Một kỳ họp thường kỳ của HĐND thành phố Hà Nội.
Tăng đại biểu chuyên trách cho HĐND thành phố
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 20% lên 25%, số lượng Phó Chủ tịch HĐND từ 2 lên tối đa 3; mở rộng thành phần Thường trực HĐND so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của HĐND thành phố.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho thành phố Hà Nội theo dự thảo Luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị là cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố thì cần phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách và tập trung vào việc đổi mới phương thức, cách thức làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.
Về nội dung này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, không giống với nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương khác, chỉ giải quyết những vấn đề quản trị của địa phương, chính quyền Thủ đô phải giải quyết những vấn đề của Thủ đô và cả những vấn đề quốc gia đặt ra với Hà Nội với vai trò, nhiệm vụ là Thủ đô. Do vậy, HĐND thành phố Hà Nội cần có lực lượng đại biểu đông hơn, chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng phải nhiều hơn và tiêu chuẩn đối với người tham gia ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cũng phải cao hơn so với những địa phương khác.
Về quy định trong Luật, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần thiết tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, hiện nay Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định không tăng số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm mà nên tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Do đó, ông Phạm Văn Hòa đề nghị, cần chú trọng tăng số đại biểu HĐND chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho Hà Nội theo dự thảo Luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị.
Còn PGS.TS. Đặng Minh Tuấn (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc tăng cường số lượng đại biểu HĐND chuyên trách cần phù hợp trong tổng thể tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội (hiện nay số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất 40%). Chưa kể, HĐND còn có thêm rất nhiều quyền hạn, nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền đô thi, tăng cường phân cấp, phân quyền, không tổ chức HĐND ở một số đơn vị hành chính.
Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội khảo sát thực tế hệ thống xử lý nước thải tại Cụm Công nghiệp làng nghề Tân Triều (huyện Thanh Trì).
Mạnh dạn giao quyền cho Thường trực HĐND thành phố
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định, HĐND thành phố thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện. Hà Nội được tăng thêm biên chế phù hợp với nhu cầu thực tế. Giao Thường trực HĐND thành phố Hà Nội một số thẩm quyền như quyết định các biện pháp để giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C; quyết định hỗ trợ các cơ quan trung ương để thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn; hỗ trợ các địa phương khác trong trường hợp cần thiết.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho biết, một số ý kiến cho rằng việc quy định cho phép Thường trực HĐND thành phố Hà Nội được quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND trong khi các địa phương khác không được thực hiện là chưa có cơ sở và chưa có tính thuyết phục cao.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, quy định phân cấp và phân quyền cho HĐND thành phố và HĐND quận, huyện, thị xã trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là tương đối lớn. Như các lĩnh vực tài chính ngân sách, tài nguyên môi trường, văn hóa giáo dục, chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C, một số các thẩm quyền liên quan đến thành lập, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính của phường. “Chúng tôi thấy các quy định do thành phố đề xuất là phù hợp, những quy định trong Luật đặc thù của Hà Nội vẫn vượt trội hơn so với các quy định tại các Nghị quyết đang áp dụng tại Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh”, Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Văn Hải nêu quan điểm, cần mạnh dạn giao quyền cho Thường trực HĐND thành phố để thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ. Ví dụ, giữa 2 kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố có thể quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa hay đất rừng để giải quyết một số dự án cần thiết chuyển đổi mục đích sử dụng đất; điều chỉnh chủ trương, quyết định chủ trương đầu tư mới xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa; kể cả kế hoạch đầu tư công cũng có thể giao nhiệm vụ cho Thường trực HĐND quyết định và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Ông Mai Văn Hải đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung thêm nội dung này nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực phát triển Thủ đô.
Thảo luận tại tổ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc phân cấp, phân quyền cho Thường trực HĐND thành phố là vấn đề cần thiết với riêng Thủ đô và cần thí điểm như một mô hình. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND thành phố. “Thực tiễn Hà Nội làm tốt thì sau này cần phổ quát hóa bởi tình hình xã hội thay đổi, diễn biến nhanh, trong khi cứ chờ kỳ họp HĐND hoặc kỳ họp bất thường thì cũng rất khó khăn trong xử lý các nhiệm vụ”, Chủ tịch Quốc hội nói.