Ca ghép thận đặc biệt
Tôi gặp ông Huỳnh Văn Trọng vào một ngày đầu tháng 12-2023, nếu không được giới thiệu từ trước thì chúng tôi không thể biết cụ già ngồi trước mặt minh nay đã 91 tuổi và 32 năm qua chỉ sống với 1 quả thận.
'Ba chị mới cà phê về đó, sáng nào ổng cũng 5 giờ dậy và vệ sinh cá nhân xong là cuốc bộ ra quán uống cà phê ngoài lộ tán chuyện với bạn. Mấy năm trước ba chị còn phóng xe máy vù vù chạy khắp thị trấn', chị Huỳnh Thị Thượng - con gái ông Trọng kể.
32 năm trước, ông Trọng là một trong 2 người hiến thận cho con. Năm 2024, ông Trọng đã 91 tuổi.
Do lầu trệt làm nơi kinh doanh buôn bán, nên để thuận tiện cho buổi trò chuyện ông Trọng mời chúng tôi lên lầu. Khi chúng tôi còn nhìn quanh ái ngại thì ông Trọng nhanh chóng đứng dậy dẫn đường. Nhìn cách ông Trọng tự bước lên lầu là minh chứng cụ thể nhất về tình hình sức khỏe của ông hiện nay sau khi cho con gái một quả thận 32 năm về trước.
'Có gì đâu, tui cho con thận xong thì vẫn sống và làm việc bình thường như trước. Thậm chí còn ít ốm vặt hơn xưa. Lâu lâu chỉ đi tái khám. Bác sĩ ai cũng đùa 'ông cho thận khoẻ ra', ông Trọng cười sảng khoái.
Chị Huỳnh Thị Thượng, bệnh nhân nữ đầu tiên được ghép thận từ cha mình tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau 32 năm.
'Nhà có 2 đứa con gái, không thương nó thì thương ai. Nó bệnh, hai đứa con còn nhỏ, đứa lớn mới 9 tuổi, đứa nhỏ mới 2 tuổi. Vậy là tôi với bà xã đăng ký hiến thận, nhưng có lẽ 'con gái giống ba', nên các chỉ số của tôi thì hợp, còn mẹ nó thì không. Ngày đó, trong hơn 100 trường hợp trong cả nước tham gia chọn lọc để thực hiện 2 ca ghép thận đầu tiên tại khu vực phía nam nói chung, Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng, thì may mắn có con tôi', ông Trọng kể.
Ngày để phẫu thuật, cả khu mổ chật kín bác sĩ, từ chuyên gia nước ngoài cho đến bác sĩ Việt Nam, trong đó có cố GS Tôn Thất Bách và BS Trần Ngọc Sinh - khi đó chưa tới 40 tuổi.
'Tôi còn được như hôm nay, không chỉ nhờ ba tôi, chồng tôi mà còn nhờ đội ngũ y bác sĩ việt Nam nói chung, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng. 32 năm, qua 4 đời giám đốc, bao nhiêu nhân viên, người còn người mất, nhiều người đã nghỉ hưu còn tôi và ba tôi đến giờ vẫn mạnh khoẻ, bình an', chị Thượng xúc động.
GS -TS - BS Trần Ngọc Sinh kể về ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy
Cứu sống và cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn bệnh nhân
Nhớ lại ca ghép thận lịch sử cuả y học Việt Nam, GS-TS- BS Trần Ngọc Sinh, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch thường trực Hôi Ghép tạng Việt Nam, Trưởng Ban ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là một trong hai ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện Chợ Rẫy, hay khu vực phía Nam nói riêng và là 1 trong 5 trường hợp ghép thận đầu tiên tại Việt Nam.
Sự thành công của các ca ghép này đã mở ra giai đoạn phát triển vượt bậc đáng tự hào cho ngành ghép thận trong y học nước nhà. Tạo thêm cơ hội cứu chữa cho các bệnh nhân bị suy thận mãn có thể phục hồi lại, có cuộc sống chất lượng, khoẻ mạnh những năm sau này. Điều hạnh phúc là cả người cho và người nhận sau khi cho và ghép đều sống khoẻ mạnh, lao động, sinh hoạt như bình thường. Dù sau đó bệnh nhân phải ghép thận lần 2.
Ghép thận đã và sẽ hồi sinh, mở ra nhiều cơ hội cho người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Để chuẩn bị cho ca phẫu thuật, hai e kip phẫu thuật được thành lập, một ở Hà Nội và một ở trong nam (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM). Hai phòng mổ thực nghiệm được xây dựng lên để các bác sĩ tập luyện (phòng thực tập đó đến nay ở bệnh viện Chợ Rẫy vẫn còn), và khi đó, chúng tôi phải luyện tập phẫu thuật cắt và ghép thận trên động vật (chó).
Được sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài như GS Chue Shue Lee, cũng như các chuyên gia đầu ngành trong nước như cố Giáo sư Tôn Thất Bách và các Giáo sư - Thiếu Tướng Lê Thế Trung, GS Trịnh Kim Ảnh… đã hoạch định chương trình ghép thận quốc gia.
GS-TS Trần Ngọc Sinh cho biết, trường hợp ghép thận lịch sử này, cả người cho và người nhận đã được tính toán thật kỹ, đánh giá toàn diện nhờ đó cả người cho lẫn người nhận đều an toàn, sống khỏe mạnh, ổn định, chất lượng sau ghép. Nó cho thấy ý nghĩa nhân văn y học, y tế. Chúng ta có những trường hợp sống khoẻ sau ghép đến nay cũng 25, 26 năm. Có ca 29 năm vẫn tốt dù không phải ghép lần 2. Sau khi ghép thận, có những trường hợp đàn ông suy thận bị yếu sinh lý, sau khi ghép xong thì chức năng sinh ý trở lại đập gia đình và có con. Có những người phụ nữ, bị suy thận mãn, được ghép thận. Sau đó phải uống thuốc ức chế miễn dịch, sau 2 năm ghép và theo dõi xong, chúng tôi có thể căn liều sau đó cho phép có con và sinh con bụ bẫm bình thường. Các ca này đã được báo cáo.
Những ca ghép thận năm 1992 không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, y học mà còn có ý nghĩa nhân văn, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển y học Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội sống, sống khỏe cho hàng ngàn người bệnh suy thận mãn.
Hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng đã ghép thận cho hơn 1.100 trường hợp với tỷ lệ thành công cao. Đặc biệt, với mục tiêu mang ý nghĩa nhân văn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị, mở rộng nguồn thận hiến, thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã xây dựng và thành lập được đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người.
Sự thành công của các ca ghép này đã mở ra giai đoạn phát triển vượt bậc đáng tự hào cho ngành ghép thận trong y học nước nhà. Tạo thêm cơ hội cứu chữa cho các bệnh nhân bị suy thận mãn có thể phục hồi, có cuộc sống chất lượng, khoẻ mạnh.