Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Phạm Thái Duy, Tổng quản lý bộ phận kinh doanh của Fit24, cho biết lý do tạm ngừng là vì Fit24 đang gặp khó khăn về tài chính sau đợt dịch COVID-19 và tiếp đó là ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế.
Hội viên sẽ được bảo đảm
Ông Thái Duy cho hay sau giai đoạn 2021-2022, Fit24 đã cố gắng vực dậy và dần dần sống khỏe trở lại, qua đó còn có kế hoạch mở rộng thêm dịch vụ sản phẩm, làm mới, mở rộng từng cơ sở tại TP HCM. Thế nhưng, bước sang năm 2023 và kéo dài đến nay, nền kinh tế bất ngờ đi xuống đã khiến người dân, khách hàng thắt chặt chi tiêu, điều này trực tiếp làm Fit24 lao đao cũng như ngành gym khốn đốn.
Một chi nhánh của Fit24 tại quận 3, TP HCM đang tạm ngừng hoạt động
'Trước những khó khăn này, Fit24 đành phải tạm ngừng. Tôi gửi lời xin lỗi đến khách hàng của Fit24 khi xảy ra sự bất tiện này' - ông Thái Duy chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Chí Trung, Giám đốc Fit24, cho biết đang tiếp tục họp các cổ đông để tìm hướng giải quyết những khó khăn đang xảy ra và khẳng định quyền lợi, lợi ích của hội viên sẽ được bảo đảm. Về phương án cụ thể, Fit24 sẽ sớm có thông báo để khách hàng nắm tình hình. 'Tôi đang tập trung làm việc với cổ đông để có cách xử lý nhanh nhất có thể nhằm quay lại trở lại phục vụ khách hàng của mình. Nếu có thông tin mới, chúng tôi sẽ chủ động thông báo' - ông Trung nói.
Một phòng tập gym tại quận 7, TP HCM (Ảnh: XUÂN BÙI)
Bà Thanh Thủy - ngụ TP HCM, người vừa mua gói tập 2 năm giá hơn 10 triệu đồng - cho rằng nếu muốn tạm ngừng hoạt động với bất kỳ lý do gì, Fit24 cần phải thông báo cho khách hàng 1-2 tháng trước kèm phương án bồi thường hoặc hoàn trả để bảo đảm lợi ích của hội viên. 'Vì tin tưởng Fit24 là chuỗi phòng tập gym lâu năm nên tôi mới đăng ký dù nhiều nơi khác sẵn sàng chào giá rẻ hơn 5%-10%. Tôi khá thất vọng với cách xử lý của Fit24. Nếu như 2-3 ngày tới Fit24 không có phản hồi cụ thể, tôi sẽ cùng các hội viên khác khiếu nại, kiện để lấy lại số tiền này' - bà Thủy bức xúc nói.
Vẫn có sức hút riêng
Ông Hải Định, người từng mở phòng gym tầm trung tại TP HCM, cho hay các chuỗi phòng tập gym tầm trung, cao cấp tại TP HCM, thậm chí ở thành phố lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng... - nơi có chi phí mặt bằng đắt đỏ, chiếm đến 25%-30% doanh thu - sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi khách hàng dần có xu hướng chuyển từ phòng gym truyền thống sang tập luyện tại nhà thông qua các bài tập online, PT online.
Kèm theo đó, áp lực về kinh tế, khối lượng công việc ngày càng nhiều khiến cho người dân lười đến phòng gym tập luyện. Điều đó khiến cho số lượng khách hàng đã ít, nay lại càng ít hơn. Chính vì vậy, sự cạnh tranh giữa các phòng gym dự báo sắp tới ngày càng khốc liệt hơn, có thể các phòng tập gym bình dân tại thành phố lớn dần dần sẽ bị xóa sổ khi khoảng cách về giá các phân khúc ngày càng sát nhau.
'Nếu thu không đủ chi, chuỗi nên đóng bớt chi nhánh ở một số địa điểm không đạt doanh thu như kỳ vọng để duy trì lợi nhuận, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, cổ đông' - ông Định đề xuất.
Tuy nhiên, theo một số người kinh doanh ngành này, phòng tập gym vẫn có sức hút riêng, nhất là với những người cần sự tương tác trực tiếp với huấn luyện viên và sử dụng các thiết bị chuyên sâu không có sẵn tại nhà. Để không bị lỗ, tránh vết xe đổ khi kinh doanh chuỗi phòng gym, việc linh hoạt chuyển đổi mô hình là cần thiết. Nhiều chuỗi như C.F.Y, C.Y hoặc S.G đang kết hợp mô hình phòng gym truyền thống với các gói dịch vụ trực tuyến hoặc tạo ra các không gian riêng để khách hàng có thể tự tập với thiết bị của mình.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-10
Ông BÙI XUÂN TRƯỜNG, chủ CLB Thể hình Việt Nam Gym (quận 7, TP HCM): Cạnh tranh gay gắt, phải biết tự dự báo
Sự xuất hiện ngày càng nhiều hệ thống phòng tập gym với cơ sở vật chất hiện đại, thiết bị tiện nghi nhưng giá dịch vụ lại rẻ đã 'lôi kéo' rất nhiều khách hàng của các cơ sở đã có thâm niên khiến thị trường biến động.
Như mọi ngành nghề khác, chúng tôi luôn phải đưa ra dự báo về tiềm năng khách hàng, xu hướng tập luyện để có đánh giá thực tế trong kinh doanh. Do nhắm vào phân khúc khách tập luyện tầm trung và bình dân, chúng tôi cố gắng tiết kiệm trong việc tổ chức hoạt động, tinh gọn bộ máy phục vụ. Những năm qua, CLB Thể hình Việt Nam Gym mời toàn bộ đội tuyển thể hình quốc gia về luyện tập trước các giải đấu quốc tế chính là một cách quảng bá hết sức khéo léo cho chính mình.
Tôi là chủ CLB, lại là một huấn luyện viên chuyên nghiệp nên không ngại với công việc hướng dẫn cho học viên hay khách tập, thậm chí còn đảm nhận luôn vai trò PT (huấn luyện viên cá nhân) cho khách tập nếu có yêu cầu. Lượng khách thường xuyên dao động trong khoảng 300 người như hiện nay tuy có sụt giảm so với trước, ảnh hưởng đến doanh thu nhưng CLB vẫn tự tin giữ chân khách bằng các hình thức linh hoạt, từ thu học phí theo tháng, theo tuần, thậm chí theo từng buổi tập, tạo sự thoải mái tối đa cho khách bên cạnh sự tận tình trong phục vụ.
Ông ĐẶNG THANH TÙNG, CEO Gym TeamDTT (Hóc Môn và Tân Phú, TP HCM): Chậm trở bộ vì ngủ quên trên chiến thắng
Nguyên nhân khiến một số đại gia ngành gym phải đóng cửa là tận hưởng vinh quang suốt nhiều năm. Điển hình như Fit24 hay Getfit Gym & Yoga với hoạt động trải rộng, nằm tại các vị trí đắc địa ở nhiều trục đường chính trong thành phố, trung thành với việc kêu gọi đóng tiền học theo gói trọn năm, thậm chí vài năm nên khi tình hình biến động, họ không kịp trở tay.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những 'tân binh', điển hình như W.S, chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều thương hiệu gym đình đám phải 'bỏ của chạy lấy người'. Với nguồn lực đầu tư cực khủng, W.S chủ trương mở ở mỗi quận, huyện một phòng gym, vừa bề thế, hiện đại vừa phục vụ với giá rẻ kèm nhiều tiện ích. Không chỉ có vậy, W.S còn luôn tìm cách mở cửa điểm tập mới của mình gần với các phòng gym tên tuổi sẵn có, dùng chính lợi thế cạnh tranh để 'triệt hạ' đối thủ.
Năm 2023 ghi nhận khoảng lặng đáng sợ của ngành gym khi doanh thu rớt khủng khiếp. Tuy vậy, mọi việc đang chuyển biến tích cực từ quý II/2024 khi lượng khách tập ổn định trở lại. Cơ sở Gym TeamDTT Hóc Môn rộng hơn 2.000 m2, được đầu tư xấp xỉ 10 tỉ đồng và hoạt động nhiều mảng từ yoga, gym, dance, huấn luyện thi đấu… luôn thu hút 600-700 khách dù phí tập dao động cỡ 400.000 đồng/tháng.
Hai phòng gym TeamDTT quy mô không kém so với các cơ sở Fit24 nhưng quan trọng là cách làm luôn hướng đến sự phục vụ khách hàng thay vì tận thu.
CEO KT Gym TRẦN HOÀNG DUY THUẬN: Định vị lại chính mình
Giữ chân được hàng trăm khách hàng mỗi tháng là thành công của KT Gym. Học phí phải chăng, cung cách phục vụ tận tình, chu đáo, thiết bị tập luyện hiện đại và đội ngũ hướng dẫn viên giỏi chuyên môn… là thế mạnh của KT Gym.
W.S có tạo 'sóng' ở thị trường gym cũng là điều bình thường và trong tương lai sẽ còn nhiều 'ngựa ô' kiểu này xuất hiện, buộc những thương hiệu tên tuổi phải tìm cách định vị lại chính mình để có thể trụ vững trên thị trường còn rất nhiều tiềm năng này.