Vài ngày sau vụ việc 8 thuyền cá bị sóng biển đánh chìm khiến 14 ngư dân thôn Bắc Lạc (xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) gặp nạn, dường như người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Đây là lần đầu tiên những người dân bám biển đối mặt với trận cuồng phong và thấm thía hơn ai hết câu nói 'sinh nghề, tử nghiệp'.
Anh Nguyễn Văn Tứ bồi hồi kể lại cảm giác hoảng sợ, rối bời khi chứng kiến nhiều thuyền cá bị sóng biển đánh chìm.
Sáng 24/2 trời yên biển lặng, hàng trăm chiếc thuyền cùng ngư dân thôn Bắc Lạc (xã Thạch Lạc) ra biển đánh cá như thường lệ. Họ lên đường mưu sinh khi mặt trời chưa ló dạng, để lại bao nỗi chờ mong thấp thỏm của người thân và gia đình.
Khoảng 10h30 cùng ngày, để kịp đem về những mớ cá tươi ngon cung cấp cho các chợ chiều, ngư dân nhổ neo, nổ máy quay thuyền trở về. Khi còn cách bờ khoảng 100m thì gặp sóng lớn, 08 chiếc thuyền đánh cá bị sóng biển nhấn chìm, 14 ngư dân trên các tàu gặp nạn, đối mặt với tử thần.
Nhìn cảnh thuyền chìm la liệt trước những cột sóng cao, ai nấy đều hết sức hoảng loạn. Người báo chính quyền, người chuẩn bị dụng cụ ứng cứu náo loạn cả một vùng biển. Đặc biệt là những người vợ, người mẹ có chồng, con đi biển thì đứng ngồi không yên, cầu mong người thân thoát nạn.
Mặc dù được lực lượng cứu hộ, chính quyền địa phương và người dân ứng cứu kịp thời, do cố bơi vào bờ trong giá rét, anh Nguyễn Văn Tứ (SN 1983) và anh Nguyễn Văn Trình (SN 1980, cùng trú thôn Bắc Lạc) suýt bị sóng biển cuốn trôi.
Sau nỗ lực bơi vào bờ dẫn đến kiệt sức, anh Tứ được người dân đốt lửa sưởi ấm, hô hấp nhân tạo và quấn chăn vào người.
Chưa hết mệt mỏi lẫn sợ hãi sau khoảnh khắc đối diện ''cửa tử'', anh Nguyễn Văn Tứ (SN 1983, trú thôn Bắc Lạc (xã Thạch Lạc) nhớ lại: 'Sáng hôm đó trời êm, tôi lên thuyền của anh Nguyễn Xuân Hữu (SN 1976, cùng thôn) ra biển đánh cá đù. Khi đánh lưới xong thì gần trưa, cũng là lúc gió nổi lên nên hai anh em vội thu lưới, nổ máy kéo chạy vào bờ...
Lúc chỉ còn cách bờ khoảng 500m thì nhìn thấy phía trước (gần bờ) có mấy chiếc thuyền đã bị chìm nên tôi cố gắng lựa sóng để vào, tuy nhiên do sóng nhặt quá (sóng dày, dồn dập), thuyền không lọt được nên bị đánh chìm'.
Dường như sự ám ảnh về phút giây đối diện với tử thần còn hiện hữu, anh Tứ bất giác rùng mình, đôi mắt hơi cụp xuống, tiếng anh kể cũng chợt nhỏ và chậm hơn: 'Lúc đó, anh Hữu bám được cây cờ (còn gọi là cái vọi, loại phao nhỏ được buộc vào để đánh dấu nơi thuyền chìm) rồi bơi vào bờ, còn tôi bám được 2 tấm sạp (tấm ván sàn) nhưng chưa kịp giữ chặt thì bị sóng đánh tuột khỏi tay. Lúc này không còn cách nào khác là phải bơi vào bờ, nhưng cứ bơi vào được tí thì sóng lại đẩy ra...
Tôi cố giữ bình tĩnh để khỏi mất sức, tuy nhiên, do cột sóng cao, tôi chồi lên bị dìm xuống liên tục nên chịu không được, sức lực cứ thế yếu dần. Một lúc sau, cảm nhận rõ mình bị đuối sức, sợ không vượt qua được nên tôi cố ngoi lên vẫy tay cầu cứu. Khi không còn gượng được nữa, chân tay cứng đờ thì có người nhào ra quăng cho sợi dây, tôi cố gượng sức cầm lấy nhưng bị trượt tay rồi bị sóng cuốn đi'.
'Lúc tưởng chừng như không qua khỏi thì được người dân bế vào, từ đó không biết gì nữa. Đến chiều tỉnh dậy, thấy ở nhà mới biết là mình còn sống, nghe bảo ai cũng khóc cả rồi, lúc đó mặt mũi tái xanh, cắt không ra máu. Họ phải đốt lửa sưởi ấm, hô hấp nhân tạo và quấn chăn vào người', vừa nói anh vừa chỉ vào những chiếc chăn đang phơi trước sân nhưng không biết của ai.
Biết là ''sinh nghề tử nghiệp'' nhưng sau trận cuồng phong khiến 14 người gặp nạn, ngư dân thôn Bắc Lạc vẫn phải tiếp tục mưu sinh, tất bật chuẩn bị chài lưới cho những chuyến ra biển khi ngày mới bắt đầu.
Người đàn ông nhiều năm dãi dầu gió sương trên mặt biển vừa thoát khỏi bàn tay tử thần bộc bạch: ''Giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ và thấy mình còn may mắn. Khi đã chấp nhận buông tay thì lại được người dân cứu sống. Nhờ dân nhiều, biết ơn dân vô cùng, chậm tí nữa thôi đã bị sóng cuốn trôi rồi''.
Hiện tại, mặc dù sức khỏe của anh Tứ đã hồi phục và ổn định nhưng toàn thân còn đau ê ẩm. Một mặt do bị sóng đánh, mặt khác do người dân sơ cứu nhồi ép lồng ngực nên ngực bị đau và khó thở.
Tuy không nguy kịch như anh Tứ nhưng anh Nguyễn Văn Tình (SN 1980, trú cùng thôn) cũng khó khăn lắm mới thoát khỏi ''miệng hà bá''. Khi anh cùng anh Trần Văn Phi (SN 1978, gần nhà) vào cách bờ khoảng 100m thì bị sóng dồn từ phía sau, nước tràn vào khoang lái nhấn chìm thuyền.
'Anh Phi cởi được quần áo dài nên bơi được vào trước, tôi cố gắng buộc vọi (loại phao nhỏ, đánh dấu nơi thuyền chìm để trục vớt) nên khi chìm thuyền, do hoảng loạn nên không kịp cởi áo, bơi rất khó khăn vì sóng đẩy vào rồi nước lại rút ra', anh Tình bàng hoàng kể lại.
Cũng theo anh Tình, lúc đó chỉ nghĩ đến việc bơi vào bờ để thoát nạn. Sau khi vật lộn với sóng nước được một lúc thì được người dân ra cứu, gặp họ mới biết là được cứu sống.
Anh Nguyễn Văn Tình cùng chiếc thuyền bị sóng biển đánh chìm khiến máy móc bị hư hỏng.
Theo người dân địa phương, trước đây thỉnh thoảng ngư dân cũng bị chìm thuyền nhưng thường bị gần bờ, nước cạn ngang thắt lưng nên tính mạng không bị đe dọa. Đây là lần đầu tiên họ phải đối diện nguy hiểm.