Đại dịch Covid-19 không thể chấm dứt hoàn toàn ở cùng một thời điểm.
Những dấu hiệu khả quan
Theo chuyên gia nghiên cứu Erica Charters thuộc Đại học Oxford, sự kết thúc của một đại dịch là quá trình lâu dài và có khả năng không thể chấm dứt hoàn toàn ở cùng một thời điểm.
Những kịch bản kết thúc đại dịch bao gồm: 'kết thúc về mặt y tế' khi dịch bệnh suy giảm, 'kết thúc về mặt chính trị' khi các chính phủ dỡ bỏ biện pháp phòng dịch và 'kết thúc về mặt xã hội' khi mọi người thay đổi nhận thức về dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 đã bùng phát và lây lan trên toàn cầu và diễn biến khác nhau ở các khu vực khác nhau. Như ở Mỹ, ít nhất có lý do tin rằng dịch bệnh đã gần kết thúc. Khoảng 65% dân số Mỹ đã tiêm đủ liều vaccine và khoảng 29% đã tiêm mũi tăng cường. Số ca mắc mới đã giảm trong gần 2 tháng qua với số ca mắc trung bình theo ngày giảm gần 30%.
Quy định đeo khẩu trang cũng đã dần được gỡ bỏ tại một số địa phương. Mới đây Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng đã đến lúc người dân quay trở lại văn phòng và hoạt động xã hội như trước đại dịch.
Tại các nước châu Mỹ khác như Peru và Ecuador, tình hình dịch Covid-19 cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu cải thiện, cho phép nhà chức trách dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế. Ngày 14/3, Peru đã bắt đầu mở cửa lại trường học sau 2 năm đóng cửa do đại dịch.
Cùng ngày, 1,8 triệu học sinh từ 5-18 tuổi trên khắp Ecuador cũng chính thức trở lại trường học sau 2 năm phải học trực tuyến vì Covid-19. Chính phủ Ecuador đã nỗ lực nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, theo đó 85% dân số trong độ tuổi tiêm chủng từ 5 tuổi trở lên, tương đương hơn 13,6 triệu người, đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19.
Tại Anh, vùng Scotland đang cân nhắc dỡ bỏ mọi biện pháp chống Covid-19 như kế hoạch. Những biện pháp như đeo khẩu trang trong không gian kín sẽ chỉ còn là khuyến nghị, thay vì yêu cầu bắt buộc theo luật định.
Tuy nhiên, số liệu hiện tại cho thấy, dịch Covid-19 đang lây nhiễm mạnh chưa từng có và nhiều bệnh viện ở Scoland đang quá tải, đặt ra vấn đề liệu có nên lùi thời hạn dỡ bỏ những biện pháp hạn chế cuối cùng này hay không?
Tại Nhật bản, Chính quyền Thủ đô Tokyo cũng cũng đang cân nhắc sẽ dỡ bỏ tình trạng hạn chế khẩn cấp hiện đang được áp dụng tại 18/47 thành phố của Nhật Bản dự kiến kết thúc vào ngày 21/3 tới đây. Theo số liệu mới nhất, Tokyo ghi nhận 7.836 trường hợp mắc Covid-19, giảm 12% so với cùng ngày tuần trước.
Cuộc sống người dân ở Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Nepal hay Sri Lanka dần trở lại nhịp độ trước đây sau khi số ca mắc Covid-19 giảm dần, mặc dù một số khu vực vẫn duy trì các biện pháp chống dịch, trong đó có quy định đeo khẩu trang. Nhiều lao động di cư đã quay trở lại các thành phố, trong khi nhiều học sinh, sinh viên đang quay trở lại trường học.
Trên toàn khu vực Nam Á nói chung, những yếu tố như tỷ lệ tiêm vaccine cao và việc biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao được cho là có thể đẩy nhanh đạt miễn dịch cộng đồng, đang khiến người dân dần lấy lại thái độ lạc quan.
Cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, sau đại dịch, khu vực Nam Á đang tập trung vào mục tiêu phục hồi kinh tế. Đối với nhiều người dân tại đây, ở thời điểm này, mối lo ngại dịch bệnh dường như không thể so sánh được với những thách thức khác, như lạm phát hay thất nghiệp.
Bài học từ các đại dịch khác
Đại dịch cúm đã trải qua 4 đợt dịch nổi bật không liên tiếp từ năm 1918 đến 2009. Trước khi Covid-19 xuất hiện, cúm được coi là đại dịch khiến nhiều người tử vong nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong mỗi đợt bùng phát, đại dịch đã suy yếu theo thời gian và phần lớn dân số đã hình thành khả năng miễn dịch. Các đợt dịch trở thành bệnh cúm theo mùa trong những năm sau đó.
Giới chuyên gia dự đoán, đại dịch Covid-19 nhiều khả năng cũng xảy ra tương tự như mô hình này của cúm mùa. Ông Matthew Ferrari, Giám đốc Trung tâm Động lực học Bệnh truyền nhiễm bang Pennsylvania, nhận định, Covid-19 sẽ trở thành bệnh thông thường. Mô hình dịch bệnh sẽ biến chuyển một cách đều đặn trong năm, có thời điểm ghi nhận nhiều ca mắc, có thời điểm ghi nhận ít ca mắc hơn, giống như bệnh cúm mùa hoặc cảm lạnh thông thường.
Năm 2015, Brazil đã chứng kiến đợt bùng dịch do virus Zika gây ra. Đây là căn bệnh có thể gây ra dị tật bẩm sinh cho các thai nhi nếu người mẹ mắc phải, ảnh hưởng đến sự phát triển của não, gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Đến cuối năm đó, virus Zika đã lan rộng khắp các nước Mỹ Latinh khác. Năm 2016, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng trên toàn cầu. Năm 2017, số ca nhiễm đã giảm đáng kể và dịch bệnh hầu như biến mất ngay sau đó. Các chuyên gia cho rằng dịch bệnh đã bị 'xóa sổ' khi con người hình thành khả năng miễn dịch.
Tiến sĩ Denise Jamieson, cựu quan chức CDC, nhận định virus gần như sắp biến mất và áp lực đối với việc cung cấp vaccine Zika ở Mỹ cũng đã giảm bớt.
Giới khoa học cho rằng nhiều khả năng virus Zika sẽ không bùng phát trong nhiều năm. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể tái xuất hiện nếu virus tiếp tục đột biến hoặc ngày càng có nhiều người trẻ tuổi chưa có khả năng miễn dịch.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ 3 với các làn sóng không đồng đều ở nhiều nơi. Tiến sĩ Ciro Ugarte - Giám đốc về Tình trạng y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Liên Mỹ, nhấn mạnh, con người vẫn chưa thoát khỏi đại dịch này do đó vẫn cần tiếp cận đại dịch này một cách thận trọng.