Món kỹ nghệ vô giá
Ngay từ lâu, Cảnh Thái Lam (hay còn biết đến là Pháp lam Huế) được xem là loại hình mỹ thuật, làm bằng đồng hoặc hợp kim đồng, trên bề mặt được tráng men trang trí để tăng giá trị thẩm mỹ.
Cảnh Thái Lam (Pháp Lam Huế) thể hiện trên di tích tại cố đô Huế. Ảnh minh họa
Loại hình này tiếp thu kỹ nghệ Họa pháp lang của Quảng Đông, Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (năm 1827). Bấy giờ, có một nhóm thợ vẽ ở Nội Tạo, cơ quan chuyên việc vẽ vời, trang trí trong cung Nguyễn, học được nghề làm pháp lam từ Trung Hoa.
Kỹ nghệ này thường được thể hiện trên các cổ vật của vua chúa. Ảnh minh họa
Thời nay, những dấu ấn của Cảnh Thái Lam vẫn còn lưu giữ lại trên ngoại thất các cung điện triều Nguyễn, thường được thấy trên các bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm tại các cung điện điển hình như ở điện Sùng Ân (lăng Minh Mạng); điện Biểu Đức (lăng Thiệu Trị); điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức); điện Thái Hòa (Đại Nội) và các nghi môn ở các lăng trên cũng như khu vực Đại Nội,...
Song, dù hưng thịnh từ thời Nguyễn suốt 60 năm, thời gian đã khiến nét kỹ nghệ này bị mai một, hiếm thấy nghệ nhân nào theo đuổi và phát triển.
Đến năm 2018, sinh viên năm cuối khoa thiết kế đồ họa – Nguyễn Hoàng Anh (ngụ Hà Nội) trong một lần đọc sách, đã bén duyên với môn nghệ thuật này, quyết định theo đuổi và ứng dụng vào các sản phẩm đời sống.
Nghệ nhân ứng dụng Cảnh Thái Lam vào tranh ảnh và vật dụng đời sống - Nguyễn Hoàng Anh.
Theo góc nhìn của Hoàng Anh, Cảnh Thái Lam trước đây là quốc bảo tuyệt nghệ, dùng trong cung điện của vua chúa, nhưng trong thời hiện đại, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận với món kỹ nghệ này.
Thời gian đầu, Hoàng Anh phải đối mặt với không ít khó khăn bởi nghệ thuật này đã thất truyền, không còn tư liệu hay nghệ nhân trong nước nào. Ngọn lửa đam mê quá lớn, Hoàng Anh quyết tâm tự dịch các tư liệu ngoại quốc, tìm hiểu gốc gác và chọn lọc, thậm chí là phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài.
Hoàng Anh đã tối giản các bước làm Cảnh Thái Lam để nhiều người dễ tiếp cận hơn.
'Lúc đó tôi cũng không nhận được nhiều sự ủng hộ, dù không ít người trầm trồ, họ vẫn chưa thể hiểu được hoàn toàn giá trị và sự kỳ công khi thực hiện. Tôi vẫn luôn phải cố gắng truyền tải để nhiều người biết được giá trị to lớn của kỹ nghệ này', Hoàng Anh nói.
Nữ nghệ nhân đã phải tìm hiểu các tư liệu còn sót lại về Cảnh Thái Lam ở nước ngoài, nhằm hiểu sâu hơn về nghệ thuật này, rồi chuyển thể lại theo phong cách riêng.
Để nghệ thuật văn hóa nước nhà đến gần với công chúng, Hoàng Anh đã tối giản các công đoạn thực hiện của Cảnh Thái Lam thành nghệ thuật mô phỏng, mở thêm nhiều buổi workshop để hướng dẫn.
'Trước đây Cảnh Thái Lam gốc có đến 108 công đoạn, dùng phương pháp cũ là cốt bằng đồng, tráng men nhiều mau thành ra quá khó để mọi người tiếp cận. Vì thế tôi đã chuyển thể còn 3 công đoạn chính (uốn dây, đổ màu, đổ keo cố định) và 15 bước phụ, dùng nhựa resin tráng thay thế. Thay vì tính bằng tháng, năm, giờ đây nghệ nhân làm Cảnh Thái Lam chỉ cần mất 5 ngày để hoàn thiện', nữ nghệ nhân bộc bạch.
Đưa Cảnh Thái Lam vào 4 dòng tranh dân gian Việt
Mất 1 năm nghiên cứu và 4 năm thử nghiệm, những sản phẩm ứng dụng Cảnh Thái Lam đã trở nên phổ biến và có nhiều người tìm đến Hoàng Anh để học cách làm.
Hoàng Anh hướng dẫn người trẻ về Cảnh Thái Lam trong một buổi workshop.
Không dừng lại ở đó, các sản phẩm Cảnh Thái Lam cũng đã xuất hiện rộng rãi trên thị trường, mỗi tháng Hoàng Anh nhận từ 10-15 đơn hàng đa dạng các kích thước, giá gần 2 triệu đến 30 triệu đồng.
Đầu tư thời gian và công sức lâu, các sản phẩm về Cảnh Thái Lam thường có giá trị cao.
Sau khoảng thời gian kiên trì, giờ đây cơ sở nghệ thuật Cảnh Thái Lam của Hoàng Anh đã có mặt cả ở Hà Nội và TP. HCM, các đơn hàng trải dài từ Bắc tới Nam.
'Những sản phẩm của tôi thường hướng đến lứa tuổi trung niên – những người am hiểu sâu sắc về nghệ thuật nước nhà. Từ đó, tôi sẽ có cơ sở và những đúc kết kinh nghiệm để lan tỏa hơn với thế hệ trẻ, để kỹ nghệ này có cơ hội lưu truyền đến các thế hệ tiếp theo', Hoàng Anh tâm sự.
Nghệ thuật này đã được ứng dụng vào các vật dụng đời sống như ốp điện thoại.
Hiện tại, ngoài ứng dụng vào làm ốp điện thoại, lịch Tết, nghệ nhân Hoàng Anh còn đang phát triển vào 4 dòng tranh dân gian của Việt Nam, gồm: tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sinh và Kim Hoàng.
Sắp tới, nữ nghệ nhân 9X sẽ tiếp tục ứng dụng kỹ thuật truyền thống này vào nhiều sản phẩm đời sống hơn, tập trung phát triển 4 dòng tranh Việt để mở một triển lãm trong nước.
Cô gái 9X mong ước đem nghệ thuật này quay về thời hưng thịnh, phát triển thành làng nghề.
'Mong muốn lớn nhất của tôi chính là nghệ thuật này được truyền bá rộng rãi, phát triển thành làng nghề, tạo việc làm cho những ai yêu thích nghệ thuật cổ và lớn hơn là kích thích du lịch nước nhà. Ngoài ra, tôi cũng sẽ chuyển thể thành một cái tên mới là Họa Kim Sa (họa – vẽ; kim – dây kim loại; sa – cát màu), mang đầy đủ ý nghĩa của nghệ thuật vừa được đổi mới này', Hoàng Anh chia sẻ.