Từ một huyền thoại có thật
Bỏ lại sau lưng những truyền thuyết về việc Thái cực quyền gắn liền với Trương Tam Phong, trên thực tế môn phái này từng sản sinh ra một số cao thủ có thật, rất nổi danh trong làng võ Trung Quốc.
Trong đó, một huyền thoại có thật ở triều đại Mãn Thanh và cũng là người nổi tiếng nhất của môn Thái cực quyền phải kể tới võ sư Yang Lu Chan (1799-1872).
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở tỉnh Hà Bắc, Yang Lu Chan sớm đam mê võ thuật từ thuở còn là một cậu bé loắt choắt. Một ngày nọ, Yang đã vô cùng bất ngờ khi chứng kiến vị chủ của một hiệu thuốc gần nhà dùng vài thế võ mà cậu chưa từng nhìn thấy bao giờ để hạ gục mấy tên trộm.
Quá tò mò, Yang đã hỏi vị chủ hiệu thuốc rằng đó là thứ võ công gì, và cậu được bậc tiền bối dẫn đến gặp một vị võ sư có tên là Chen Chang-hsing để bái làm sư phụ.
Một đêm, khi vừa chợp mắt thì Yang bỗng bị đánh thức bởi những tiếng rít rất lớn phát ra từ một ngôi nhà cũ. Nghĩ là có chuyện, Yang bật dậy và lặng lẽ tiến về phía ngôi nhà thì phát hiện ra thầy Chen đang luyện võ.
Ngay trong đêm đó, Yang đã được truyền lại một số chiêu thức tự vệ chiếm được lòng tin từ sư phụ nhờ những tố chất thiên bẩm của mình.
Sau quãng thời gian tập luyện âm thầm hăng say, cho tới một ngày, thầy Chen đã để Yang thi đấu với những đệ tử khác và tất cả đều bị cậu bé đánh bại. Nhận thấy Yang xứng đáng trở thành đệ tử chân truyền nên sư phũ Chen đã dần dạy lại tất cả những tuyệt kỹ của mình.
Chân dung huyền thoại Thái cực quyền Yang Lu Chan.
Nhiều năm sau, khi trình độ võ thuật đã đạt những thành tựu nhất định, Yang rời quê hương lên thành phố Bắc Kinh và bắt đầu mở võ đường, chủ yếu dạy cho con cái của tầng lớp quan lại. Đến năm 1850 (khi Yang Lu Chan đã 51 tuổi), ông được Triều đình mời dạy Thái cực quyền trong Tử Câm Thành.
Quãng thời gian sau đó, Yang Lu Chan được giới võ lâm Trung Quốc tôn vinh như một huyền thoại bởi ông chưa từng thua ở bất kỳ một cuộc tỉ thí nào và chưa bao giờ khiến đối thủ gặp phải một chấn thương nghiêm trọng.
Các tài liệu ở Trung Quốc từng ghi chép rằng có lần một gia đình dòng dõi dưới triều Mãn Thanh đã thuê rất nhiều võ sĩ quyền Anh và đô vật về để đấu với Yang Lu Chan nhưng tất cả đều bại trận.
Một hôm, một bậc thầy về quyền Anh của phương Tây nhất quyết đòi tỉ thí với Yang cho bằng được, xem ai mới thực sự mạnh nhất. Trước quyết tâm quá lớn của đối thủ, Yang Lu Chan bất đắc dĩ phải nhận lời.
Theo như lời gợi ý của võ sĩ ngoại quốc, cả hai sẽ thi đấu bằng cách ngồi trên hai chiếc ghế rồi cùng bóp chặt bàn tay phải vào nhau. Ngay sau khi bắt đầu, võ sĩ quyền Anh đã mồ hôi đầm đìa và chiếc ghế của gã như muốn gãy sập còn Yang Lu Chan vẫn thản nhiên không có chuyện gì xảy ra.
Yang Lu Chan là một cao thủ có thật và từng được lấy làm hình tượng để làm phim (ảnh minh họa).
Một lần khác, khi Yang Lu Chan đang ngồi câu cá, có hai võ sư đã muốn liên thủ để đánh ông ngã xuống hồ khiến ông phải "bẽ mặt". Khi cả hai cũng lao tới để ra đòn, ông lập tức lách người, uốn cong lưng, rồi tung đòn đá như vó ngựa khiến cả hai đều lao xuống hồ cùng một lúc.
Lần khác nữa, một người đàn ông giàu có tên Chang ở Bắc Kinh vốn nghe danh của Yang Lu Chan đã lâu nên muốn mời ông về nhà để "mục sở thị" khả năng võ thuật siêu phàm. Vị gia chủ liền hỏi: "Thân thể ông nhỏ nhỏ bé như thế này làm sao có thể chiến đấu với những đối thủ to lớn hơn nhiều?
Yang Lu Chan mới trả lời: "Trên đời, chỉ có 3 loại người tôi không thể đánh bại đó là người đàn ông bằng đồng, người đàn ông bằng sắt và người đàn ông bằng gỗ".
Nghe xong câu nói ấy, ông Chang đã sai người cận vệ giỏi nhất của mình là Liu vào để tỉ thí. Thế rồi, Yang Lu Chan chỉ trong nháy mắt đã đẩy Liu ngã bay qua sân.
Theo tài liệu Trung Quốc, cho đến nay Yang Lu Chan vẫn là một huyền thoại lẫy lừng của môn Thái cực quyền. Sau này, môn phái cũng xuất hiện nhiều cao thủ từng "xưng hùng xưng bá" trong giang hồ như Mian Quan, Wu Yuxiang, Wang Zongyue, Wu Ruqing…
Nhưng, sức mạnh thật sự của Thái cực quyền có như phim kiếm hiệp?
Nếu như trong phim kiếm hiệp, Thái cực quyền của Trương Tam Phong là "xuất quỷ nhập thần, vô địch thiên hạ" nhưng trên thực tế lại hoàn toàn khác hẳn.
Hiện nay, việc Thái cực quyền được ra đời từ khi nào vẫn còn là đề tài gây tranh cãi nhưng hiện tại môn này vẫn đang phát triển theo nhiều hệ phái khác nhau (Trần thức, Dương thức, Ngô thức, Võ thức, Tôn thức…)
Tựu chung lại, đây là môn võ thiên về nhu nhuyễn, với động tác của bài quyền uyển chuyển và mềm mại, trong nhu có cương, dung hợp với học thuyết kinh mạch âm dương. Ngoài là môn võ thuật thì trên thực tế Thái cực quyền là một sản phẩm mang nặng tính triết học của người Trung Quốc.
Thực tế, khả năng thực chiến của Thái cực quyền không được đánh giá cao.
Vậy câu hỏi được đặt ra là liệu Thái cực quyền có phải là một môn võ thực chiến và thực chất nó có ý nghĩa gì với so với các võ sĩ thời hiện đại?
Theo võ sĩ Dương Thúy Vi – VĐV tên tuổi nhất của làng wushu Việt Nam thời điểm hiện tại, người từng giành HCV ASIAD thì cô lại có những cách đánh giá cực kỳ bất ngờ:
"Em từng tập cả Thái cực hay kungfu. Em nghĩ dù có là Thái cực hay Kungfu gì đi chăng nữa thì không thể thi đấu võ đài với một võ sĩ MMA được. Như bọn em tập Thái cực quyền cũng chỉ tập theo bài thôi chứ làm gì được tập kỹ năng thực chiến.
Thậm chí với các VĐV wushu, đa số những bạn không tập được tốt các bình thường mới phải chuyển qua tập Thái cực quyền. Từ khi em theo wushu, thấy rất ít người tập Thái cực quyền ngay từ đầu.
Nói gì thì nói, thực tế vẫn khác rất xa với phim ảnh và em nghĩ Thái cực quyền khó lòng so sánh được với MMA nếu xét về độ thực chiến".
Dương Thúy Vi khẳng định, các VĐV wushu khi không thể tập các bài bình thường mới phải chuyển qua tập Thái cực quyền.
Trong khi đó, một võ sư giấu tên khá nổi danh tại Hà Nội không đưa ra nhận xét về tính thực chiến của Thái cực quyền. Tuy nhiên khi đánh giá về việc võ sư Lôi Lôi của Trung Quốc vừa để thua một võ sĩ MMA trong 10 giây, ông đã cho rằng:
"Ông Lôi Lôi này không phải là võ sư dởm, thậm chí ông ấy còn hoàn toàn là một võ sư Thái cực quyền "xịn" nữa là khác.
Thái cực quyền cũng có hệ thống chiến nhưng ông Thái cực đó đã thua bởi 2 lý do chính: thiếu tính cọ sát và chưa nghiên cứu kỹ đối thủ, ảo tưởng về bản thân. Đây có thể là điểm yếu chung của môn Thái cực quyền hay nói rộng hơn là võ truyền thống Trung Quốc".
Quay trở lại với câu chuyện về tính thực chiến của Thái cực quyền, hiện tại đây vẫn là đề tài còn gây nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, việc ngay cả đất nước Trung Quốc cũng đang hạn chế đào tạo võ thuật truyền thống (Thiếu Lâm, Võ Đang, Thái cực quyền) thì phải chăng, những môn võ này đang dần chuyển sang phát triển theo hướng rèn luyện sức khỏe thay vì là thứ vũ khí để có thể áp dụng cho những trận chiến khốc liệt và mang tính sống còn?