Dấu ấn từ những chuyến thăm đặc biệt
Trong suốt quá trình giữ cương vị lãnh đạo Đảng, ngoài những chuyến công du tới các quốc gia mà Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều lịch trình đặc biệt tới 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với Trung Quốc, kể từ khi nhậm chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng 4 lần thăm quốc gia láng giềng vào các năm 2011, 2015, 2017 và 2022. Trong đó, chuyến thăm gần nhất từ ngày 31/10 – 1/11/2022 của Tổng Bí thư đã được báo chí nước bạn dành nhiều mỹ từ như tình hữu nghị đặc biệt, mối quan hệ được nâng lên tầm cao mới hay chuyến công tác đáng kỳ vọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh ngày 31/10/2022. Ảnh: TTXVN
Với Nga, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công du nước này 2 lần vào năm 2014 và 2018. Đồng chí đã gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, quốc phòng và giáo dục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ và phát biểu với báo chí tại Moscow sau hội đàm ngày 6/9/2018. Ảnh: TTXVN
Ông Grigory Lokshin, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga – Việt từng đánh giá, chuyến công du của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở ra trang mới trong quan hệ hai nước. Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã thay đổi “không thể nhận ra”, trở thành một đối tác bình đẳng với Nga, song vẫn duy trì chính sách tốt đẹp với nước này. Hãng thông tấn Regnum khi đó đã trích lời Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin đánh giá chuyến thăm không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa quốc hội hai nước, mà còn tạo ra xung lực mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga – Việt.
Với Mỹ, năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến thăm lịch sử tới xứ cờ hoa, gặp gỡ Tổng thống Barack Obama và nhiều lãnh đạo cấp cao khác. Điều đặc biệt trong chuyến thăm này là việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chính khách nước ngoài duy nhất chỉ mang chức danh người đứng đầu một chính đảng chứ không mang chức danh người đứng đầu nhà nước hội đàm chính thức với tổng thống Mỹ trong phòng Bầu Dục (nơi chỉ tiếp nguyên thủ quốc gia) từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay.
Dư luận quốc tế đều bày tỏ sự ngạc nhiên về việc cuộc hội đàm và gặp gỡ báo chí của hai vị lãnh đạo cao nhất của hai nước kéo dài gần 95 phút, vốn dự kiến ban đầu khoảng 45 phút. Chuyến thăm đã tạo tiền đề cho việc nâng cấp quan hệ hai bên. Báo chí quốc tế nhận định chuyến thăm này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, và an ninh.
Tổng thống Obama tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục ngày 7/7/2015. Ảnh: VOV
Với Anh và Pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt thăm hai nước này vào năm 2013 và 2018. Về chuyến thăm Anh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ Thủ tướng David Cameron và thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương. Ở thời điểm đó, báo chí Anh nhận định, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm rất có ý nghĩa khi hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là cơ sở, động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển trong thời gian tới.
Về chuyến thăm Pháp, tờ Les Echos đưa tin, trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp và hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam - một trong những nước năng động nhất ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng trên 6% mỗi năm kể từ đầu thế kỷ 21. Trong khi đó, bà Lisa Sankari, phóng viên tờ l'Humanite - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp nhận định, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Pháp là nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có thể đóng vai trò nhất định trong quá trình giúp Việt Nam mở cánh cửa vào châu Âu…
Các chuyến công du kể trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực từ báo chí quốc tế, đóng góp quan trọng vào việc củng cố và phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế và chiến lược giữa Việt Nam và các quốc gia lớn trên thế giới, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới.
Sự ngưỡng mộ tầm nhìn chiến lược
Cũng theo các nhà phân tích thế giới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, bài bản và luôn hướng về người dân. Đồng chí Walter Sorrentino - Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Brazil, Chủ tịch quỹ Maurício Grabois khi đọc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” được công bố ngày 16/5/2021 đã nói: “Những tổng kết bài bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp sáng niềm tin, làm phong phú thêm kho tàng lý luận và thực tiễn của những người cộng sản và tiến bộ trên toàn thế giới... Chúng tôi rất phấn khởi chứng kiến những thành tựu vĩ đại của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu”.
Còn tác giả Piotr Tsvetov khi đăng bài “Việt Nam tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” trên Báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên bang Nga số ra ngày 17/2/2022 đã nhận định, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự xác nhận rõ ràng về tinh thần nghiêm túc trong công việc mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng thực hiện, nhằm xác định mục tiêu, nhiệm vụ của những người đảng viên và toàn thể dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất bản bằng 7 ngoại ngữ. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Triệu Tự Sinh - Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu so sánh chính đảng thế giới, trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thì nhận định: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thời gian dài làm công tác nghiên cứu lý luận của Đảng, là nhà lý luận có uy tín cao trong giới lý luận của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có quá trình làm chính trị phong phú, là người thúc đẩy và là “người cầm lái” cho sự nghiệp đổi mới và xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.
Một trong những thành tựu nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được báo chí quốc tế liên tục nhắc tới chính là công cuộc chống tham nhũng. Trong thư chúc mừng nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
“Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Trên tinh thần tăng cường quan hệ giữa hai nước, tôi cũng mong Ngài lưu tâm đến tầm quan trọng của việc đạt những tiến triển trong các vấn đề quan trọng như nhân quyền, tự do tôn giáo và thương mại”, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ.
Bài viết “Việt Nam tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” của tác giả Piotr Tsvetov trên Báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên bang Nga số ra ngày 17/2/2022.
Đánh giá sâu về công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam, trang tin The Times of India trong bài viết “Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam - Những bước tiến và những thách thức” đã cho rằng, chống tham nhũng, sai phạm là vô cùng quan trọng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thấy rõ công cuộc chống tham nhũng cần là một tiến trình không ngừng nghỉ và là một yếu tố quan trọng để ứng phó với những thách thức trong giai đoạn tới. Việt Nam đã cung cấp một bài học quý giá mà các quốc gia khác có thể noi theo, khi tham nhũng đang là vấn nạn phổ biến trên toàn cầu'.
Chung nhận định này, nhà báo Jung Rina thuộc Hãng Thông tấn ASIA bình luận: “Tôi đã xem nhiều bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tôi thấy ông đưa vào nhiều yếu tố đạo đức và đạo lý. Ông cho biết chống tham nhũng không chỉ là tiêu trừ một quốc nạn mà còn có ý nghĩa giáo dục xã hội, giáo dục con người. Điều này là rất đúng với một xã hội Á Đông vốn coi trọng đạo đức, coi đạo đức là cái gốc, nền tảng tinh thần của xã hội. Chính từ việc đề cao đạo đức, đạo lý, nhấn mạnh đến việc giáo dục con người thanh liêm mà nhằm được vào cái gốc của vấn đề, phòng ngừa được các hành vi tham nhũng, tiêu cực'.