Dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng gia tăng tại một số nước.
Chiều hướng tăng ca mắc mới
Bà Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, yếu tố góp phần làm gia tăng ca mắc toàn cầu là Omicron, loại biến thể của virus SARS-CoV-2 dễ lây truyền nhất cho đến nay và dòng phụ BA.2 của nó.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới từng đề cập rằng, giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc trong năm nay nhưng nó còn phụ thuộc vào việc thế giới có nhanh chóng đạt được hay không mục tiêu tiêm vaccine cho 70% dân số ở các quốc gia.
Tại Mỹ và châu Âu, giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo về làn sóng dịch mới có thể xuất hiện trong vài tuần tới. Nếu làn sóng dịch mới nổ ra, điều đó có thể gây trở ngại cho các nỗ lực mở cửa đưa cuộc sống trở lại bình thường tại các nước này.
Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo, trong vài tuần tới, số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây. Số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ đã giảm trong 2 tháng qua, với tỷ lệ mắc mới ở mức hơn 30.000 ca/ngày.
Còn theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện do mắc Covid-19 cũng tăng đột biến tại Mỹ. Trong đợt bùng phát dịch do biến thể Omicron tính từ 19/12/2021 đến 19/2/2022, tỷ lệ trẻ em tại Mỹ phải nhập viện đã gia tăng nhanh chóng, cao hơn gấp 5 lần so với đợt bùng phát dịch do biến thể Delta gây ra trước đó.
Tiến sĩ Fauci kêu gọi: 'Cách tốt nhất để không gia tăng các trường hợp mắc Covid-19 là đưa mọi người đi tiêm chủng. Đối với những người đã tiêm 2 mũi thì tiêm thêm mũi tăng cường. Đây là những việc chúng ta nên làm trong tình hình hiện nay'.
Châu Âu cũng đang lo ngại về làn sóng dịch Covid-19 thứ sáu sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được nới lỏng quá sớm. Nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italy tuần qua thông báo số ca dương tính và số ca nhập viện tăng mạnh.
Theo thống kê của tổ chức Worldometer, châu Âu tuần qua ghi nhận thêm hơn 4,8 triệu ca mắc, tăng 7% so với tuần trước đó.
Giới chức Pháp ngày 22/3 cho biết, trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày nước này ghi nhận gần 90.000 ca mắc mới, tăng 36% so với cách đây 1 tuần khi chính phủ dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phòng dịch trước thềm các cuộc bầu cử.
Còn tại Đức, theo thống kê của Viện Robert Koch (RKI), số ca mắc mới Covid-19 cũng lên mức trung bình khoảng 220.000 ca mắc mới/ngày trong 7 ngày qua, mức cao nhất kể từ đầu dịch.
Trong khi đó, tại châu Á, Trung Quốc, nước đang theo đuổi chính sách 'không Covid', dịch bệnh cũng đang diễn biến tương đối phức tạp.
Trước đó, nhờ việc kết hợp giữa chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ, cách ly trong thời gian dài và phong tỏa có trọng điểm, Trung Quốc kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh đang đặt ra những thách thức lớn đối với nước này.
Xuất hiện biến thể lai Deltacron
Đáng lo ngại, một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi 'Deltacron' đã được phát hiện ở châu Âu và Mỹ trong thời gian gần đây. Deltacron là biến thể lai giữa Delta và Omicron, được giới khoa học gọi là virus tái tổ hợp AY.4/BA.1.
Theo WHO, Deltacron được phát hiện với số lượng nhỏ tại các nước châu Âu như Pháp, Đan Mạch, Đức và Hà Lan. Trong khi đó, tờ The New York Times đưa tin Mỹ mới đây cũng đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm Deltacron.
Các nhà khoa học cho biết, biến thể này 'cực kỳ hiếm' và không phải là 'biến thể đáng quan ngại' (VOC) theo phân loại của WHO. Trả lời phỏng vấn tờ The Times của Anh, Tiến sĩ Etienne Simon-Loriere cho biết, hầu hết các protein gai của biến thể lai này xuất phát từ biến thể Omicron vốn ít nguy hiểm hơn, trong khi phần còn lại trong bộ gene của Deltacron có liên quan đến biến thể Delta.
Bà Maria Van Kerkhove nhấn mạnh: 'Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong dịch tễ học của virus tái tổ hợp này cũng như bất kỳ sự thay đổi nào về mức độ nghiêm trọng (của virus). Tuy nhiên, giới khoa học đang thực hiện rất nhiều nghiên cứu'. Bà Kerkhove cũng cho biết, biến thể mới này được dự báo sẽ lây lan và 'đại dịch còn tiếp tục kéo dài'.
Các nhà khoa học cho hay các loại vaccine hiện nay vẫn sẽ đạt hiệu quả phòng ngừa biến thể Deltacron tương tự như hiệu quả đạt được với các biến thể khác đang phổ biến hiện nay. Tiến sĩ Simon-Loriere, chuyên gia virus học tại Viện Pasteur ở Paris, cho biết, bề mặt của Deltacron 'siêu giống' Omicron, vì vậy cơ thể sẽ nhận ra biến thể lai này tương tự như việc nhận ra Omicron.
Các nhà khoa học cũng khẳng định, khả năng một người cùng lúc nhiễm 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 là có, nhưng rất hiếm và chỉ xảy ra trong một số trường hợp nhất định.
Theo Giáo sư Krause, đến nay mới chỉ có một số ít trường hợp đồng nhiễm được ghi nhận, do đó hiện chưa thể xác định rõ mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này trên diện rộng.