Chiều nay (26/2), phiên xử vụ ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (47 tuổi) sẽ tiếp tục diễn ra.
Con số 51% đầy ẩn ý của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
13 bất động sản đã được vợ chồng ông chủ Trung Nguyên thống nhất phân chia 50/50. Hai vợ chồng này chỉ đang tranh chấp khoản tài sản gần 7.700 tỷ đồng tiền mặt, vàng ở ngân hàng và giá trị cổ phần của Tập đoàn Trung Nguyên .
Với khoản tài sản tranh chấp này, phía ông Vũ đòi phân chia theo tỉ lệ 7/3. Tính theo giá trị thực tế, nếu chia theo tỉ lệ này, bà Thảo sẽ nhận hơn 2.300 tỷ, còn ông Vũ được hơn 5.400 tỷ đồng. Luật sư của ông Vũ cho rằng họ chứng minh được ông Vũ là người sáng lập duy nhất của Tập đoàn, là 'linh hồn của Trung Nguyên' nên ông này phải được phần nhiều.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn được chia tài sản tranh chấp theo tỉ lệ 5/5 kèm 51% tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên.
Trong khi đó, bà Thảo không đồng ý, cho rằng phân chia theo tỉ lệ 7/3 không phù hợp, yêu cầu phân chia tài sản tranh chấp theo tỉ lệ 5/5. Luật sư của bà Thảo cho rằng công sức của bà Thảo đóng góp vào Trung Nguyên cũng không thua kém gì ông Vũ.
Bên cạnh đó, luật sư của bà Thảo con có thêm yêu cầu, đó là chia cho bà Thảo 51% (tương đương 2.114 tỷ đồng) cổ phần trong Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), ông Vũ 39%, phần còn lại là của mẹ và chị gái ông Vũ. Phương án này được luật sư lý giải là nhằm loại trừ khả năng bà Thảo bị ông Vũ loại ra khỏi Trung Nguyên.
Trong khi đó, phía ông Vũ vẫn giữ nguyên tỉ lệ phân chia ban đầu. Ngoài ra luật sư của ông Vũ còn cho rằng bà Thảo đã phát triển một thương hiệu cà phê mới - King Coffee, cạnh tranh với thương hiệu của Trung Nguyên. Với những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng, luật sư cho rằng tòa nên giải quyết cho ông Vũ thanh toán cổ phần của bà Thảo bằng tiền, để vận hành phát triển công ty.
Trước đó, trong phần tranh luận cấp dưỡng nuôi 4 con, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhiều lần yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ chu cấp bằng 20% cổ phần công ty. Qua quá trình tranh luận gay gắt, cả hai đi đến thống nhất đòi ông vũ sẽ chu cấp 10 tỷ đồng/ năm.
Cách mà số phận của Trung Nguyên được định đoạt
Tập đoàn Trung Nguyên là công ty mẹ có 7 công ty con, bao gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.
Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỷ đồng. Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ, gồm nhiều công ty con hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản. Trong đó công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại.
Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment) chiếm 70% cổ phần của công ty mẹ trên. Như vậy ai làm chủ Trung Nguyên Investment sẽ là chủ nhân quyết định của cả Tập đoàn, sẽ là người thắng trong cuộc chiến phân định này.
Ai nắm được quyền quản lý Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, người đó sẽ giữ chi phối được mọi hoạt động của tập đoàn.
Nếu theo đề xuất chia 51% cho bà Thảo của phía nguyên đơn, người phụ nữ này sẽ có quyền chi phối hoạt động của Trung Nguyên Investment và thông qua đó chi phối công ty mẹ và các doanh nghiệp khác trong tập đoàn. Nếu đề xuất này được tòa thông qua, bà Thảo sẽ thắng.
Được biết, hiện cơ cấu cổ phần của Trung Nguyên Investment là ông Vũ đang chiếm giữ 60%, bà Thảo nắm 30%, bà Lê Thị Ước (mẹ ông Vũ) nắm 6,68% và một cá nhân nắm giữ 1,66%. Ngoài ra, ông Vũ còn được hưởng thêm 1,66% cổ phần do cha Đặng Mơ đã mất để lại.
Trên thực tế, nếu chia theo tỷ lệ 5/5, ông Vũ vẫn sẽ có 45% cổ phần, cộng thêm khoản 1,66% được thừa kế. Bến cạnh đó, cộng với số cổ phần của mẹ, ông Vũ nắm giữ ít nhất 53,34% cổ phần. Như vậy với sự hỗ trợ của mẹ, ông Vũ chắc chắn đã nắm giữ chìa khóa để điều hành mọi hoạt động của Trung Nguyên.
Và việc đề xuất phân chia 51% cổ phần tại Trung Nguyên Investment của bà Thảo cũng có phần mâu thuẫn với việc yêu cầu phân chia theo tỷ lệ 5/5 như chính phía đã bà này đã đề nghị ban đầu. Tuy nhiên, việc chia theo tỷ lệ 5/5 cũng sẽ giúp cho bà Thảo có lợi thế khi một cổ đông có cổ phần lớn hơn 35% sẽ có quyền phủ quyết nhiều quyết định quan trọng của công ty này.
Chiều nay, phiên xử sẽ tiếp tục, có thể HĐXX sẽ đưa ra những nhận định liên quan tới phần tranh chấp tài sản.