Ngay cả trong thời đại bây giờ, việc một người đàn ông cưới cả hai chị em trong một gia đình vẫn là đề tài đáng để đưa ra bàn luận. Hàng chục năm trước, câu chuyện này đã từng trở thành một chủ đề khiến biết bao học giả phải lên tiếng. Đơn giản bởi người làm ra hành vi ấy là một nhân vật có tiếng.
Người đàn ông nghèo cưới được tiểu thư nhà giàu
Đàm Hy Hồng là nhà tiên phong trong lĩnh vực sinh học hiện đại ở Trung Quốc. Ông thành lập nên Khoa Sinh học của Đại Học Bắc Kinh.
Họ Đàm sinh ra trong một gia đình nghèo ở Giang Tô (Trung Quốc). Trước khi ông sinh ra, cha ông đã đến Thượng Hải để làm nhân viên trong một quán trà. Năm ông 4 tuổi, cha qua đời nên cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn, thậm chí được coi là 'nghèo tột đỉnh'. Chuyện ăn uống còn lo không đủ nên chuyện cho Đàm Hy Hồng đi học là điều xa vời.
Tuy nhiên, từ những ngày đi học lỏm, ông đã cố gắng tự học tiếng Anh và đọc sách về kiến thức Lý, Hóa. Sau này, nhờ một người giúp đỡ, Đàm Hy Hồng được đến trường và nhanh chóng bộc lộ năng lực cũng như khả năng đối với các môn học tự nhiên của mình.
Năm 1912, ông nhận được học bổng đi du học tại Pháp chuyên ngành sinh học. Tại đây, ông đã làm quen được với nàng tiểu thư giàu có Trần Vỹ Quân.
Trần Vỹ Quân xuất thân trong một gia đình giàu có bậc nhất. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã có người dạy tiếng Trung và tiếng Anh chuyên nghiệp. Sau này, bà cũng sang Pháp du học.
Đối với một tiểu thư xuất thân trong nhung lụa, chứng kiến nỗ lực và sự vươn lên của một người đàn ông từ trong nghèo khổ thì bà ngưỡng mộ vô cùng. Hai bên dần dần qua lại rồi nảy sinh tình yêu lúc nào không hay.
Thế nhưng chị gái của Trần Vỹ Quân - người đang đi du học với em gái lại không đồng tình với mối quan hệ này. Người chị đã ra sức phản đối quyết liệt. Trong tình yêu, càng cấm cản thì sự mãnh liệt của nó càng trở nên vượt trội hơn. Trần Vỹ Quân cũng là người có quan điểm riêng và quyết tâm được ở bên cạnh Đàm Hy Hồng.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đến năm 1917, cặp đôi quyết định kết hôn tại Paris, bắt đầu giai đoạn mới cho mối quan hệ của mình. Người chị gái không thể tiếp tục ngăn cản được nữa đành đồng ý.
Hai năm sau đó, cặp đôi về Trung Quốc, Đàm Hy Hồng giảng dạy ở Đại học Bắc Kinh. Thời gian này, tài năng của họ Đàm cũng biết đến rộng rãi hơn, sự nghiệp ngày càng tấn tới.
Chân dung Đàm Hy Hồng.
Cuộc sống hôn nhân của họ cũng được đánh giá là hạnh phúc với hai đứa con được sinh ra. Trần Vỹ Quân dường như đã đưa ra sự lựa chọn đúng cho người đàn ông của cuộc đời.
Thế nhưng bão tố ập đến, năm 1922, bà đã chết vì bệnh ban đỏ. Lúc đó, một đứa bé của họ hơn 2 tuổi còn bé còn lại mới chỉ vài tháng tuổi. Cú sốc mất vợ khiến Đàm Hy Hồng bị sốc và đổ bệnh, ông phải ngừng chuyện giảng dạy một thời gian.
Sau khi Trần Vỹ Quân qua đời, mối quan hệ giữa Đàm Hy Hồng và nhà vợ dường như chấm dứt vì nhà họ Trần không hài lòng với ông, cho rằng ông không chăm sóc tốt cho vợ nên bà mới mất sớm.
Tái hôn với em gái vợ sau 6 tháng vợ mất
Mùa Thu cùng năm Trần Vỹ Quân qua đời, Trần Thục Quân - người em gái cùng cha khác mẹ đã đến Bắc Kinh học Đại học. Khi đó, cô em này đã xin ở nhờ nhà anh rể trong suốt thời gian đầu đến.
Trần Thục Quân ở lại đã giảm nhiều áp lực cho Đàm Hy Hồng trong cả việc giảng dạy hay chăm sóc con nhỏ. Là một người dì, Thục Quân cảm thấy thương cảm cho những đứa cháu mồ côi mẹ từ nhỏ. Bởi vậy, bà đã đảm nhận vai trò của một người mẹ thay chị gái, dành cho các cháu những sự chăm sóc ấm áp.
Dần dần, ngôi nhà như có thêm sinh khí mới. Nó không còn vắng vẻ, quạnh quẽ như khi Trần Vỹ Quân mới qua đời mà ấm áp hơn, có hương vị gia đình hơn. Sau đó 2 tháng, Đàm Hy Hồng quyết định cưới Trần Thục Quân. Điều đáng nói, lúc ấy chỉ mới nửa năm kể từ khi vợ cả qua đời.
Tin tức này được tung ra đã gây nên những chấn động lớn. Người chị gái năm xưa lại càng bức xúc nhiều hơn vì không ngờ một cô em khác của mình lại hồ đồ đến thế.
Ngôi nhà mà Trần Thục Quân đến ở nhờ anh rể tại Bắc Kinh.
Ngày nay, việc một người đàn ông vợ mất nửa năm thì cưới em gái vợ chắc chắn còn bị người đời chỉ trích thì gần cả trăm năm trước, điều này như một 'quả bom' vậy. Đàm Hy Hồng bị chế nhạo ở khắp mọi nơi.
Trong tình cảnh đó, một sự việc rùm beng khác xuất hiện. Một người đàn ông đã đến nơi Đàm Hy Hồng làm việc và gây ồn ào. Anh ta nói rằng mình là bạn trai của Trần Thục Quân, cả hai đã tính đến chuyện kết hôn rồi nhưng bị Đàm Hy Hồng chen ngang.
Người đàn ông này còn lên báo đăng đàn, công khai tố cáo Đàm Hy Hồng 'mặt người dạ thú'.
Ngay sau khi tin tức này được tung ra, tình cảnh của đôi vợ chồng mới cưới càng trở nên khổ sở. Câu chuyện giữa cả hai đã trở thành Trần Thục Quân bỏ người yêu theo anh rể, họ có mối quan hệ khi Trần Vỹ Quân còn chưa qua đời.
Rất nhiều người bàn tán về vấn đề này, thậm chí các giáo sư còn chia thành hai phe ý kiến nửa đồng tình, nửa phản đối.
Đối mặt với tất cả những điều đó, Đàm Hy Hồng chỉ im lặng. Ông không hề quan tâm đến những điều bên ngoài, vẫn ngày ngày đi làm, cống hiến cho khoa học, đêm về nhà vui vầy bên vợ con. Theo tư tưởng của ông, tất cả những gì sai trái thì sớm muộn cũng tan biến bởi không có sự thật 'chống lưng' thì nó chẳng thể tổn tại lâu dài.
Chân dung Trần Thục Quân.
Mặt khác, Đàm Hy Hồng cũng hiểu rằng đối với một người đàn ông bị cho là sai trái như mình thì càng lên tiếng lại càng tự bôi đen. Khi mọi chuyện dần dần lắng xuống, Trần Thục Quân đã mạnh dạn lên báo để bày tỏ về tất cả chuyện này.
Đầu tiên, bà phủ nhận mình yêu người đàn ông kia, phủ nhận chuyện hai bên có hôn ước và tuyên bố về mối quan hệ của mình cùng chồng: 'Tôi và anh ấy kết hôn hoàn toàn là quyền tự do cá nhân và hai bên tự nguyện'. Sự quyết liệt này cũng dần khiến mọi chuyện nguôi ngoai.
Với cuộc hôn nhân này, Đàm Hy Hồng đã được vợ giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống. Cũng chính những sự thu vén đó đã giúp ông an tâm tập trung vào sự nghiệp và có được những thành tích lừng lẫy, nhiều đóng góp lớn cho ngành Sinh học Trung Quốc.
Nguồn: QQ, Kknews