Đề xuất công bố chấm dứt đại dịch
Người đầu tiên đề xuất cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19 là ông Nguyễn Lân Hiếu, (ĐBQH Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).
Theo đó, sáng 22/10 tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội (Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV), ông Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19.
'Chúng ta cần phải kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch giai đoạn mới. Trong thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỷ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 hay các đơn vị điều trị COVID-19 hiện nay ngày càng giảm xuống', ông Hiếu nói.
Hiện nay dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát.
Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, Chính phủ cần tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch với các quy định cụ thể để hạn chế tốn kém nguồn lực cũng như sẵn sàng nếu bùng dịch hay dịch khác xuất hiện.
Đồng thời các thuốc, vật tư tiêu hao dự phòng đều có hạn sử dụng, do đó cần ra quyết định để chuyển nguồn sử dụng sang điều trị bệnh lý khác.
Bên cạnh đó, các trang thiết bị hiện đại được mua cho chống dịch cần thống kê, phân bố sử dụng để tránh hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu...
Xung quanh đề xuất của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, để hiểu rõ hơn về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 hiện nay tại các bệnh viện phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (Hà Nội).
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Bùi Hải cho rằng vài tháng gần đây tình hình dịch COVID-19 không có biến động, vẫn có những trường hợp bị nhiễm COVID-19 nặng nhưng không nhiều.
Hiện những trường hợp bị nhiễm nằm viện là người già, người mang bệnh nền, đang chữa bệnh nền chưa ổn hoặc sau phẫu thuật chưa ổn định đang nằm viện lại nhiễm COVID-19.
“Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thời gian qua thường nhận những trường hợp như vậy và có rất ít các trường hợp nặng. Những người nặng thường là người chưa nhiễm hoặc chưa tiêm vắc xin. Có bệnh nhân 97 tuổi chưa tiêm vắc xin nên mới bị tổn thương phổi” - ông Hải chia sẻ.
Giữ nguyên sẽ tốn kém, lãng phí
Chính vì lẽ đó, ông Hoàng Bùi Hải rất tán đồng với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu. Theo ông Hải phân tích thì các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã có khoa điều trị COVID-19 trong bệnh viện. Trong khi các bệnh nhân nặng lại không nhiều. Các bệnh nhân nằm viện nguyên nhân là do bệnh nền.
Do đó nếu cứ duy trì việc mắc COVID-19 phải điều trị tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 như hiện nay sẽ phiền phức cho bệnh nhân.
“Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 hiện được trang bị hiện đại, quy mô 500 giường nhưng chỉ có vài chục bệnh nhân như hiện nay là rất lãng phí.
Nếu công bố chấm hết đại dịch thì sẽ giảm được ngân sách Nhà nước. Các trang bị đã mua chống dịch, bây giờ đến một năm, cần được đưa ra sử dụng, phân bổ lại. Trang bị nhà xưởng, bệnh viện để điều trị COVID-19 nếu để như vậy sẽ bị hỏng gây lãng phí. Cần để những trang thiết bị đó dùng cho bệnh nhân khác” - ông Hải chia sẻ.
Góp ý thêm, vị này cho rằng Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nên chuyển đổi công năng cho phép các nhóm bệnh nhân khác vào điều trị, sử dụng. Còn để nguyên như bây giờ chỉ điều trị người mắc COVID-19 thì nhiều người bệnh khác sẽ không dám đến.
Nên giữ một phần khoảng 50% giường bệnh điều trị COVID-19 đề phòng trường hợp dịch trở lại. Tuy nhiên, kịch bản dịch trở lại là rất thấp. Còn để nguyên như hiện nay thì cực kỳ lãng phí.
Người bệnh sẽ được hưởng tốt hơn
Một điều nhiều người quan tâm là khi công bố chấm dứt đại dịch COVID thì người bệnh mắc COVID-19 có bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Trước băn khoăn này, ông Hoàng Bùi Hải nhấn mạnh: “Quyền lợi của bệnh nhân sẽ không bị hạn chế”.
Theo ông Hải hiện người bệnh nặng đa số do bệnh nền không phải do COVID-19. Những người bị tổn thương phổi do COVID-19 không nhiều để đến mức dùng thuốc kháng vi rút hay những thuốc khác…
Hiện nay, khi điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn phải tách cái nào để chữa COVID-19 thì ngân sách chi trả, cái nào không COVID-19 thì nếu thuộc người bệnh thì người bệnh chi trả, nếu thuộc về bảo hiểm thì bảo hiểm chi trả.
Trong khi, một bệnh nhân mắc COVID-19 cùng các bệnh lý khác thì để điều trị ở những bệnh viện có nhiều chuyên khoa sẽ tốt hơn, ngoài ra bệnh nhân không phải thuyên chuyển.
“Quyền lợi của người bệnh sẽ tốt hơn” - ông Hải một lần nữa khẳng định và đưa ra ví dụ: Nếu như hiện nay một bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Lão khoa (Bạch Mai) bị COVID-19 phải chuyển đến Bệnh viện điều trị cho người bệnh COVID-19.
Trong khi nếu để tại Bệnh viện Lão Khoa người bệnh được điều trị với các bác sĩ chuyên khoa và được dùng thuốc tốt hơn khi điều trị bệnh nền.
Hiện bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng chủ yếu điều trị bệnh nền, còn COVID-19 thì không đáng kể. Khi không xem là đại dịch nữa thì COVID-19 như một bệnh đặc hữu và được điều trị như bệnh đặc hữu thông thường.