Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội liên tiếp trong những ngày qua, Thủ đô ghi nhận hàng ngàn ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Chỉ tính riêng trong ngày 20/12, số ca mắc tăng kỷ lục lên tới 1.641 ca bệnh.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 28.694 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 10.671 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 18.023 ca.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Hà Nội đã cho phép F0 đủ điều kiện thể nhẹ được điều trị, theo dõi sức khoẻ tại nhà. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều tình huống 'éo le' đã xảy ra.
Chị Hoa (Đống Đa) cho biết, nhà chị 5 người với 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh. Nhà chật, trong ngõ lại có con nhỏ nên khi biết mẹ chồng F0 cả nhà nháo nhào dồn tất cả F1 vào một phòng còn lại.
Quần áo không kịp lấy, đồ dùng cá nhân không kịp mang sang phòng bên cạnh. Lo sợ virus lây qua đồ dùng, quần áo, chị Hoa đành cho cả nhà…ở bẩn 2 ngày và cầu cứu người thân ở bên ngoài mua tạm mỗi người thêm một bộ quần áo khác để thay.
'Liệu em có thể nói mẹ đeo găng tay, đưa quần áo, sách vở của cháu ra ngoài được không', chị Hoa băn khoăn.
Trao đổi với phóng viên, TS. BS Vũ Tùng Sơn, Học viện Quân y cho biết cần phải phân biệt rõ các tình huống diễn ra trong thực tế: ở nhà mặt đất có nhiều tầng hay nhà chung cư, phòng trọ.
Trong trường hợp một gia đình ở các tầng khác nhau. F0 ở một phòng còn những người khác ở phòng khác thì người dương tính tự cách ly trong phòng đó sử dụng đồ dùng cá nhân riêng, nhà vệ sinh riêng.
'F0 có thể được mở cửa sổ cho thông thoáng, tránh tăng mật độ virus ở trong phòng đó.
Những người khác ở cùng nhà thì cũng không quá lo lắng bởi bản chất Covid-19 nếu tiếp xúc ở khoảng cách trên 2m thì nguy cơ lây nhiễm giảm rất nhiều. Trong khi cơ bản người dân đã được tiêm vắc xin, nguy cơ lây giảm đi rất lớn', TS. BS Tùng Sơn cho hay.
Sống cùng phòng F0, F1 tách ra có được mang theo quần áo đồ dùng cá nhân hay không?
Vì vậy, nếu những gia đình có con hoặc F0 điều trị tại nhà thì người khác sẽ hỗ trợ bằng cách giữ khoảng cách tốt, cách ly để đồ ăn ở bên ngoài cửa cho người đó rồi đi xuống, người ở trong phòng nhận đồ ăn.
'Chứ không nhất thiết phải quá hoảng sợ, lo lắng mà bỏ chạy tán loạn ra ngoài. Quan trọng cứ bám chặt vào tiêu chí 5K: giữ khoảng cách tốt, khẩu trang, khử khuẩn…vẫn có thể yên tâm', BS Tùng Sơn nhấn mạnh.
Đối với tình huống hai người/hai con ở chung một phòng/căn hộ dùng chung nhà vệ sinh nếu 1 trong hai người phát hiện dương tính thì phải làm thế nào? F1 có được mang quần áo, đồ dùng cá nhân đi cách ly cùng luôn không hay phải sắm mới toàn bộ?
Trả lời cho tình huống này, TS. BS Tùng Sơn cho rằng việc đầu tiên là phải tách F1 ra khỏi F0 (ra khỏi phòng trước đây là nơi sinh hoạt chung của hai người/hai con). Đồ đạc vẫn lấy ra bình thường để dùng. Nhưng tất cả đều phải được khử khuẩn trước khi sử dụng.
'Đặc biệt đối với quần áo đang mặc trên người cần thay ngay, giặt. Trong trường hợp vội vàng di chuyển không kịp lấy đồ ra thì một người khoẻ mạnh mặc trang phục bảo hộ tốt vẫn có thể vào lấy ra bình thường.
Những bộ quần áo để kín trong tủ có thể giặt, sấy trước khi mặc thậm chí chỉ cần phơi ngoài trời nắng cũng đã giảm nguy cơ lây rồi. Vì quần áo để trong tủ virus cũng không thể bám ngay vào được', TS. BS Tùng Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên TS. BS Tùng Sơn cũng lưu ý, đối với những trường hợp F1 này phải được tách riêng và thực hiện test (sau 3 ngày tiếp xúc với F0) – có thể bằng test nhanh, hoặc PCR để phát hiện kịp thời nếu lên F0.
Về nguyên tắc chung nhất trong trường hợp F0 ở nhà mà tránh để lây nhiễm ra những thành viên còn lại, theo TS. BS Tùng Sơn đó là không dùng chung các đồ dùng sinh hoạt. Nhà cửa để thông thoáng, việc làm này nhằm giảm tải lượng virus, giảm nguy cơ lây. Đặc biệt người dân cần thực hành tốt nguyên tắc 5K (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế, không tiếp xúc gần…) là đủ.
Hà Nội phân tầng điều trị Covid-19 thành 3 tầng. Trong đó:
Tầng 1 là F0 tại trạm y tế lưu động và điều trị tại nhà;
Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao điều trị tại cơ sở thu dung điều trị và hơn 20 bệnh viện;
Tầng 3 dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, được điều trị tại 6 viện của Hà Nội gồm: Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây, Phụ sản Hà Nội và các bệnh viện tuyến Trung ương (như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).