4 cấp độ của sinh non
BS Tạ Việt Cường, PGĐ Trung tâm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, một thai kỳ được xem là khỏe mạnh khi sản phụ chuyển dạ sinh ở tuần thai 39-40. Những trường hợp trẻ sinh sau 22 tuần và trước 37 tuần được gọi là sinh non.
Nguy cơ sức khoẻ đối với trẻ sinh non rất cao so với trẻ sinh đủ tháng. Trong mốc thời gian này sinh ở giai đoạn sớm từ 20-30 tuần thì nguy hiểm hơn rất nhiều so với sinh sau 30 tuần, tuổi thai càng cao thì nguy cơ cho em bé càng thấp.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có xấp xỉ 15 triệu trẻ sinh non, chiếm hơn 1/10 tổng số trẻ sơ sinh.
Theo BS.CKI Lê Thị Ngọc Dung, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, dựa vào tuổi thai, trẻ sinh non được mô tả theo 4 mức độ:
Sinh non muộn: Trẻ được sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày tuổi thai.
Sinh non trung bình: Trẻ được sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày tuổi thai.
Sinh rất non: Trẻ được sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày tuổi thai.
Sinh cực non: Trẻ được sinh trước 28 tuần tuổi thai.
Tương ứng với cách tính trên, trẻ sinh non 28 tuần thuộc nhóm trẻ sinh rất non.
![]()
Sản phụ mất con: Mẹ bầu lưu tâm 'mốc' thai kỳ dễ sinh non? - Ảnh minh họa
BS Tạ Việt Cường phân tích, dọa sinh non và sinh non là trường hợp cần được phát hiện, chẩn đoán, xử trí can thiệp kịp thời. Khi sản phụ mang thai, các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng dọa sinh non có liên quan đến người mẹ, thai nhi và phần phụ.
Yếu tố xuất phát từ người mẹ thường thấy trong trường hợp hở eo tử cung, cổ tử cung ngắn, có tiền sử khoét chóp cổ tử cung; bị viêm nhiễm như viêm nhiễm âm đạo, viêm đường tiết niệu không triệu chứng, viêm nha chu...; Có những bất thường ở tử cung như u xơ tử cung, dị dạng tử cung bẩm sinh...; Có tiền sử sinh non qua di truyền như bản thân người mẹ trước đây đã bị tình trạng sinh non...
Yếu tố xuất phát từ thai nhi và phần phụ thường gặp trong trường hợp đa thai, có thai sau thụ tinh trong ống nghiệm, nhiễm khuẩn ối, ối vỡ non, thai nhi chậm tăng trưởng, thai nhi có khuyết tật; bị nhau tiền đạo, nhau bong non, đa ối...
Chẩn đoán xác định trường hợp dọa sinh non khi sản phụ mang thai có tuổi thai từ hết 22 tuần đến hết 37 tuần, có cơn co tử cung gây đau với ít nhất là 2 cơn trong 1 giờ, có sự biến đổi cổ tử cung, có thể ra máu hay chất nhầy màu hồng ở âm đạo...
'Để xác định nguy cơ sinh non không chỉ dựa vào một chỉ số hay một lần khám mà cần dựa vào cả một quá trình theo dõi và các chỉ số ví dụ như chiều dài cổ tử cung, cơn co tử cung …còn có trường hợp sinh non do bị rỉ ối và vỡ ối.
Nguy cơ này sẽ giảm đi khi người phụ nữ được đi khám thai đầy đủ, kỹ càng, các bác sỹ sẽ chú ý đến tất cả những thay đổi của người mẹ qua việc hỏi bệnh, thăm khám, siêu âm, đánh giá toàn trạng cũng như chi tiết, từ việc rất nhỏ như có thấy tử cung gò cứng thường xuyên không, có thấy ra dịch âm đạo không…', BS Cường nói.
Có nhiều phương pháp dự phòng sinh non: khâu vòng cổ tử cung, đặt vòng nâng cổ tử cung, đặt progesterone âm đạo..
Tiêm thuốc trưởng thành phổi thai nhi cho các trường hợp mang thai có nguy cơ sinh non khi có chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng thuốc cắt cơn gò tử cung khi có chỉ định.
Nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ
BS Cường nhấn mạnh, tai biến sinh non là một trong nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu em bé may mắn cứu được cũng có thể để lại nhiều di chứng về sau do chưa được phát triển hoàn chỉnh trong bụng mẹ về thần kinh, thị giác, thính giác, hệ hô hấp, hệ miễn dịch...
![]()
Chăm sóc trẻ sinh non - Ảnh minh họa
BS.CKI Lê Thị Ngọc Dung cho biết, trẻ sinh non 28 tuần có thể gặp phải nhiều thách thức, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ trong một khoảng thời gian ngắn hoặc suốt cuộc đời. Các nguy cơ này bao gồm:
Vấn đề về hô hấp: Phổi của trẻ sinh non 28 tuần đã phát triển, bắt đầu sản sinh Surfactant (từ 26 tuần tuổi) nhưng vẫn chưa đủ và chưa thể đảm bảo được các chức năng của phổi. Do đó, nếu không được hỗ trợ kịp thời, trẻ có thể mắc phải hội chứng suy hô hấp, ngưng thở, loạn sản phế quản phổi.
Vấn đề tim mạch: Còn ống động mạch (PDA) và huyết áp thấp là hai vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non. Bất thường này có thể dẫn đến suy tim và các bệnh lý về tim mạch khác.
Nguy cơ xuất huyết não (xuất huyết não thất) cao, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, bại não.
Khả năng kiểm soát nhiệt độ kém, có thể dẫn đến tình trạng hạ thân nhiệt dẫn đến các vấn đề về hô hấp, rối loạn lượng đường trong máu.
Hệ thống tiêu hóa chưa phát triển đầy đủ khiến trẻ có nguy cơ cao mắc phải các vấn đề như viêm ruột hoại tử (NEC), rối loạn chuyển hóa.
Thiếu máu, vàng da sơ sinh.
Hệ miễn dịch non nớt, nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng hô hấp. Nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng hô hấp nguy hiểm.
Khuyết tật học tập, hành vi và sức khỏe tâm thần chậm phát triển.
Có vấn đề về thị giác, thính giác.
Một số biện pháp dự phòng ngăn ngừa sinh non:
- Khám và sàng lọc tiền hôn nhân cho tất cả các cặp vợ chồng để sớm phát hiện ra các yếu tố nguy cơ.
- Khám và điều trị các bệnh về răng miệng, bệnh đường tiết niệu, nếu có trước và trong khi mang thai.
- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm âm đạo và điều trị.
- Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung từ tuần 16 đến 22 của thai kỳ.
- Khám thai định kỳ đúng hẹn để phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp dự phòng các trường hợp nguy cơ sinh non.