Trước khi mở tòa, Hội đồng xét xử đã triệu tập hợp lệ nhiều người, nhưng tại phiên tòa, chỉ có 4 nhân chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt. Nhưng tòa án không công bố những người có mặt là ai.
Hai bị cáo Sâm và My tại phiên tòa ngày 14/7.
Theo cáo trạng, bị cáo Sâm là tổ trưởng và bị cáo My là tổ phó được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề thi môn Sinh học. Do hai bị cáo Sâm và My tham gia tổ xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và Hội đồng ra đề các năm 2019 và 2020 nên biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên.
Năm 2021, hai bị cáo lợi dụng việc được giao đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, sau đó sắp xếp vào các vị trí để được rút ra làm nguồn đề thi chính thức, đồng thời định hướng chọn các tổ hợp câu hỏi do mình biên soạn để xây dựng thành đề thi chính thức. Hai bị cáo còn dùng câu hỏi trên làm tài liệu ôn thi cho 8 học sinh có mối quan hệ họ hàng, thân quen.
Cơ quan tố tụng xác định, đề thi chính thức kỳ thi THPT năm 2021 giống với các câu hỏi do hai bị cáo soạn thảo, biên tập từ 70% đến 95%. Quá trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận một số yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học. Tháng 8/2021, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo kiểm tra, lập tổ công tác xác minh, làm rõ các yếu tố liên quan.
Khai báo tại phiên tòa, bị cáo Sâm cho biết, sau khi nghỉ hưu, nhiều năm liền bị cáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo tín nhiệm mời tham gia ra đề thi, làm Tổ trưởng. Năm 2021, công tác ra đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo chia làm 5 đợt, mỗi đợt khoảng một tuần, tổ ra đề mỗi đợt có khoảng 10 thầy giáo, cô giáo khắp cả nước. Người ở xa có chế độ ở lại khách sạn, những giáo viên ở Hà Nội như bị cáo Sâm, sáng đi chiều về. Tất cả đều được phổ biến và ký cam kết về việc bảo mật công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi.
Trong các đợt làm đề, bị cáo Sâm được tổ phó là bị cáo My ba lần đưa các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được các thành viên biên soạn, đưa vào xây dựng ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Sau đó, bị cáo Sâm trực tiếp chỉnh sửa, đưa cho bị cáo My để đánh máy, in ra thành bản cứng tại nhà riêng.
Khai tại tòa, bị cáo Sâm cho rằng, bị cáo không chủ động bàn tán gì với My, cũng không có động cơ gì cả. Bị cáo gần 80 tuổi rồi, chỉ muốn ra câu hỏi tốt, hết mình vì kỳ thi thôi chứ không có mục đích gì.
Bị cáo Sâm cho rằng, mình không biết gì về máy tính, cũng không hiểu gì về quy luật chọn rút câu hỏi của phần mềm quản lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, nên nhờ bị cáo My lưu các câu hỏi vào máy tính.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định, bị cáo Sâm và bị cáo My đã thống nhất sắp xếp câu hỏi do mình biên soạn, biên tập vào các vị trí ngắm sẵn với mục đích, khi được chọn thì sẽ cùng một tổ hợp. Sau đó, khi tham gia Hội đồng ra đề thi, họ sẽ chọn các tổ hợp câu hỏi này để làm đề thi chính thức. Kết quả là bộ câu hỏi họ chuẩn bị đã được chọn làm đề thi chính thức.
Bị cáo Sâm thừa nhận việc mang các câu hỏi này dạy cho 4 học sinh sắp thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhưng cho rằng, không đưa tài liệu gì cho các thí sinh. Nhưng sau khi chủ tọa chất vấn, bị cáo Sâm đã sửa lời khai: “Bị cáo bảo chỉ cho các cháu thí sinh mượn photocopy lại tài liệu câu hỏi mình và bị cáo My trao đổi trước đó”.
Trước bục khai báo, bị cáo Sâm trải lòng về 50 năm giảng dạy tâm huyết, luôn được kính trọng, đề cao, kể cả khi dạy ôn thi cho 4 học sinh trên cũng không vì vật chất. Món quà duy nhất bị cáo nhận là hộp sâm phụ huynh học sinh biếu và bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra sau khi bị khởi tố. “Tôi chỉ là ông giáo viên già, chưa có sai lầm gì đáng tiếc. Tôi rất ân hận, đau khổ khi để xảy ra vụ án này”, bị cáo Sâm nói đầy tâm trạng.
Tại phiên tòa, bị cáo My phủ nhận việc biết quy luật lựa chọn đề thi của máy chủ với lý do, năm 2021 là năm đầu tiên bị cáo biết đến chiếc máy đó. Các năm trước, việc sắp xếp bản cứng câu hỏi, bà thực hiện thủ công, hơn nữa cũng do từng thành viên trong tổ ra đề thi tự xếp vào 40 ô ngẫu nhiên, chứ bị cáo không có quyền can thiệp nội dung.
Về việc mang câu hỏi trong đề thi do mình xây dựng để dạy cho 4 học sinh, bị cáo My cho rằng: “Từ lúc nghỉ hưu, tôi luôn tuyên bố rõ không dạy thêm hay ôn cho ai. Tôi chỉ tư vấn phương pháp ôn thi, đánh giá mức độ giải bài tập, hiểu lý thuyết của các cháu thế nào”.
Bị cáo My khai, các kiến thức trong các buổi tư vấn cho thí sinh cũng chỉ là kiến thức sách giáo khoa và những câu hỏi bị cáo soạn trong sách khi còn đi dạy học, nên việc trùng nội dung không thể tránh khỏi.
“Người duy nhất được tôi đưa tập tài liệu câu hỏi là một phụ huynh học sinh, cũng là cán bộ của Bộ Giáo dục Đào tạo, nhưng sau đó tôi đã thu lại luôn”, bị cáo My khẳng định.
Giải thích về việc tiêu hủy chiếc USB, bị cáo My cho rằng, vì bị cáo ý thức được USB chứa nội dung bảo mật, không muốn bị lộ lọt mới tiêu hủy, chứ không có động cơ làm khó cơ quan điều tra.
Hội đồng xét xử giải thích, dù vô tình hay hữu ý thì bị cáo My với trách nhiệm là tổ phó xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, những câu hỏi đã đưa vào đề thì không được phép mang giảng dạy.
Sau khi phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của hai bị cáo cũng như áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo My 13 tháng 4 ngày tù; bị cáo Sâm 12 tháng cải tạo không giam giữ cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.