Đã lâu lắm rồi, có lẽ từ thời của Gạo nếp gạo tẻ mới có một bộ phim truyền hình Việt khiến dân tình 'khẩu nghiệp' nhiều như Về nhà đi con. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, hễ cứ lướt fanpage của Về nhà đi con là người ta lại được dịp hoa mắt chóng mặt với hàng nghìn bình luận đến mức cảm thấy như muốn được uống ngay 'Na tô Pét mãi khắc ghi trong lòng' để chống đột quỵ. Phần nhiều trong các bình luận ấy là những comment mà nhẹ nhàng là nhận xét, mỉa mai, nặng hơn là sỉ vả, chửi rủa các nhân vật vốn có rất nhiều tính từ để mô tả nhưng ngày nay tựu trung lại người ta thường dùng một từ 'hãm' cho cô đọng, súc tích.
Và những nhân vật của Về nhà đi con bị quy trong từ 'hãm' kia có thể kể đến 3 người đàn ông - ba cái tên 'vàng' sau đây:
Khải - chàng trai vàng trong làng cục súc
Hiếm có nhân vật đàn ông nào trên màn ảnh Việt lại được xây dựng với nhiều cái xấu như Khải: ra đường thì rượu chè, cờ bạc, về nhà thì đánh vợ, ghen tuông, công danh sự nghiệp thì không có nhưng lại mắc bệnh hay tưởng tượng là vợ khinh mình, đã xấu lại còn đầu gấu, thích động tay động chân thay vì động não, chẳng coi trên dưới ra gì, một khi đã thích thì bố vợ cũng chửi...
Người ta bảo Chí Phèo xấu người xấu nết nhưng ít ra hắn còn biết cách yêu Thị Nở, trong khi Khải hay được người ta biện hộ rằng thôi ít ra còn yêu vợ, nhưng cách yêu của Khải với Huệ thì đàn bà con gái trên đời này ai cũng muốn tránh xa.
Thậm chí khi phim đã phát sóng được hơn một nửa chặng đường, người ta vẫn chẳng thấy Khải được cái 'nước non' gì. Thế nên mới có chuyện fan Về nhà đi con lập đàn cầu nguyện, ngày ngày 'spam' fanpage của phim chỉ để mong sớm đến ngày Khải trả nghiệp, tình vỡ mộng tan đời tàn tiền mất...
Thời gian đầu, vì khó chịu với câu chuyện dây dưa giữa Huệ và Thành, đâu đó vẫn có những bình luận của khán giả bênh vực Khải. Nhưng càng ngày, số bình luận chỉ đếm trên đầu ngón tay ấy dần dần ít đi rồi bị đè bẹp bởi hàng nghìn những bình luận căm phẫn, nguyền rủa, chửi bới nhân vật này.
Chửi chán Khải vũ phu, cục súc, vô học, não ngắn, tăng động, thần kinh... người ta quay qua chế giễu ngoại hình Khải mắt như hai con ốc nhồi, nên đeo kính cho trẻ em đỡ sợ, người ta soi Khải chẳng có quần áo mặc, có mỗi cái quần trắng tập nào cũng diễn, người ta còn bảo năm nay cả nước Việt Nam chẳng ai dám đặt tên con là Khải...
Đến mức mà nhiều người không chỉ ghét Khải trong phim, họ còn 'căm thù' tới mức nguyền rủa diễn viên ở ngoài đời. Họ chê bai, chế giễu ngoại hình của anh, họ bảo anh diễn như thế thì ra đường phải đeo khẩu trang là đúng lắm, họ còn phân tích rằng có những diễn viên đóng vai phản diện được khán giả phục vì tài năng diễn xuất, còn anh Khải này ngoài đời có gặp họ cũng vẫn muốn xông vào đánh vì quá ghét.
Sự thù ghét của khán giả dành cho Khải khiến nam diễn viên Trọng Hùng từng phải nhiều lần lên mặt báo trần tình, khẳng định lại rằng anh và Khải là hai người khác nhau. 'Tôi phải nói rõ, ngoài đời tôi có tính cách khác Khải hoàn toàn. Tôi không đánh bạc và cũng chẳng đánh phụ nữ. Có người còn bảo tôi rất hiền, vui tính và thoải mái. Tôi ít khi nổi nóng với ai. Do sự khác biệt về tính cách như thế nên ban đầu, tôi lo mình đóng không tròn vai' - Trọng Hùng từng chia sẻ trong bài phỏng vấn với Afamily.
Trọng Hùng cũng kể, anh may mắn chưa bị ném trứng, nhưng đã có lần gặp khán giả muốn... đấm vào mặt anh ở ngoài đời. Nam diễn viên khổ sở nói rằng trông ngoại hình mình hơi dữ, nhưng thực tế lại rất hiền, hoàn toàn không phải như những điều khán giả suy đoán.
Trường hợp của Trọng Hùng khiến người ta nhớ lại các diễn viên như Hồng Vân, Thúy Ngân, Puka... thời đóng Gạo nếp gạo tẻ. Vì vai diễn của họ quá đáng ghét, nên họ thậm chí đã bị fan cuồng 'bỏ bom', chửi bới ở ngoài đời bằng những lời lẽ thậm tệ. Diễn viên Puka từng chia sẻ có nhiều người còn kêu gọi bỏ like, bỏ theo dõi, tẩy chay cô trên mạng xã hội.
Thành - chàng trai 'hãm trí thức' cạnh tranh 'ngôi vương' với Khải
Nếu như Khải từ đầu đã luôn là cái tên dẫn đầu trong số danh sách những nhân vật bị ghét nhất Về nhà đi con thì thời gian gần đây, nhân vật Thành - người yêu cũ của Huệ lại là cái tên bất chợt nổi lên nhanh như diều gặp gió. Thậm chí khi xem xong tập Thành phũ với vợ để chạy theo Huệ, rất nhiều khán giả còn cho rằng anh chàng này đáng ghét hơn cả Khải.
Nếu dùng từ 'hãm' để mô tả, thì người ta gọi Khải là 'hãm vô học', còn Thành là 'hãm trí thức'. Và khi đem so một kẻ chỉ biết dùng nắm đấm, cục súc, ít học, cư xử chẳng ra gì với một kẻ bề ngoài đức cao vọng trọng, sáng sủa đẹp trai, luôn nói lời hay ý đẹp nhưng kém cư xử, thì rõ ràng, kẻ mang danh 'trí thức' kia sẽ bị người ta trách móc nhiều hơn.
Nguyên nhân khiến Thành gây 'khẩu nghiệp' là bởi sự dùng dằng của anh chàng này trong mối quan hệ với Huệ. Rõ ràng là cả hai đều đã có gia đình, biết chồng của Huệ là người ghen tuông lỗ mãng, nhưng Thành lại cứ tiến đến khiến Huệ phải khó xử. Đến khi mọi chuyện bị vợ phát hiện, thì Thành lại bị chỉ trích là không đáng mặt đàn ông khi thô lỗ với vợ, chỉ biết chạy theo bảo vệ tình cũ.
Người ta bảo Thành cứ một câu trong sáng, hai câu sáng trong, nhưng nếu Huệ không giữ khoảng cách, thì anh ta lại chẳng 'lao vào lấp chỗ trống' ngay tắp lự! Thành mở miệng là nói đạo lý, nhưng ở đời muôn kẻ hay nói đạo lý thì đều cư xử chẳng ra gì.
Nhưng nói đi vẫn phải nói lại, dù sao Thành vẫn đỡ hơn Khải. Vì vẫn có những người đứng ra bảo vệ nhân vật này. Đó là những người khách quan nhìn vào quan hệ hôn nhân nguội - lạnh của Thành - Uyên và cho rằng Uyên cũng là người có lỗi khiến Thành trở nên như vậy. Và cứ như vậy, cuộc chiến 'khẩu nghiệp' giữa những người thuộc phe 'thân Thành' và 'ghét Thành' vẫn liên tục nổ ra ngày này qua tháng khác, không có dấu hiệu dừng lại cho đến khi các diễn viên nhận cát sê.
Ông Sơn - hình tượng 'ông bố quốc dân' sụp đổ mở ra một cuộc chiến khẩu nghiệp mới
Được xây dựng với hình tượng một ông bố thương con, hết lòng vì con, thậm chí có thời được tung hô với danh xưng 'ông bố quốc dân', thật khó có thể tưởng tượng nổi lại có ngày nhân vật ông Sơn bỗng dưng 'tụt hạng' và lọt top những người đàn ông gây khẩu nghiệp nhiều nhất Về nhà đi con như lúc này.
Mọi chuyện bắt đầu manh nha kể từ thời điểm ông Sơn liên tục vun vén cho cuộc hôn nhân đổ vỡ của Huệ - Khải mặc dù bản thân đã biết chuyện con gái bị chồng bạo hành, và đỉnh điểm nỗi oán giận của khán giả dồn vào nhân vật ông Sơn là khi ông hiểu lầm Huệ ngoại tình, bắt cô trở về bên Khải cùng câu thoại 'đáng đánh thì phải đánh!'.
Thời điểm ông Sơn cố gắng hàn gắn Huệ - Khải, người ta đã so sánh cách đối xử thiên vị của ông dành cho hai cô con gái là Thư - Huệ. Người ta cho rằng với Thư, ông cởi mở, tân tiến bao nhiêu thì với Huệ, ông lại cổ hủ, gia trưởng, hà khắc bấy nhiêu. Ông Sơn sẵn sàng chấp nhận một cô con gái không chồng mà chửa, nhưng lại không thể chấp nhận một cô khác bỏ chồng? Tại sao lại như vậy? Phải chăng tại Huệ quá nhẫn nhịn, quá chịu đựng nên ông nghĩ rằng cô con gái ấy cũng đủ mạnh mẽ để có thể níu giữ cuộc hôn nhân 'hết đát' của mình?
Thế nhưng thời điểm ấy, vẫn còn nhiều ý kiến bênh vực ông Sơn, tạo nên một cuộc chiến 'khẩu nghiệp' trên mạng xã hội. Phe bênh vực ông Sơn cho rằng những kẻ oán trách ông không hiểu gì về hôn nhân cũng như tấm lòng của người làm cha, làm mẹ. Chuyện hôn nhân, cưới xin đâu phải nói bỏ là bỏ ngay được? Khi mà mâu thuẫn chưa được giải tỏa, kẻ vũ phu chưa biết hắn sai, thì đâu có thể ngay lập tức gỡ bỏ mọi nút thắt?
Vậy nhưng giọt nước tràn ly, khiến ông Sơn 'lọt top gây khẩu nghiệp', là khi ông một mực bắt Huệ trở về ngôi nhà với Khải, khi Dương lo Huệ bị đánh thì ông buông lời nhẹ tênh: 'Đáng đánh vẫn phải đánh!'. Đến lúc này thì số lượng bình luận bảo vệ ông Sơn giảm hẳn, chỉ còn lại những phẫn uất, bức xúc, mắng chửi... Người ta cho rằng sự nhu nhược của Huệ suy cho cùng cũng bắt nguồn từ tính cách gia trưởng của ông Sơn.
Kể cả Huệ có sai đi chăng nữa, nhưng một người làm bố không nên dồn con mình vào đường cùng, 'giao trứng cho ác', để con phải chịu cảnh bạo hành như vậy. Chính ông Sơn là người khiến Huệ thêm tổn thương, đau đớn, tuyệt vọng đúng thời điểm cô cần vòng tay của gia đình, người thân nhất.
Người ta bảo rằng Dương nói đúng, ông Sơn chưa bao giờ đối xử công bằng giữa các cô con gái mà chỉ biết nghiêng về phía Thư. Người ta oán than rằng xem cách cư xử của ông Sơn mới thấy trong nhà còn chẳng công bằng chứ đừng nói ngoài xã hội, những người cam chịu hay thẳng tính không bao giờ được yêu thương như những kẻ 'mồm miệng đỡ tay chân'.
Mạnh bạo hơn, người ta còn 'triệu hồi' ông ngoại về cho ông Sơn ăn 'vả thần chưởng' để giải quyết cơn bức xúc này!
Rất may là gần đây, cuối cùng ông Sơn cũng đã nhận ra mình đã hiểu lầm con khiến lượng bình luận 'khẩu nghiệp' dành cho ông giảm đi đáng kể.
Có thể nói, xây dựng được những nhân vật như Khải, Thành hay ông Sơn, tạo được những tranh cãi trái chiều nhiều như vậy là một thành công của bộ phim Về nhà đi con. Tuy nhiên có lẽ khán giả cũng nên phân định rõ ràng đời là đời, phim là phim, kịch tính và ức chế được tạo ra phần nhiều chỉ để đoạn kết nhân văn thêm phần hấp dẫn, thỏa mãn. Vậy nên chăng chỉ nên thưởng thức, nhìn mọi việc qua lăng kính giải trí, thay vì lao vào những cuộc chiến 'khẩu nghiệp', hoặc thậm chí lôi phim vào đời, ghét nhân vật ghét cả diễn viên như trường hợp của Trọng Hùng ở trên.
===> Xem thêm: Ông Sơn nổi cơn thịnh nộ, đùng đùng đến nhà ông Luật 'xin con về', Vũ sẽ thật sự thức tỉnh?