Park Cho-bin muốn được nghỉ ngơi, đây là điều được coi là bất bình thường trong xã hội của Hàn Quốc ngày nay. Cô gái 21 tuổi này gần đây đã quyết định bỏ công việc về xử lý dữ liệu bán thời gian để nộp đơn xin một suất vào Ngôi Làng Vô Lo - một nơi ẩn dật dành cho những người trẻ tuổi muốn tìm ra bước tiếp theo trong cuộc đời mình.
Làng Vô Lo
Ngôi làng này là đứa con tinh thần của ông Hong Dong-woo, 33 tuổi. Được biết, sau khi kiếm được một khoản tiền từ công ty khởi nghiệp xe tay ga, ông đã nảy ra ý định mở một nơi dành cho những người trẻ Hàn Quốc để giúp họ thoát khỏi áp lực thành công trong xã hội.
Trong một chương trình của Chính phủ nhằm tái phát triển những ngôi nhà bị bỏ hoang ở vùng nông thôn của Hàn Quốc, Hong Dong-woo đã được tài trợ một khoản tiền để biến những ngôi nhà hoang ở thành phố ven biển Mokpo thành Làng Vô Lo. Với một khoản phí nhỏ, những người tham gia sẽ trải qua một quá trình phỏng vấn nhiều giai đoạn để được chọn vào sống tại đây trong 6 tuần. Ở đây, người tham gia sẽ được khám phá những sở thích khác nhau, làm quen với nhiều người mới và thư giãn ở vùng nông thông. Hong Dong-woo gọi đây là nơi mà người Hàn Quốc có thể tìm kiếm cơ hội thử sống lại một lần nữa.
Park Cho-bin từng học tại một trường cao đẳng dạy nghề và bây giờ cô mơ ước được trở lại trường học để làm một nhà sản xuất âm nhạc. Cô nói rằng nhiều người trẻ Hàn Quốc nếu thất bại một lần sẽ cảm thấy toàn bộ cuộc sống của mình coi như bỏ đi. Để thoát khỏi suy nghĩ này, Park Cho-bin đã không ngủ trong 3 đêm để sắp xếp và chuẩn bị hồ sơ nộp vào Làng Vô Lo.
Áp lực thành công trong xã hội Hàn Quốc
Hàn Quốc là một quốc gia mà người dân đang sống dưới áp lực 'phải thành công' từ những ngày còn thơ ấu. Áp lực này có mặt dưới nhiều hình thức, từ kinh tế, học thuật, gia đình và nhan sắc.
Sự khao khát về thành công đã thúc đẩy Hàn quốc phát triển trong những thập kỉ sau chiến tranh thành cường quốc kinh tế như ngày nay. 'Phải thành công' là một công thức mà nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ cảm thấy không thể tiếp tục chịu đựng được. Áp lực này đang vô hình trung làm nảy sinh những câu chuyện mô tả về Hàn Quốc như là một vùng đất của địa ngục.
Ông Lee Jae-yeol là một nhà xã hội học tại Đại học quốc gia Seoul, người đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề 'Nếu bạn được sinh ra một lần nữa, bạn sẽ sống ở Hàn Quốc'. Quyển sách nói về những lý do đằng sau sự bất hạnh và tỷ lệ tự tử cao của Hàn Quốc.
Ông nói rằng: 'Trước đây, Hàn Quốc là một đất nước thành công. Chúng tôi đã luôn nỗ lực và thành công đã đến. Đồng thời, Hàn Quốc cũng trở thành một xã hội cạnh tranh và chỉ coi trọng thành công cũng như các thành tựu về kinh tế.'
Thanh niên thất nghiệp ở Hàn Quốc đang ở mức khoảng 10%, trong khi nhiều người trẻ, bao gồm cả sinh viên đã tốt nghiệp đại học bị mắc kẹt trong các công việc bán thời gian hoặc thời vụ.
Bên cạnh đó, có một nỗi sợ hãi thường thấy rằng những người trẻ tuổi không tìm được việc làm tại một trong những tập đoàn lớn của đất nước như Samsung, Lotte, hoặc trong ngành dân sự, có nguy cơ bị 'phí hoài tài năng' và có rất ít sự hỗ trợ xã hội để theo đuổi một con đường khác.
Park Cho-bin cho biết cô quyết định bắt đầu làm việc thay vì lấy bằng đại học vì cô tìm được một công việc ổn định lương cao, một sự lựa chọn hiếm có. Nhưng sau một khoảng thời gian, cô cảm thấy mình bị thiếu đi một thứ gì đó, cô bắt đầu cảm thấy ghen tị với những người bạn học đại học để theo đuổi ước mơ. Hiện tại, cô đang tự hỗ trợ bản thân bằng các khoản tiết kiệm và công việc bán thời gian, trong khi cô đang chuẩn bị cho các khóa học về âm nhạc trong tương lai.
Hội chợ triển lãm thất bại
Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã bắt đầu lưu tâm đến vấn đề này. Năm ngoái, một Hội chợ triển lãm thất bại đã diễn ra lần đầu tiên tại Seoul, lấy cảm hứng từ Ngày Quốc tế thất bại được thành lập ở Phần Lan vào năm 2010 và Bảo tàng thất bại ở Thụy Điển. Hội chợ triển làm này diễn ra với mục đích thay đổi thái độ của công chúng về sự thất bại và thành công.
Tổng thống Moon Jae-in, người ủng hộ việc sống chậm lại, đã đến tham dự hội chợ và thừa nhận những khó khăn mà các chủ doanh nghiệp nhỏ và người tìm việc trẻ phải đối mặt. Ông viết trong một tấm bảng rằng: 'Tất cả chúng ta hãy cùng nhau vượt qua khoảng thời gian khó khăn này.'
Triển lãm thất bại Seoul khai mạc lần thứ 2 vào tháng 9 vừa qua với chủ đề #FailBetter (tốt hơn từ thất bại) được tổ chức trên một đồng cỏ chạy qua trung tâm Gwanghwamun Plaza khổng lồ của Seoul. Những người tham dự triển lãm gian hàng trưng bày các dịch vụ như hỗ trợ của chính phủ cho các chủ doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn và tư vấn phá sản. Bên cạnh đó cũng có các gian hàng bán lẻ các sản phẩm từ các doanh nhân, những người đã thất bại trong các dự án kinh doanh trước đó, đã cố gắng bắt đầu lại từ đầu.
Trong số đó có Han Dong-seok, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất Cricket Jeju, chuyên bán trứng từ những con gà được nuôi bằng dế. Ông cho biết, start-up đầu tiên của ông là tái chế hộp mực máy in nhưng đã thất bại.
Ông nói: 'Sau khi thất bại, tôi không còn nhìn thấy điểm sáng nào trong tương lai nữa. Tôi cảm thấy như mình đang đứng một mình trên mặt nhựa đường nóng bỏng. Sau khi xem một bộ phim tài liệu trên TV về côn trùng ăn được, tôi đã nảy ra ý tưởng kinh doanh thứ hai. Trứng luôn nằm ngoài mọi tình huống kinh tế.'
Scott Park, 40 tuổi, đã đến Hội chợ triển lãm thất bại lần 2 để tìm kiếm lời khuyên khi ông đang cân nhắc đóng cửa doanh nghiệp sản xuất vải của mình vì những khó khăn kinh tế. Ông Park nói rằng ông cảm thấy khó khăn khi phải đối mặt với viễn cảnh thất bại trong nền văn hóa buộc phải thành công.
Một xã hội cần được chữa lành
Ngay sau khi triển lãm kết thúc, chính phủ Hàn Quốc công bố số liệu mới nhất về nguyên nhân gây ra cái chết trong năm 2018. Tỷ lệ tự tử của đất nước này giảm đều từ năm 2011, tuy nhiên đã tăng vọt trở lại với 9,7% vào năm 2018 so với năm ngoái. Con số này đưa tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc lên mức 24,7/100.000 người, cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong năm 2018 trong số những người có độ tuổi từ 10 đến 39. Ngoài vấn đề về tâm lý và áp lực, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa thất bại kinh tế và tự tử ở Hàn Quốc. Theo báo cáo của Korea Herald năm 2014, người Hàn Quốc ở mọi lứa tuổi ngoại trừ trẻ em và thanh thiếu niên cho biết rắc rối tài chính là lý do hàng đầu khiến họ phải tự tử.
Yun Tae-woong, phó giám đốc của Bộ Nội vụ, người đứng ra tổ chức hội chợ triển lãm thất bại, thừa nhận rằng tỷ lệ tự tử cao của đất nước là một trong những lý do tại sao chính phủ khuyến khích mọi người nghĩ khác về sự thất bại.
Yun nói: 'Xã hội cần được chữa lành nhiều hơn.'
(Theo QZ)