Mới đây, Công an tỉnh Đắk Nông đã phải khai quật một ngôi mộ để khám nghiệm tử thi, nhằm giải quyết một vụ tranh chấp tử thi hy hữu tại xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil.
Cụ thể, năm 2008, chị Trần Thị Ngọc S. (trú tại huyện Đắk Mil) sống với anh Nguyễn Bá T. (quê tỉnh Vĩnh Phúc) và có với nhau 2 người con. Tháng 7/2023, anh T. bất ngờ tử vong do bệnh lý, sau đó được gia đình tổ chức an táng.
Gần đây, em ruột của anh T. được mẹ đẻ anh T. (hiện đang trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) ủy quyền làm đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân cái chết của anh T. và đòi đưa thi thể của anh T. về quê chôn cất.
Lực lượng chức năng đã phải khai quật tử thi.
Hai bên gia đình sau đó xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp buộc cơ quan chức năng phải khai quật tử thi, xác định quan hệ huyết thống. Thi thể anh T đã được an táng tại vị trí cũ sau khi công an khai quật, khám nghiệm xong tử thi.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nhiều năm làm luật sư hành nghề trong lĩnh vực tham gia tố tụng cũng như quá trình nghiên cứu về pháp luật, bản thân ông chưa từng thấy có vụ kiện nào về tranh chấp tử thi như trên.
Theo luật sư Cường, khi trong gia đình có một người chết, có thể có những quan điểm khác nhau về nơi an táng, hình thức mai táng. Với những người sống xa quê, sau khi chết có thể an táng tại nơi sinh sống cuối cùng hoặc ở quê hương theo thỏa thuận của những người thân thích, trừ trường hợp người đó có di chúc để lại có nội dung về nơi an táng, hình thức an táng. Việc mai táng người quá cố được thực hiện theo phong tục tập quán địa phương, vấn đề này pháp luật không có quy định.
Nếu có tranh chấp, tòa án sẽ căn cứ vào phong tục tập quán để quyết định sẽ an táng ở đâu cho phù hợp. Ví dụ có những miền quê có tập tục là phụ nữ lấy chồng phải theo chồng, khi chết cũng sẽ chôn cất ở quê chồng theo tập quán 'chết quê cha, làm ma quê chồng'. Mỗi địa phương, mỗi vùng miền đều có phong tục tập quán khác nhau, việc tổ chức đám ma, thực hiện việc mai táng pháp luật quy định là sẽ theo phong tục địa phương chứ không có quy định bắt buộc đối với mọi trường hợp.
Trong vụ việc này là 'tranh chấp' giữa em chồng và chị dâu khi người xấu số qua đời tại Đắk Nông. Nguyên nhân có thể xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình hoặc những chuyện hiểu lầm dẫn đến việc, em chồng yêu cầu mang tử thi về quê Vĩnh Phúc chôn cất.
Ngoài việc đưa ra yêu cầu mang thi hài của anh trai về quê an táng, người phụ nữ này còn nghi ngờ anh trai mình có thể bị sát hại, cuộc hôn nhân của anh trai là không hợp pháp và không thừa nhận hai đứa cháu là con ruột của anh trai. Đây mới là những vấn đề nghiêm trọng khiến cơ quan chức năng có thể vào cuộc xem xét làm rõ...
Sau khi nhận được đơn thư trình báo với nội dung tố cáo, tố giác của em gái người xấu số do nghi ngờ có hành vi sát hại, cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh tin báo, tiến hành khai quật mộ để mổ tử thi xác định nguyên nhân tử vong.
Đến nay, sau khi xác minh nguồn tin, khai quật và mổ tử thi để giám định pháp y, cơ quan điều tra đã kết luận là nạn nhân chết là do bệnh lý chứ không phải là bị sát hại.
Cụ thể: 'qua giám định sơ bộ tử thi ông T. không có tác động ngoại lực, nguyên nhân tử vong là ngưng hô hấp tuần hoàn. Sau khi lấy mẫu vật, cơ quan công an đã an táng người quá cố trở lại nơi cũ...'.
Như vậy, với nội dung tố cáo tố giác, cơ quan điều tra kết luận là không có dấu hiệu tội phạm nên đã không khởi tố vụ án hình sự. Nếu không đồng ý với kết quả trả lời của cơ quan công an, người tố cáo tố giác có quyền khiếu nại đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật để được xem xét giải quyết.
Đối với việc yêu cầu mang thi thể của người đàn ông này về quê an táng, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan điều tra. Việc an táng người quá cố theo phong tục địa phương.
Bên cạnh đó, hiện chưa có bản án quyết định của cơ quan có thẩm quyền để xác định người vợ và hai con của người đàn ông này là không hợp pháp, không hợp lệ. Do đó, những người này có quyền thực hiện hoạt động an táng theo phong tục địa phương và thực tế người chết đã được an táng ở đây mấy tháng nay, việc đào mộ mang xác về quê an táng theo yêu cầu của người em gái sẽ không thể thực hiện được nếu như không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc có sự đồng ý của vợ con người đã chết.
Đối với việc cho rằng quan hệ hôn nhân của anh trai và chị dâu là không hợp pháp, hai con không phải là con ruột của anh trai, em gái của người đã chết có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết vấn đề tranh chấp liên quan đến nhân thân.
Việc xác định quan hệ hôn nhân có hợp pháp hay không sẽ căn cứ vào giấy đăng ký kết hôn và thủ tục đăng ký kết hôn được thể hiện qua sổ đăng ký kết hôn của địa phương cấp xã phường. Trường hợp hai người không có giấy đăng ký kết hôn, hồ sơ lưu tại UBND xã cũng không thể hiện là đã đăng ký kết hôn, đồng thời hai người này chung sống sau 3/01/1987, pháp luật không công nhận đây là quan hệ vợ chồng.
Tuy nhiên, việc này chỉ có ý nghĩa khi có tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân và quyền tài sản được pháp luật bảo vệ. Nếu có tranh chấp, một bên đề nghị tòa án tuyên bố hôn nhân không hợp pháp, không phải là vợ chồng để liên quan đến chia di sản thừa kế hoặc liên quan đến vấn đề nhân thân khác, toà án có thể xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật và sẽ quyết định là hôn nhân có hợp pháp hay không qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa.
Đối với vấn đề xác định cha cho con, yêu cầu xem xét lại giấy tờ về nhân thân của hai con người đã chết trên nếu có tranh chấp, các bên có yêu cầu, tòa án cũng có thể thụ lý để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Kết quả giám định ADN sẽ là căn cứ để xác định những đứa trẻ này có phải là con đẻ của người đàn ông đã chết đó không. Tuy nhiên, người em gái của người đàn ông này cũng cần cân nhắc khi đưa ra những thông tin này và đặc biệt là cân nhắc khi đưa ra yêu cầu để tòa án xem xét, những ý kiến yêu cầu này chỉ là quan điểm cá nhân, chưa dựa trên những bằng chứng khoa học, chưa có kết luận của cơ quan chức năng nên những thông tin này đưa ra có thể gây ảnh hưởng, tổn thương đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của cháu bé, ảnh hưởng đến tình cảm trong các mối quan hệ gia đình.
“Tôi cho rằng, nếu có mâu thuẫn trong gia đình, việc nhỏ có thể bị phóng đại, thêu dệt. Khi không thông cảm, không chia sẻ, khi 'em chồng, chị dâu' có thành kiến với nhau, chuyện tranh chấp kiện tụng là có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đưa vấn đề ra pháp luật, cần cân nhắc, cần tìm hiểu các quy định của pháp luật để tránh việc kiện tụng mất thời gian, không thành công và còn ảnh hưởng đến tình cảm trong gia đình. Các cụ xưa có câu nói anh em 'kiến giả nhất phận', cuộc sống riêng tư của mỗi người nên để cho mọi người tự quyết định, sự quan tâm cũng nên có những giới hạn. Khi những thông tin chưa đầy đủ, không chắc chắn không nên quy kết. Người mất đã mất rồi, dừng để những tranh chấp như thế này gây tổn thương thêm cho những người đang sống”, ông Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tai nạn mỏ đá khiến 2 người chết, 1 người chưa tìm thấy