Thời gian gần đây xảy ra liên tiếp nhiều trường hợp học sinh tự tử khiến nhiều người xót xa. Đây là hồi chuông cảnh báo nguy cơ trong tương lai, nếu những đứa trẻ không được quan tâm, chăm sóc về sức khỏe tâm thần thì tình trạng học sinh có những phản ứng tiêu cực sẽ gia tăng.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần đang bị xem nhẹ
Vụ việc nam sinh lớp 10 tại một chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) hay chuyện một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh tự tử cách đây ít ngày khiến nhiều người chưa hết ám ảnh thì ngay trong ngày hôm qua (4/4), tại chung cư The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông) cũng lại xảy ra vụ việc thương tâm khi một học sinh cấp 2 rơi từ căn hộ cao tầng xuống tử vong.
Những sự việc đau lòng như trên không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng khác xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố.
Chung cư The Vesta (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội).
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, ở trẻ vị thành niên, vấn đề rối loạn lo âu trầm cảm khá phổ biến. Ước tính tỷ lệ này chung trong dân số là 25% thì ở trẻ vị thành niên là 20%.
Theo chuyên gia này, với những trường hợp trẻ tự tử gần đây, không thể loại trừ bản thân các em đã có bệnh tâm thần từ trước mà gia đình không nhận biết được hoặc quá xem nhẹ.
Thực tế hiện nay, bố mẹ thường bận rộn, thường không quan tâm đến đời sống tâm lý, tâm thần của con. Vì thế trẻ cứ chịu đựng, không chia sẻ với ai và không có ai thấu hiểu dẫn tới trẻ bế tắc, tuyệt vọng. Chưa kể rất nhiều người mặc cảm quá, không chịu đi khám, biết con có vấn đề nhưng không thừa nhận để đưa đi chữa kịp thời.
BS Hồng Thu nhấn mạnh, trẻ ở lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi về thể chất, tâm sinh lý, muốn khẳng định bản thân, có quan điểm riêng. Có nhiều việc bố mẹ để con tự độc lập nhiều quá cũng có thể khiến trẻ bị sang chấn.
Tuy nhiên, TS.BS Hồng Thu cho rằng: 'Chúng ta không đổ lỗi cho con hay bố mẹ vì tất cả ai cũng là nạn nhân, ai cũng cần phải được chăm sóc về sức khỏe tâm thần. Vì thế, chúng ta không nên kỳ thị về sức khỏe tâm thần của mình. Nó cũng là một nửa của sức khỏe. Nếu chỉ chăm sóc phần thể xác mà không chăm sóc phần hồn thì hậu quả là tất yếu'.
Những con số phải suy ngẫm
Trong cuộc đời tham vấn nhiều năm, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội tiếp xúc với hàng trăm ca trầm cảm quyên sinh của học sinh khiến cho cha mẹ, thầy cô và chính học sinh hoang mang chưa có lời giải thích.
Đáng bàn là hầu hết các bậc làm cha, làm mẹ đều không nhận ra những áp lực mà con cái đang gặp phải. Chỉ khi con rơi vào trạng thái trầm cảm nặng thì họ mới tìm đến các bác sĩ, chuyên gia tâm lý.
Theo ông Sơn, thời gian gần đây, số học sinh cần can thiệp, tư vấn tâm lý phổ biến ở lứa tuổi năm cuối bậc tiểu học và bậc THCS. Trong số này có đến 80% học sinh bị áp lực học hành từ phía cha mẹ, 20% do nghiện game, mạng xã hội, áp lực học online.
Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội.
Chuyên gia Nguyễn Đình Sơn cho biết, trầm cảm là một tổng hòa các điều kiện có thể có nhiều yếu tố tạo ra: di truyền trong gia đình; mất cân bằng sinh hóa trong các não; giai đoạn tuổi vị thành niên cảm xúc bốc đồng, nhận thức méo mó về thực tế, áp lực hoặc căng thẳng trong học tập quá mức đã thổi bay lòng tự trọng của con hết lần này đến lần khác.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia này, tỉ lệ trẻ nghiện game, mạng xã hội, tiktok đang có chiều hướng gia tăng. Với người lớn, một ngày chạm vào điện thoại 200 lần là bình thường nhưng với con trẻ thì tác hại rất lớn. Nguy hiểm nhất là dẫn đến nhận thức méo mó, rối nhiễu nhận thức, sau đó xuất hiện bệnh mới là rối nhiều về tâm trạng, thù hận bố mẹ, bạn bè. Ông Sơn đã từng gặp một số ca, đứa trẻ đó chỉ mong giết bố mẹ.
Dưới góc độ một chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, ông Sơn cũng chia sẻ những con số giật mình khác. Đó là trong số 80% ca can thiệp liên quan tới áp lực học hành thì có tới 70% là học sinh trường chuyên, trường chất lượng cao.
Cụ thể, ở lớp chuyên Sử của một trường chuyên của Hà Nội, có tới 7 ca tìm tới ông để can thiệp tâm lý. Chuyên gia này cũng tư vấn thành công, cứu hàng chục học sinh của một trường chuyên có tiếng của Hà Nội khi các em có ý định tự tử hay cả trăm học sinh của một trường chất lượng cao bị rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý do áp lực học hành.
'Tôi thấy có trường, học sinh lớp 8 nhưng chương trình học tiếng Anh ở trình độ C1, C2, tương đương học thạc sĩ thì các em làm sao chịu nổi áp lực. Hệ quả là, ở lớp học đó, trong 1 tháng có tới 5 học sinh cần can thiệp tâm lý. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, may mắn là trong tất cả các ca học sinh bị áp lực tinh thần thì chỉ có tỉ lệ 2% học sinh bị đứt dây thần kinh', ông Sơn cho hay.
Những thông tin giật mình như chuyên gia Nguyễn Đình Sơn nêu trên khiến nhiều người phải suy ngẫm.