Đây là sản phẩm của nhóm 8 học sinh cùng giáo viên hướng dẫn là cô Nguyễn Thị Quỳnh Phương, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TPHCM. Ảnh: NVCC.
9 năm trên bục giảng, cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TP.HCM) đã đồng hành cùng các thế hệ học trò cho ra đời nhiều dự án mang ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.
Cô Quỳnh Phương chia sẻ, khi mới ra trường chưa có kinh nghiệm, trong 4-5 năm đầu tiên đi dạy, cô vẫn theo lối mòn của phương pháp dạy học truyền thống, truyền thụ kiến thức. Nhiều lần cô chứng kiến học sinh 'than' rằng không hào hứng với việc học môn Hóa của mình, bởi toàn những kiến thức sách vở khô khan, không có ứng dụng trong cuộc sống.
Thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, cô Quỳnh Phương mạnh dạn chủ động đổi mới phương pháp dạy học của mình để giúp học sinh hứng thú hơn với việc học.
Cô chọn định hướng giáo dục STEM (trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) để triển khai bài giảng của mình, giúp học sinh ứng dụng kiến thức trên lớp vào thực tiễn. Theo đó, mỗi năm học, cô sẽ thiết kế, tổ chức 1-2 tiết học STEM cho mỗi lớp. Chủ đề cô Phương thường chọn là thực hiện các sản phẩm tái chế.
Dự án của nhóm giành giải Nhất cuộc thi 'Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020' của Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: NVCC.
Mới đây nhất, cô Quỳnh Phương cùng học trò mình thực hiện Dự án sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía, đã đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm thiết thực, thu hút được một lượng khách hàng nhất định.
Đây là dự án xuất phát từ ý tưởng của em Lương Tâm Như, lớp 12A6 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân. Cách đây 2 năm, khi thực hiện bài tập trong tiết học STEM về sản phẩm tái chế của cô Quỳnh Phương, quan sát thấy bã mía thường được xử lý đốt, gây ảnh hưởng không tốt cho môi trường, sức khỏe của người dân, từ kiến thức được học, em Lương Tâm Như nảy ra ý tưởng tận dụng bã mía để tái chế làm giấy và các sản phẩm handmade.
Ý tưởng đó được sự hỗ trợ của cô Quỳnh Phương đã ngày càng hoàn thiện với nhiều sản phẩm đưa ra thị trường như: tranh, sổ tay, lịch, quai xách ly… Hiện Dự án quy tụ được gần 10 học sinh ở các khối lớp của trường cùng tham gia thực hiện với rất nhiều khâu, từ sản xuất giấy từ nguyên liệu bã mía, trang trí, vẽ tranh đến truyền thông quảng bá sản phẩm, chăm sóc khách hàng... Các sản phẩm của nhóm hiện được giới thiệu, phân phối ra thị trường qua nhiều kênh khác như: hội chợ, triển lãm, mạng xã hội...
Các thành viên trong nhóm phơi, kiểm ra bột giấy. Ảnh: Dân trí.
Em Lương Tâm Như chia sẻ, không chỉ là kiến thức lý thuyết, thông qua các tiết học của cô Quỳnh Phương, em còn có thể ứng dụng được những kiến thức đã học vào thực tế. Môn Hóa học không còn là kiến thức khô khan mà có thể ứng dụng vào đời sống, cho ra đời rất nhiều sản phẩm hữu ích. Thông qua việc thực hiện Dự án, các thành viên trong nhóm còn học được rất nhiều kỹ năng, từ vận dụng kiến thức vào thực tiễn, làm việc nhóm đến các kỹ năng kinh doanh như phân tích nhu cầu thị trường, quảng bá sản phẩm…
'Lượng kiến thức ở mỗi khối lớp sẽ có thể ứng dụng trên thực tế ở những mức độ khác nhau. Ví dụ như ở lớp 10, các em chưa có đủ kiến thức để hoàn thiện một sản phẩm cụ thể, nhưng các em có những ý tưởng rất hay. Giáo viên có thể hướng dẫn, hỗ trợ để khi lên các khối lớp tiếp theo các em tiếp tục phát triển ý tưởng để cho ra đời những sản phẩm thiết thực.
Thực tế, năng lực, sự sáng tạo của học sinh rất lớn, chỉ cần cho các em cơ hội, các em có thể làm được những điều mà mình không nghĩ đến. Vì thế, bản thân giáo viên phải mạnh dạn thay đổi, từ đó sẽ nhận thấy sự thay đổi của học sinh', cô Quỳnh Phương chia sẻ.
Ngày 16/11 vừa qua, Sở GD&ĐT TP.HCM đã tổ chức khen thưởng cho 73 tập thể và 131 tấm gương giáo viên, cán bộ ngành giáo dục đã có thành tích xuất sắc năm 2020. Cô giáo Nguyễn Trần Quỳnh Phương vinh dự là một trong số đại biểu được khen thưởng tại chương trình này.