Theo ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, trong giai đoạn mùa mưa từ tháng 4/2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 4.867 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2021), có 8 trường hợp tử vong.
Tình hình bệnh tay chân miệng cũng đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mạnh trong tháng 5/2022 với 703 ca (gấp 2,6 lần so với tháng 4/2022), lũy kết từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.668 ca mắc (tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021) và 1 trường hợp tử vong.
Ngay từ đầu mùa mưa, Sở Y tế đã dự báo được tình hình, diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết, do đó đã kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng năm 2022.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 920 ổ bệnh sốt xuất huyết, các địa phương đã xử lý 914 ổ bệnh (đạt 99%), trong đó có 578 ổ bệnh được diệt lăng quăng, 336 ổ bệnh kết hợp diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi.
Thời gian tới, Sở tiếp tục duy trì chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại các địa phương; tăng cường giám sát ca bệnh tại tất cả các cơ sở điều trị, đặc biệt là hệ thống y tế tư nhân; phát hiện sớm các ổ bệnh, xử lý triệt để bằng diệt lăng quăng và phun hóa chất, tập trung ở những nơi có số mắc cao như Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát…
Đồng thời, tăng cường công tác điều trị tại tất cả các tuyến, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền cao phân tử; đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường; phối hợp với Phòng y tế địa phương tập huấn và yêu cầu các phòng khám đa khoa tư nhân, các phòng khám tư nhân gia đình không được giữ bệnh nhân nghi ngờ sốt xuất huyết lại cơ sở nếu không đủ điều kiện…
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hồng Chương cho biết thêm, tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 liều nhắc lại mũi 3, mũi 4 và tiêm vaccine cho trẻ em tại tỉnh đang giảm mạnh. Có nhiều nguyên nhân như: Người dân không còn mặn mà đi tiêm vì tâm lý chủ quan... Các trường đã nghỉ học nên khó tổ chức điểm tiêm tại trường, học sinh nghỉ hè. Vaccine phân bổ về quá nhiều tại một thời điểm, hạn sử dụng gần nên rất khó để triển khai kịp thời, đảm bảo hiệu quả vaccine…
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Sở Y tế và các ban, ngành có nhiều giải pháp vận động người dân đi tiêm chủng, tiếp tục đặt nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu; đẩy mạnh 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng vaccine COVID-19 và triển khai ký xác nhận 'Hộ chiếu vaccine'…
TPHCM: 9 người tử vong do sốt xuất huyết
Ngày 19/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), những ngày qua, các ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn tiếp tục gia tăng.
Đáng chú ý, đã có thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số trường hợp tử vong do dịch bệnh này lên con số 9.
Cụ thể, tính đến ngày 19/6, TP ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 117,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó số ca mắc sốt xuất huyết nặng là 274 ca. Trong tuần qua đã có thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 9 trường hợp.
Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở tất cả các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Hưng Thuận, Thạnh Lộc (Quận 12), phường Linh Xuân (TP.Thủ Đức); xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh), xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn)….
Chỉ trong một tuần (từ 10-16/6), toàn địa bàn ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã; tăng 13 ổ dịch mới so với tuần trước. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 257 ổ dịch và có 1 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.
Các chuyên gia của HCDC nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát dữ dội nếu người dân lơ là trong phòng bệnh.
Để hạn chế dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lây lan, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế thì ý thức phòng bệnh của người dân là vô cùng quan trọng.
Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi bằng cách, dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng; lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… ; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
Người dân sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng (màn) kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.