Ila Popat đã sống ở Ấn Độ hơn 50 năm. Bà đã kết hôn, sinh con, có bằng lái xe và thậm chí là thẻ cử tri của Ấn Độ. Thế nhưng bà Popat không thể đi du lịch nước ngoài với tư cách một người Ấn Độ vì bà không có hộ chiếu và bị coi là người không có quốc tịch.
Bà Ila Popat và chồng (Ảnh: Nguồn quốc tế)
Bà Popat đã đến Tòa án Tối cao Bombay để yêu cầu các quan chức Ấn Độ cấp hộ chiếu. Người phụ nữ đã nỗ lực vì quyền công dân của mình hơn chục năm qua nhưng lần nào cũng bị cả ba quốc gia - Ấn Độ, Anh, Uganda - từ chối.
Cha của bà Popat sinh ra và lớn lên ở Porbandar, một thành phố cảng ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ. Năm 1952, ông đến Uganda làm việc và vài năm sau đó được cấp hộ chiếu Anh.
Bà Popat sinh ra tại thị trấn Kamuli của quốc gia Đông Phi vào năm 1955, 7 năm trước khi đất nước độc lập khỏi sự cai trị của Anh. Năm 1966, bà di cư đến Ấn Độ cùng mẹ và em trai trong bối cảnh Uganda trải qua thời kỳ bất ổn chính trị dữ dội dẫn đến việc Hiến pháp của quốc gia này bị đình chỉ.
'Tôi đến Ấn Độ khi còn ở tuổi vị thành niên, tên của tôi được đăng ký trên hộ chiếu của mẹ. Mẹ tôi có hộ chiếu British Protected Person (Công dân được Anh bảo vệ). Đây là một loại quốc tịch do chính phủ Vương quốc Anh đưa ra', bà Popat nói.
Aditya Chitale – luật sư của bà Popat giải thích: 'Có thể các quy định vào thời điểm đó cho phép một đứa trẻ được nhập cảnh vào Ấn Độ bằng hộ chiếu của cha mẹ mà không cần hộ chiếu riêng'.
Hàng ngàn người châu Á gốc Uganda đến Anh sau khi bị Tổng thống Idi Ain trục xuất người châu á năm 1972 (Ảnh: Nguồn quốc tế)
Tại Ấn Độ, gia đình bà Popat ban đầu sống ở Porbandar, sau đó chuyển đến Mumbai vào năm 1972. Người phụ nữ lập gia đình vào năm 1977.
Năm 1997, bà Popat nộp đơn xin nhập quốc tịch Ấn Độ, sau khi đáp ứng đủ các điều kiện theo Đạo luật Quốc tịch năm 1955 của nước này, bao gồm việc kết hôn với công dân Ấn Độ và cư trú tại đây ít nhất 7 năm. Nhưng đơn đăng ký của bà đã bị từ chối.
Không từ bỏ, bà Popat nộp đơn lên Cao ủy Anh ở Mumbai vì cả cha và mẹ bà đều có hộ chiếu Anh và bà có người thân đang sống tại Anh. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết bà không đủ điều kiện để xin hộ chiếu Anh vì cả cha và ông nội bà đều không được 'sinh ra, đăng ký hoặc nhập tịch' ở Anh hoặc thuộc địa của Anh sau năm 1962. Theo Cao ủy Anh, bà Popat có thể là một công dân Uganda, nhưng nếu chính quyền Uganda từ chối cấp hộ chiếu, bà sẽ bị coi là một người không có quốc tịch.
Trong những thập kỷ tiếp theo, người phụ nữ xin cấp hộ chiếu Ấn Độ hai lần nhưng đều bị chính quyền từ chối. 'Tôi muốn biết liệu ít nhất tôi có thể xin được hộ chiếu du lịch để đến thăm ông nội ở Anh hay không, nhưng tôi không thể có được hộ chiếu', bà nói.
Đơn xin cấp hộ chiếu Ấn Độ của bà Popat đã bị từ chối ba lần (Ảnh: Nguồn quốc tế)
Vào năm 2015, bà Popat lần thứ 3 nộp đơn xin cấp hộ chiếu. Lần này chính quyền Ấn Độ khuyên bà trước tiên nên nộp đơn xin nhập tịch trước.
Bà Popat nói rằng bà đã không được hướng dẫn đúng cách. 'Chúng tôi không am hiểu về thủ tục và không ai chỉ cho chúng tôi phải làm gì. Chúng tôi chỉ biết đến các cơ quan nhà nước khác nhau để tìm cách giải quyết. Nhưng ở đâu mọi người cũng gọi tôi là người vô quốc tịch và coi trường hợp của tôi là vô vọng', bà Popat cho biết.
Vào năm 2018, con gái bà Popat đã viết thư cho Cao ủy Uganda ở Delhi để xin công nhận quốc tịch và cấp hộ chiếu cho mẹ mình. Cơ quan này xác nhận rằng bà Popat sinh ra ở Uganda nhưng nói rằng bà 'chưa bao giờ là người Uganda'. Người phụ nữ một lần nữa được khuyên nên nhập tịch Ấn Độ với tư cách một người không có quốc tịch.
Vào năm 2019, bà Popat cuối cùng đã nộp đơn xin nhập quốc tịch Ấn Độ, nhưng đơn của bà đã bị từ chối. Theo giới chức, bà đã sống ở đất nước này mà không có thị thực hoặc hộ chiếu hợp pháp, nên không đáp ứng các điều kiện theo Đạo luật Quốc tịch năm 1955.
Điều này khiến bà Popat chán nản khi làm đơn kiến nghị vào năm 2022 lên Tòa án Tối cao Bombay. 'Chồng tôi là người Ấn Độ, các con và cháu của tôi là người Ấn Độ. Tôi có mọi giấy tờ hợp pháp của nhà nước bao gồm Aadhaar (số ID định danh được cấp cho công dân Ấn Độ), nhưng dường như mọi thứ vẫn không đủ', bà nói.
Tất cả những gì bà PoPat hy vọng bây giờ là được công nhận là công dân của Ấn Độ - nơi bà đã gần bó phần lớn cuộc đời. Tòa án tối cao Bombay sẽ thụ lý vụ án của bà Popat vào tháng 8. Người phụ nữ đã bỏ lỡ đám cưới của hai cháu trai ở Anh. 'Tôi sẽ bỏ lỡ đám cưới của một cháu trai khác ở Dubai vài tuần trước ngày ra tòa', bà nói.