Có chiến lược ôn thi cụ thể theo từng phần
Để nắm vững kiến thức, học sinh nên ôn tập theo từng dạng bài có trong đề thi:
Về ngữ pháp: Gồm toàn bộ các kiến thức cơ bản có trong chương trình PTTH, trong đó có: Các thì, từ vựng (cụmđộng từ, cụm danh từ, giới từ,…), câu điều kiện, câu trực tiếp, gián tiếp, câu bị động, câu đảo ngữ, câu mệnh đề quan hệ, câu rút gọn (dạng chủ động và bị động), các cấu trúc nhấn mạnh…và đặc biệt là câu giả định (subjunctive) và liên từ nối (linking word). Bởi khi bạn chắc ngữ pháp đồng thời với việc bạn sẽ làm tốt cả bài sửa lỗi sai và bài viết lại câu.
Về phát âm và trọng âm: Thí sinh cần thuộc quy tắc đánh trọng âm của các từ 2 âm tiết, một số đuôi đặc biệt (VD: đuôi –tion, đuôi –ee,...) và quy tắc phát âm của đuôi “s/es”, đuôi “ed”.
Với phần đọc hiểu: Thí sinh cần học lại toàn bộ từ mới và tập đọc, dịch lại toàn bộ các bài đọc trong SGK của cả lớp 10, 11 và 12. Vì hầu hết các bài đọc trong SGK đều theo chủ điểm, nên khi học từ và đọc lại bài, học sinh sẽ nhớ một lượng từ nhất định và có khái niệm cụ thể về từng chủ đề. Nhờ vậy, học sinh sẽ đọc nhanh hơn và đoán từ tốt hơn.
Với phần từ đồng nghĩa và trái nghĩa: Quan trọng nhất khi làm dạng bài này là phải biết từ. Việc học từ có thể được tích lũy trong quá trình ôn bài đọc hiểu.
Thầy Đỗ Minh Trung – giáo viên Tiếng Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong việc luyện thi cho học sinh
Tránh các lỗi sai hay gặp
Rất nhiều thí sinh đã chia sẻ họ thường gặp khó khăn khi làm một số dạng bài dưới đây:
Cụm động từ (phrasal verb): Đây được coi là phần khó nhất trong bài, đòi hỏi học sinh phải học thuộc từng cụm (trong thời gian nước rút tốt nhất nên học những cụm động từ của: get, take, put, go, let...).
Bài đọc: Nhiều bạn gặp trở ngại trong phần này do kĩ năng làm bài đọc kém, hay hấp tấp, và đặc biệt là vốn từ vựng còn nghèo nàn.
Viết lại câu hoặc dùng từ gợi ý viết lại câu hoàn chỉnh: Do chưa vững về cấu trúc câu, không đọc cẩn thận từng đáp án đề bài cho, không để ý “bẫy” được cài cắm trong các đáp án sai nên học sinh cũng hay sai phần bài này.
Sửa lỗi sai: Nhiều học sinh lúng túng không thể lựa chọn được đáp án, bởi các bạn thường không để ý đến cách sửa câu sai, quá tập trung vào phần dịch nghĩa mà quên đi phương pháp để làm dạng câu này.
Bài trọng âm và phát âm, cũng làm các bạn yếu phần nói, và yếu phần phát âm sợ bài này.
Bài đồng nghĩa và trái nghĩa, do lượng từ kém, không đọc kĩ đề bài và nội dung cảu cả câu, cũng dễ khiến học sinh mất điểm của bái này.
Khắc phục ngay những điểm còn yếu
Khi làm bài, học sinh cần đọc cẩn thận từng câu hỏi, không được bỏ sót bất cứ yêu cầu nào của câu hỏi.
Phải xoá ngay những đáp án sai để không lựa chọn nhầm câu trả lời. Riêng đối với bài sửa lỗi sai, học sinh cần phải bỏ đi các đáp án đúng.
Học sinh nên chủ động luyện tập các loại bài tập mà hiện bạn đang yếu hoặc hay sai (chú ý là thời điểm này phải làm dạng câu hỏi trắc nghiệm chứ không phải dạng câu hỏi tự luận) bằng cách liên hệ hoặc nhờ giáo viên tiếng Anh tìm giúp các dạng bài tập này.
Học các mẹo để đưa ra đáp án nhanh
Với một số dạng câu hỏi đặc thù, bạn nên học mẹo để làm cho nhanh, tiết kiệm thời gian cho các phần khác.
Bài đọc: Rèn kỹ năng đọc lướt (skimming) và đọc lấy thông tin (scanning). Hai kỹ năng này sẽ giúp học sinh hiểu được ý chính của bài một cách nhanh nhất. Phương pháp đúng là: đọc tiêu đề bài, đọc câu đầu và cuối mỗi đoạn, sau đó, đọc câu hỏi, gạch chân từ khóa (keyword) của câu hỏi, rồi quay lại đoạn văn để tìm gợi ý (clues).
Viết câu và viết lại câu: Học sinh phải dịch được câu chủ, tìm các đáp án sai để gạch bỏ. Khi chọn được đáp án, phải ra soát lại xem câu đó còn lỗi sai về ngữ pháp nào nữa hay không.
Điền từ: Cần chắc về ngữ pháp, giới từ và dạng từ.
− Hội thoại (speaking – 2 câu): Cần tập trung vào các cách đặt câu hỏi và trả lời của các loại câu như yêu cầu, mời, sai bảo, ra lệnh, khen ngợi...
Ngoài ra, để đạt được điểm cao nhất định, các bạn cần học các dạng: câu giả định (1 câu), câu điều kiện (1 câu), câu bị động (1-2 câu), câu trực tiếp - gián tiếp (1-2 câu), câu đảo ngữ (1-2 câu), câu mệnh đề quan hệ, câu nhấn mạnh…
Có chế độ nghỉ ngơi phù hợp
Dù có ôn tập miệt mài như thế nào, học sinh cũng chỉ có thể tiếp thu kiến thức khi ở trong trạng thái tâm lý tốt nhất. Để có tinh thần thoải mái, học sinh nên ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi một cách hợp lý.