Dự án đi qua địa bàn 6 quận: quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.
Sự hình thành của tuyến tàu điện ngầm số 2 sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến.
Dự án sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị, thuận lợi cho việc trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm Thành phố.
Chính thức khởi công Tuyến Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương
Phó Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 là một trong hai Dự án đường sắt quan trọng quốc gia trên địa bàn Thành phố với tổng mức đầu tư khoảng hơn 2 tỷ USD, tương đương khoảng 47 ngàn tỷ đồng.
Tuyến tàu điện ngầm số 2, giai đoạn 1, từ Bến Thành đến Tham Lương có tổng chiều dài khoảng 11,3 km, trong đó có 9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao, với 11 nhà ga, chạy dọc đường CMT8 và Trường Chinh, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, cùng với khu vực đỗ tàu, depot Tham Lương tại Quận 12 với diện tích 25ha.
Dự án được tài trợ bởi ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách của Thành phố.
Ở giai đoạn 1 của Dự án (đoạn Bến Thành - Tham Lương), việc đầu tư xây dựng nhằm bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.
Tuyến Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương
Về lâu dài, tuyến đường sắt đô thị số 2 sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây Bắc Củ Chi) sẽ góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh 2 khu đô thị mới của thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, cải thiện môi trường sống, góp phần xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư.
Tại buổi khởi công dự án, Phó chủ tịch UBND TPCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh: 'Rút kinh nghiệm của tuyến Metro số 1 và các dự án hạ tầng giao thông đô thị của TPHCM trong thời gian qua, chúng ta phải nỗ lực để giải phóng mặt bằng sạch, hạ tầng sạch 100 % trước khi triển khai các dự án chính'
Phó Chủ tịch UBND TPCM Bùi Xuân Cường - Ảnh: Phi Yến
Về công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án Metro 2 Bến Thành – Tham Lương, đến nay đạt 86,69% (508/586 trường hợp bàn giao mặt bằng). Trong đó, 4/6 quận (Quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%).
Hiện nay vướng mắc chính là các trường hợp tại Quận 3 (66 trường hợp) liên quan đến đơn giá bồi thường, trong tháng 4/2023 đã được Chủ tịch UBND thành phố thành lập tổ công tác để tham mưu giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc.
Hiện cơ quan liên quan (UBND quận 3, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND thành phố…) đang tập trung để xử lý đảm bảo hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án trong cuối năm 2023.
Công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án được thực hiện trong khoảng thời gian 20 tháng không liên tục tại 12 vị trí trên dọc tuyến tàu điện ngầm số 2 (09 vị trí nhà ga ngầm, 02 đoạn đào hở và 01 nhà ga trên cao).
Trong tương lai, tại khu vực lân cận các nhà ga của dự án, UBND TPHCM chỉ đạo các Sở ngành và Chủ đầu tư triển khai việc Phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) góp phần chỉnh trang đô thị, phát huy hiệu quả tối đa của dự án và nguồn lực đất đai…
Đây là một hình mẫu cho các dự án đường sắt đô thị triển khai trong thời gian sắp tới theo tinh thần Nghị quyết sửa đổi nghị Quyết số 54 về quy định thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM, đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp 5.
Hình ảnh phối cảnh một số hạng mục Tuyến Metro số 2 Bến Thành – Tham Lương:
Ý tưởng thiết kế đoàn tàu Metro số 2
Phối cảnh ga Tao Đàn
Phối cảnh ga Tân Bình
Phối cảnh ga Phạm Văn Hai
-->