, dẫn đến đi tiểu nhiều hơn.
'Sau khi thay đổi thói quen sinh hoạt mà tình trạng không cải thiện, người bệnh cần đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp', ThS.BS Tuấn khuyên