Chưa đến 30 đã sợ 'gần' chồng
BSCK I Hồ Văn Thắng - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết, rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng, trong đó không ít cặp còn rất trẻ đến khám tại bệnh viện và phát hiện nguyên nhân khó có con xuất phát từ hội chứng suy buồng trứng của người vợ.
Trường hợp 29 tuổi ở Hà Nội mới đây là ví dụ điển hình. Lấy chồng năm 20 tuổi rồi có con ngay sau đó, 4 năm sau chồng Hương muốn sinh thêm con, nhưng càng 'thả' càng không thấy.
Sở dĩ có điều này là vì bản thân cô cũng không còn mặn mà chuyện 'chăn gối' nên những lần làm 'chuyện ấy' chỉ chồng Hương nỗ lực còn cô thường chỉ 'giả vờ' cho... xong.
“Chồng từng hậm hực, nghi ngờ… thậm chí âm thầm thuê người theo dõi sợ tôi có người khác. Nhưng thực tế tôi không hề có ai, vẫn chu toàn cho gia đình nhưng đúng là chuyện ấy thì… không còn hứng thú gì nữa”, Hương kể.
Biết mình có vấn đề về sức khoẻ nhưng cô nghĩ do áp lực công việc nên lần lữa không chịu đi khám. Chỉ đến khi chồng giục quá nhiều, gần như “ép” thì hai vợ chồng đến viện. Lúc này cô mới té ngửa việc mình nguội lạnh chuyện chăn gối, không thể có con... chỉ là do suy buồng trứng sớm.
BS khám cho bệnh nhân.
BSCKI Hồ Văn Thắng cho biết thêm, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới với hai chức năng cơ bản: nội tiết để sản xuất ra các hormon sinh dục, quy định các đặc tính sinh dục - sinh lý nữ và ngoại tiết để sản xuất trứng phục vụ cho quá trình sinh sản.
“Một buồng trứng hoạt động bình thường sẽ giúp cho người phụ nữ có đời sống sinh dục, sinh lý và sinh sản bình thường.
Với nam giới, tinh trùng được sản xuất liên tục từ lúc dậy thì giúp đời sống sinh sản của người đàn ông rất dài, thậm chí đến lúc tuổi già nếu vẫn quan hệ được.
Phụ nữ thì lại thiệt thòi hơn khi ngay từ lúc còn là bào thai khoảng 20 tuần, sự phân chia gia tăng số lượng trứng ở hai buồng trứng đã dừng lại và mỗi phụ nữ sinh ra sẽ có khoảng 1 đến 2 triệu trứng. Số lượng này sẽ giảm dần và khi bước vào tuổi dậy thì chỉ còn khoảng 300.000 – 400.000 trứng”, BS Thắng cho hay.
Hơn thế nữa, theo chu kỳ kinh hàng tháng, các nang trứng sẽ phát triển, rụng trứng hoặc thoái hóa dần làm cho số lượng nang trứng dự trữ giảm dần. Thường là sau 45 tuổi, khi đó, số lượng nang trứng giảm đến mức “cạn đáy” và phụ nữ sẽ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
Khi đó, người phụ nữ không còn khả năng sinh sản vì không còn nang trứng dự trữ, đồng thời sự sản xuất các hormon sinh dục nữ giảm sút làm suy giảm các hoạt động sinh lý nữ.
Cách nào phòng ngừa?
Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều chị em dù tuổi còn trẻ đã bị suy giảm buồng trứng sớm. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của nữ giới, đặc biệt trong cuộc sống vợ chồng.
“Chị em mất tự tin vào bản thân do thần sắc giảm sút, cơ thể thiếu sức sống, ảnh hưởng tới chuyện chăn gối hàng ngày do không có ham muốn tình dục và không thể đạt các khoái cảm khi giao hợp.
Đáng lo hơn, hội chứng suy buồng trứng sớm còn cản trở chức năng sinh sản ở nữ giới do trứng không thể sản sinh và phóng noãn để thụ tinh, là nguyên nhân gây ra tình trạng hiếm muộn rất phổ biến”, BS Thắng cảnh báo.
BS Thắng cũng nhấn mạnh, hiện nay, chưa có phương pháp điều trị nào có thể phục hồi được hoạt động chức năng buồng trứng. Thông thường, các điều trị mang mục đích giải quyết các triệu chứng của bệnh và điều trị hiếm muộn như:
Điều trị hormon thay thế nhằm giảm bớt các triệu chứng của mãn kinh: rối loạn vận mạch, rối loạn tình dục…Tuy nhiên, việc điều trị hormon thay thế cần cân nhắc rất kỹ lưỡng vì bên cạnh tác dụng cải thiện chất lượng cuộc sống thì cũng có nguy cơ gây một số biến chứng nhất định. Bệnh nhân cần được sự thăm khám và chỉ định điều trị từ bác sỹ chuyên khoa.
Nhờ đến sự can thiệp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản: việc can thiệp hỗ trợ sinh sản sớm sẽ giúp tăng khả năng có thai và giảm chi phí đều trị vì quá trình suy buồng trứng vẫn liên tục tiếp diễn.Với trường hợp buồng trứng suy nặng không còn nang trứng dự trữ, buồng trứng đáp ứng kém để có thai cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm xin trứng.
Do đó, bác sĩ Thắng khuyến cáo phụ nữ nên kết hôn và sinh con sớm trước 35 tuổi. Phụ nữ dưới 35 tuổi nếu sau 1 năm kết hôn, chung sống hoặc phụ nữ trên 35 tuổi sau 6 tháng chung sống không dùng biện pháp tránh thai mà chưa có thai cần đi khám chuyên khoa để phát hiện sớm tình trạng suy buồng trứng và điều trị hỗ trợ sinh sản kịp thời.
Suy buồng trứng sớm thường có biểu hiện tương tự như khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh với các dấu hiệu điển hình là: Rối loạn kinh nguyệt: Kinh ít dần, kinh thưa không đều thậm chí mất kinh; Giảm ham muốn tình dục, khô rát âm đạo; Rối loạn vận mạch: Bốc hoả, nóng bừng mặt, hay đổ mồ hôi trộm; Ngoài ra còn có biểu hiện rối loạn tiết niệu, loãng xương, khó tập trung, dễ kích động…
Tuy nhiên, có những trường hợp suy buồng trứng đến rất từ từ, không có triệu chứng gì, bệnh nhân chỉ phát hiện ra khi thăm khám vì hiếm muộn. Do đó, chị em có dấu hiệu bất thường nên đi khám sớm.
Để phòng ngừa suy buồng trứng sớm, BS Hồ Văn Thắng khuyến cáo chị em nên thăm khám phụ khoa, sức khỏe sinh sản ngay khi có các dấu hiệu bất thường hoặc định kỳ 6 tháng/lần để có thể sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng.
Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục, sử dụng các biện pháp phòng tránh bệnh lý lây truyền qua đường tình dục. Khi có các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa cần can thiệp điều trị triệt để, tránh tái đi tái lại.
Hạn chế, phòng tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, phóng xạ. Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê, cocain, các chất gây nghiện… Đặc biệt chị em cần có chế độ sinh hoạt và làm việc cân đối khoa học, hạn chế tối đa các căng thẳng, áp lực quá mức đặc biệt là tránh các stress tâm lý kéo dài....Đặc biệt, chị em không lạm dụng các loại thuốc nội tiết không rõ nguồn gốc hoặc không theo chỉ định của bác sĩ.