Thông tin vừa được chia sẻ tại chương trình 'Tư vấn trực tuyến: Trữ trứng, trữ tinh trùng và điều trị hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp đặc biệt' do BVĐK Tâm Anh phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam tổ chức. Rất nhiều khán giả nữ, muốn tìm hiểu công nghệ hỗ trợ sinh sản giúp họ thỏa ước mơ làm mẹ.
ThS.BS CKI Phạm Thị Bảo Yến, Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, dựa trên đặc điểm tuổi tác, sức khỏe sinh sản, bác sĩ sẽ tư vấn cho chị em thực hiện IUI hay IVF để sinh con. Tuy nhiên, nếu đi xin tinh trùng làm mẹ đơn thân, bác sĩ Yến khuyến cáo chị em nên chọn phương án có tỷ lệ thành công cao nhất để điều trị hiệu quả, có cơ hội mang thai ngay lần đầu chuyển phôi. Theo thống kê, phụ nữ trên 35 tuổi tỷ lệ thành công chuyển phôi chu kỳ đầu thì 60-65% còn IUI 20-25%.
Đặc điểm chung của phụ nữ làm mẹ đơn thân tại IVF Tâm Anh thường có kinh tế ổn định, từ 30-50 tuổi. Ngoài ra, cũng tiếp nhận nhiều trường hợp phụ nữ trẻ, dưới 30 tuổi, có nguyện vọng làm mẹ đơn thân. Trường hợp gần nhất được BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh tư vấn điều trị mới 28 tuổi, hiện đã mang thai 8 tuần.
ThS.BS.CKI Phạm Thị Bảo Yến tư vấn cho phụ nữ trên 35 tuổi muốn làm mẹ đơn thân.
Tại buổi tư vấn trực tuyến, khán giả Trần Thị Ngọc gửi câu hỏi, chị đã 42 tuổi nhưng chưa có con, vợ chồng đã ly hôn. Năm 2021, chị đã làm thụ tinh ống nghiệm (IVF) làm mẹ đơn thân nhưng kết quả sàng lọc phôi thì 5 phôi đều có vấn đề về nhiễm sắc thể. Chị Ngọc, mong muốn được bác sĩ tư vấn, cách giúp chị có con.
BS.CKII Vũ Nhật Khang, IVF Tâm Anh cho biết, trường hợp chị Ngọc 42 tuổi số lượng chất lượng trứng giảm nhiều, minh chứng là số lượng phôi bất thường nhiễm sắc thể. Để tiếp tục giúp chị Ngọc nuôi ước mơ sinh con, tại IVFTA sẽ gom từ 15-20 trứng, tạo ra phôi, sau đó đưa sinh thiết phôi kiểm tra, sau đó chọn được phôi bình thường và tiến hành chuyển phôi thì khả năng thành công cao hơn, giảm được nguy cơ thai lưu, sảy thai.
Bác sĩ Khang nói thêm, nhờ công nghệ xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, thời gian qua nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có bất thường di truyền đều có thể sinh con khỏe mạnh qua việc chủ động sàng lọc trước chuyển phôi.
BS CKII Vũ Nhật Khang động viên phụ nữ sau đổ vỡ hôn nhân có quyền sinh con nhờ IVF.
Trường hợp khác là chị Ruby Nguyễn gửi câu hỏi xin tư vấn chị không còn khả năng sinh sản, muốn xin trứng sinh con thì có được công nhận là con của mình.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú, IVFTA cho biết, nếu phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng, người bệnh được tư vấn điều trị gom trứng. Đối với trường hợp không thể gom trứng, bác sĩ sẽ tư vấn xin trứng. Người bệnh dẫn người có khả năng hiến trứng đến gặp bác sĩ thăm khám đánh giá xem đủ điều kiện hiến không. Sau đó sẽ tiến hành kích thích buồng trứng, tạo phôi và chuyển phôi vào tử cung người xin trứng. Bản thân người xin và người hiến sẽ được khám tâm lý, đây không phải khám đánh giá sức khỏe tâm thần mà là tham vấn về quá trình sinh và nuôi dưỡng em bé sau này.
BS Phạm Thị Mỹ Tú trả lời thắc mắc về quyền làm mẹ đối với phụ nữ xin trứng sinh con.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ cũng chia sẻ khó khăn thực sự đối với nam giới xin tinh trùng sinh con. Nếu như phụ nữ xin noãn để mang thai, trải qua 9 tháng 10 ngày nuôi dưỡng tử cung, sử dụng dinh dưỡng người mẹ để lớn lên, em bé chẳng khác nào đứa con dứt ruột đẻ ra. Nhưng, với một người đàn ông khi có chỉ định đi xin tinh trùng. Bác sĩ thấy được sự đau khổ, cô độc. Họ sẽ khó kết nối với đứa trẻ, không có nhiều cơ hội cảm nhận quá trình mang thai như người phụ nữ xin trứng.
BS Ngô Đình Triệu Vỹ động viên những cặp vợ chồng sinh con từ kỹ thuật xin trứng, xin tinh trùng.
Bác sĩ sẽ động viên, tình cảm gắn kết theo thời gian, trẻ con như tờ giấy, nếu cha mẹ đủ tình yêu, bao dung thì dù khác biệt với vợ chồng, nhưng luật pháp công nhận đó là con của họ.
Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có sự tham gia của bên thứ ba là bên cho trứng, cho tinh trùng, cho phôi. Thực tế, bên thứ ba là cha mẹ sinh học của đứa trẻ sinh ra. Điều này làm ảnh hưởng đến quan niệm truyền thống về xác định cha, mẹ, con. Vì vậy mà pháp luật đã quy định giữa con được sinh ra và người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi không tồn tại bất cứ quyền và nghĩa vụ nào, con sinh ra không được hưởng quyền yêu cầu thừa kế, quyền được nuôi dưỡng với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi.