Đi vào đường cấm trong trường hợp khẩn cấp mà không có chứng cứ, làm thế nào để không bị phạt. Việc xử phạt hành vi khi đi vào đường cấm như thế nào? Mức phạt cụ thể cho hành vi này là bao nhiêu?
Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV Infonet về vấn đề nêu trên, luật sư Đỗ Thành Hưng – VPLS Trung Hòa (Hà Nội) cho biết: 'Đường cấm được hiểu là phần đường mà ở đó các phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được phép đi.
Việc đi vào đường cấm là một hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo quy định tại khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm.
Theo đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm đó là hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Và một trong những quy tắc chung giao thông đường bộ là: 'Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ' (khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008).
Như vậy, người tham gia giao thông phải đi đúng phần đường của mình. Khi người tham gia giao thông đi vào đường cấm – phần đường không dành cho mình thì đã vi phạm quy tắc chung giao thông đường bộ. Do vậy, hành vi đi vào đường cấm đã vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ'.
Luật sư Đỗ Thành Hưng trao đổi với PV Infonet về việc lái xe đi vào đường cấm phải làm thế nào?
Ngoài ra, luật sư Thành Hưng phân tích: 'Pháp luật về giao thông đường bộ hiện hành quy định các trường hợp xe ưu tiên, xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ, xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Các xe này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông (Điều 22 Luật giao thông đường bộ năm 2008).
Do đó, chỉ có các xe ưu tiên có tín hiệu cụ thể theo quy định của pháp luật khi đi làm nhiệm vụ mới được phép đi vào đường cấm.
Cụ thể theo Luật Giao thông đường bộ, đường cấm là tuyến đường không cho phép một, một số hoặc toàn bộ các loại phương tiện tham gia lưu thông. Người điều khiển phương tiện đi vào đường cấm sẽ bị phạt vi phạm hành chính, tùy vào từng trường hợp sẽ có mức xử phạt khác nhau.
Xe ô tô đi vào đường cấm, khu vực có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển sẽ bị phạt hành chính từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng.
Tuy nhiên, các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định sẽ không bị xử phạt nếu đi vào đường cấm. Ngoài ra, còn bị tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng (theo điểm b khoản 4 và điểm b khoản 11 Điều 5).
Xe máy bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng với lỗi đi vào đường cấm, khu vực có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển.
Trường hợp ngoại trừ là các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Ngoài ra, còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng (Theo điểm i khoản 3 và điểm b khoản 10 Điều 6).
Xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện chịu mức phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng nếu mắc lỗi đi vào đường cấm, khu vực có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển 'Cấm đi ngược chiều' (Theo điểm c khoản 3 Điều 8).
Theo điểm b khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe máy kéo, xe máy chuyên dụng chịu mức phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng với lỗi đi vào đường cấm, khu vực có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển. Trường hợp ngoại trừ là xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
Cũng theo điểm a khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, nếu vi phạm lỗi đi vào đường cấm, người điều khiển còn bị tước Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 - 3 tháng'.
Căn cứ những điều luật nêu trên, luật sư Thành Hưng nêu quan điểm: 'Trường hợp các lái xe không phải xe ưu tiên theo quy định của pháp luật mà chở người thân đi cấp cứu, chạy vào đường cấm mà đảm bảo an toàn cho mình cho mọi người, để cứu người...thì người lái xe cần hoàn tất các thủ tục sau: Khi đưa người đến bệnh viên xong, người lái xe cần xin giấy xác nhận của bệnh viện là mình mới chở người đến cấp cứu, sau đó đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, nơi mình đi vào đường cấm trình báo về vụ việc. Khi báo cáo về vụ việc, các cơ quan chức năng ở đó, họ ra ghi nhận lại vụ việc và xác nhận cho lái xe thì người đó chắc chắn không bị xử phạt.
Còn các trường hợp khác cũng tương tự như vậy, tức là phải có sự chứng thực của nơi mình đến và nơi lái xe vi phạm. Trường hợp không có chứng cứ thì các cơ quan chức năng khó bỏ qua cho hành vi vi phạm của lái xe'.