Chờ hàng tháng mới được chụp chiếu, kết luận
3 tháng trước, chồng chị Dung (Ba Đình) bị đi ngoài ra máu, nuốt đau, ăn không ngon, có dấu hiệu sút cân. Chị đưa chồng đến bệnh viện tuyến cuối của quân đội khám, bác sĩ chỉ định nhập viện do nghi ngờ chồng chị có khối u.
“Ngay lập tức, tôi xin chuyển tuyến BHYT sang bệnh viện này, dù đây không phải nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu của anh ấy. Cũng có người bảo nếu nghi ngờ K sao không chuyển sang Tân Triều (Bệnh viện K) hoặc Bệnh viện Bạch Mai khám, điều trị cho đúng chuyên khoa nhưng tôi vẫn quyết để anh ấy ở đó.
Bởi thời điểm đó, máy móc, thuốc men khắp nơi đều thiếu. Mẹ chồng tôi cũng phát hiện ung phổi 2 tháng trước khi đến lượt chồng tôi nhưng từ lúc nghi ngờ đến khi biết chính xác kết quả mất 1 tháng vì chờ đợi các kết quả chụp chiếu, xét nghiệm.
Bệnh nhân mòn mỏi chờ chụp chiếu
Giờ thì tôi thấy việc để chồng điều trị ở đây là đúng. Vì sau khi chồng tôi nhập viện, bác sĩ chỉ định chụp PET/ CT từ giữa tuần trước thì sang đầu tuần sau đã được chụp.
Thời gian chờ đợi không nhiều, nên dù khi nhận kết quả anh ấy mắc hai loại ung thư một lúc: K trực tràng và K thực quản nhưng cả nhà vẫn động viên nhau đã biết chính xác bệnh, giờ chỉ còn chiến đấu thôi”, chị Dung nói.
Người phụ nữ này cho biết, trong lúc ngồi ở phòng chờ chụp PET cho chồng chị cũng thấy nhiều người được cho lịch hẹn rất lâu. Nhưng chị vẫn thấy an ủi là dù sao bệnh viện vẫn còn có máy, có vật tư để chụp.
Không “sáng suốt” như chị Dung, bà Thành (Bắc Giang) được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Các bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chỉ định bệnh nhân chụp PET/CT để chẩn đoán di căn.
Thế nhưng oái oăm thay máy PET lại bị niêm phong vì là tang vật vụ án nên bà Thành được hướng dẫn sang bệnh viện khác chụp, khi nào có kết quả thì quay trở lại bác sỹ sẽ đưa ra hướng điều trị.
Các con bà quá sốt ruột nên đã tìm hiểu tại một bệnh viện tư nhân khác thì giá chụp PET/CT ở đây lên tới hơn 20 triệu đồng. Điều này vượt quá khả năng chi trả của gia đình nên bà Thành đành chọn giải pháp chờ nhập viện ung bướu Hà Nội với hy vọng được thanh toán 40% chi phí, sau đó lại xin ra viện để quay lại Bạch Mai điều trị tiếp.
Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội bà cũng chưa được thực hiện chụp ngay vì danh sách người chờ quá dài. Bệnh viện Ung bướu hẹn khi nào có máy sẽ liên lạc.
Bệnh nhân này mệt mỏi cho biết, nếu kết quả chưa di căn thì chỉ cần xạ trị, còn bệnh ở giai đoạn muộn thì buộc phải theo phác đồ điều trị khác. Bà lo lắng với việc chờ đợi lâu như thế không biết có khiến tình trạng bệnh nặng thêm không?.
Bệnh nhân phải xạ trị vào ban đêm
PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết có hơn một nghìn bệnh nhân ung thư phải gửi sang các bệnh viện khác chụp chiếu. Hay như hệ thống nội soi tiêu hóa hỏng, xuống cấp, mỗi ngày có 800-1.000 người bệnh có chỉ định nội soi nhưng cố lắm chỉ thực hiện được nửa, quá nửa.
Trường hợp bà Thành cũng chỉ là một trong số hàng ngàn bệnh nhân đang khám, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai bị ảnh hưởng trong suốt thời gian qua.
Bệnh nhân xếp hàng chờ được chụp chiếu tại Bệnh viện Bạch Mai
Ông cho biết, nguyên nhân do thiếu thiết bị điều trị ung thư, bệnh viện phải chuyển một lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp chiếu, xạ trị... Trong khi đó, mỗi lần chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác là một lần chuyển bảo hiểm y tế rất khó khăn. Chưa kể, bệnh nhân ung thư không được điều trị sớm thì lỡ thời gian vàng, ảnh hưởng kết quả điều trị.
Chia sẻ rõ thêm với phóng viên Infonet về những khó khăn,, lãnh đạo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, là một trong những trung tâm hàng đầu trong chẩn đoán và điều trị cả hai chuyên ngành Y học hạt nhân và Ung bướu nhưng hiện nay các trang thiết bị đang thiếu rất nhiều.
Cụ thể, hệ thống máy PET/CT và Gamma knife trước đây đang hoạt động tốt thì đã dừng hoạt động từ 11/2020. Hiện nay cơ quan công an đã có văn bản trả lời về việc đưa vào sử dụng các hệ thống máy móc này, tuy nhiên, Bệnh viện đang rất vướng mắc các thủ tục, cơ chế để đưa vào hoạt động.
“Các hệ thống máy móc xã hội hoá đã hỏng, hết hạn sử dụng và được đưa ra khỏi khuôn viên bệnh viện là 1 máy xạ trị gia tốc, 1 máy SPECT. Thiết bị đang hỏng là 1 máy SPECT.
Những thiết bị chuyên sâu, kĩ thuật cao này rất đắt tiền. Để trang bị cần vài trăm tỉ đồng nhưng bệnh viện chưa có nguồn kinh phí nào để đầu tư, mua sắm các thiết bị này.
Những khó khăn về thiết bị đã ảnh hưởng lớn đến quá trình chẩn đoán và điều trị. Các bệnh nhân phải chuyển sang các bệnh viện lân cận để tiếp tục quá trình chẩn đoán và điều trị gây bức xúc cho người bệnh và tâm tư cho nhân viên y tế khi không được làm những gì tốt nhất, sớm nhất cho người bệnh”, lãnh đạo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai buồn bã thông tin.
Về thuốc và vật tư, lãnh đạo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết trước đây cũng xảy ra tình trạng thiếu, tuy nhiên, ban giám đốc bệnh viện đã cố gắng nỗ lực rất nhiều trong thời gian vừa qua. Cho đến nay các thuốc thiết yếu đã đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh.
Chia sẻ với phóng viên, Ths. BS Chu Văn Tuynh, Trưởng khoa Y học hạt nhân cho biết, trung bình máy PET đặt tại viện chỉ chụp được tối đa 24 bệnh nhân một ngày. Thời điểm tháng 8 do máy đưa vào bảo dưỡng mà lượng bệnh nhân có nhu cầu chụp từ các tỉnh, kể cả bệnh viện Bạch Mai chuyển sang đông nên danh sách bị dồn lại.
Sau khi bảo trì xong, bệnh viện tăng cường làm cả ngày thứ 7, chủ nhật nên theo BS Tuynh đến nay tình trạng chờ đợi của bệnh nhân cũng cải thiện được phần nào. Hiện danh sách còn khoảng hơn 50 bệnh nhân chụp PET/CT., trong tuần tới sẽ giải quyết nốt.
Dù tình trạng xếp hàng chờ đợi chụp PET/CT tại bệnh viện này theo lãnh đạo khoa cho biết đã được cải thiện nhưng tại khoa xạ trị lại quá tải bệnh nhân.
“Bệnh nhân phải xạ trị vào ban đêm, do máy gia tốc ở bên BV Bạch Mai không có nên lượng lớn bệnh nhân sang đây nhiều”, một bác sĩ cho hay.
Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị, rất mong các ban ngành cùng vào cuộc để tháo gỡ các khó khăn, chỉ đạo và hướng dẫn để các hệ thống máy PET/CT, gamma knife sớm đưa vào hoạt động phục vụ người bệnh. Đồng thời có kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị sớm nhất.