Hội mở mặt hay còn gọi là hội hát Đúm diễn ra từ mồng 4 đến mồng 10 tháng Giêng hàng năm
Khán giả cao tuổi bịt mặt xem hát đúm ở sân đình. Ảnh: LQP
Đây là lễ hội truyền thống từ xa xưa và được duy trì đến tận hôm nay trong niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân có tuổi, mà cả ở tầng lớp thanh, thiếu niên. Khán giả đến xem hầu như ai cũng bịt mặt kín bằng khăn mỏ quạ hay khăn tay buộc vành nón.
Vào dịp chính hội, các nhóm (đúm) nam nữ thanh niên chưa vợ chưa chồng hát đối đáp để giao duyên. Hát đúm gắn liền với việc bên nam được giật khăn bên nữ để xem mặt nên mùa hát đúm đầu xuân còn gọi là 'hội mở mặt'…
Hát đúm ở Thủy Nguyên là một nét văn hóa, nếp sống của người Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng. Ảnh: DLHP
Hát đúm, hay hát ví, hát đối là văn hóa sinh hoạt quen thuộc từ lâu đời của người dân các xã Lập Lễ, Phả Lễ, Phục Lễ, Tam Hưng của huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
Hội vật cầu Kim Sơn diễn ra từ mồng 6 tháng Giêng, 3 năm tổ chức 1 lần
Đây là lễ hội đặc sắc diễn ra ở làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Lễ hội diễn ra nhằm suy tôn tinh thần luyện quân sỹ và công lao của tướng quân Phạm Ngũ Lão (đời Trần). Điều thú vị, quả cầu này được làm từ củ chuối có đường kính 30 - 40cm, nặng gần 20kg đảm bảo tươi, nhẵn và trơn. Quả cầu được bọc bằng giấy hồng điều có gắn hình tứ linh: Long, Ly, Qui, Phượng đặt trên mâm bồng trong kiệu.
Lễ hội vật cầu tạo không khí rộn ràng đầu xuân cho người dân Kim Sơn (Kiến Thụy) Ảnh: BHP
Đúng giờ Thìn (10 giờ sáng) người ta rước kiệu ra đình. Sới vật cầu diễn ra trên sân đình có hình con nhạn. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân chính rốn con nhạn. Quả cầu được đặt vào lỗ cái. Sau tiếng 'cắc' trống vang lên; cuộc vật bắt đầu. Quả cầu từ dưới lỗ được rung lên. Cả chục chàng trai lăn xả vào quả cầu tranh giành, mong đưa về được sân nhà. Nắng xuân hanh vàng. Mưa xuân lất phất. Quả cầu trơn đẫm nước, đẫm nhựa và tắm bùn. Còn các chàng trai thì nhễ nhại mồ hôi, cơ bắp nổi lên cuồn cuộn. Tất cả chìm trong tiếng trống thúc, tiếng người hò reo không ngớt.
Hội rước lợn ông Bồ ở thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, Kiến Thụy diễn ra từ mồng 10 tháng Giêng hàng năm
Một trong những lễ hội gây nhiều tò mò cho du khách ở Hải Phòng những dịp lễ Tết. Ảnh; BHP
Theo các bậc cao nhân kể lại, 'ông Bồ' không phải là tên một cá nhân mà có nghĩa là 'to'. Người ta vẫn viết hoa chữ 'Bồ', bởi đó là một thành tố tạo nên tên riêng của một lễ hội vốn có từ lâu đời ở Kỳ Sơn. Về dự lễ hội, ai cũng thấy cách giải thích trên là có lý, bởi con lợn trong lễ rước rất to, cho dù đã được mổ thịt và làm sạch sẽ.
Lợn đem rước được giết mổ sạch sẽ, trang điểm tỉ mỉ, chu đáo. Ảnh: DLHP
Lễ rước lợn ông Bồ được tổ chức tại đình làng. Lợn được làm sạch sẽ, đặt trên mâm cho xoãi cả bốn chân, có giấy hồng điều trang trí. Mâm bánh dày cũng được xếp đẹp mắt, lại thêm mâm ngũ quả nhiều màu sắc. Tất cả đặt lên kiệu rước trong tiếng trống hội làng và đội âm nhạc. Không có sự can thiệp của đạo diễn nào dàn dựng. Toàn bộ lễ rước diễn ra trong sự điều hành chung của các bậc cao niên và dân làng.
Lễ rước Lợn Ông Bồ tức lợn béo tốt nhất qua quá trình nuôi chăm cả năm, sẽ được làm thịt, bỏ lên kiệu trang trí với hoa, giấy đỏ cùng mâm ngũ quả, mâm xôi để rước và cúng tổ. Nghi lễ này nhà nông rất coi trọng, để cầu ước một năm mới an bình, được mùa. Sau khi rước kiệu và làm lễ cúng tế, lợn Ông Bồ sẽ được dùng để chế biến các món ăn cho bàn cỗ của ngày hôm sau.
Về phần hội của Lễ rước lợn Ông Bồ, người ta sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi với những trò chơi truyền thống như cờ người, kéo co, đấu vật, đánh tổ tôm và cả đá bóng,..
Lễ hội có ý nghĩa khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, sản xuất, thể hiện ước nguyện của nhân dân về mùa màng bội thu, cây trồng vật nuôi sinh sôi nảy nở.
Lễ hội chạy đá Kỳ Sơn (xã Tân Trào, Kiến Thụy) diễn ra từ mồng 9 tháng Giêng
Đây là lễ hội được tổ chức vào chiều mồng 9 tháng Giêng tại khu vực bến Đầm, gần đình làng. Hội chạy đá được dân làng Kỳ Sơn khôi phục lại năm 2006. Từ đó đến nay, cứ cách 1 năm, dân làng lại tổ chức lễ hội 1 lần.
Hòn đá thiêng có hình bầu nặng 20kg được dân làng rước đến đình tổ chức thi chạy cùng đá. Ảnh: BHP
Dân làng tụ hội rất đông. Sau khi tế lễ ở đình làng, người cao tuổi trong làng đưa hòn đá thiêng, hình bầu dục, nhẵn, trơn (nặng hơn 10 kg), giấu dưới hồ nước cách đình làng - nơi tổ chức hội - chừng 10 mét. 12 thanh niên trẻ khoẻ chia làm 2 giáp, mỗi giáp 6 người, khi vào cuộc chơi chạy ba lần theo tiếng trống để mò tìm đá.
Cuộc thi mò đá diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 15 phút. Bên nào tìm được đá phải khéo léo chuyền nhau đưa đá về đình. Đường về đình xa, đá lại nặng và trời rét nên rất khó trở thành người thắng cuộc. Mặc dù vậy, vẫn không ai nản chí vì càng chạy đá, họ càng hăng.
Những thanh niên tham gia chạy đá làm lễ tại đình và được chủ tế ban cho mỗi người một chén rượu và một miến trầu ăn cho ấm bụng rồi tham gia chạy đá. Sau đó là lễ hoàn đá vào đình và người mò được đá nhận giải thưởng của làng. Người xưa quan niệm ai mò được đá thì năm ấy gia đình và dòng họ làm ăn phát tài, phát lộc.
Với quan niệm ai mò được đá thì năm ấy gia đình và dòng họ làm ăn phát tài, phát lộc.
Lễ hội Minh thề hay còn gọi là Minh thệ diễn ra tại Chùa - Đền Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, Kiến Thụy vào 14 tháng Giêng hàng năm)
Đây là lễ hội có sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý, nhân cách con người, không lấy của công làm của tư, không tham nhũng... và độc đáo, hấp dẫn nhất hiện nay ở Hải Phòng.
Một trong những nghi thức trước khi cắt kê hòa tiết uống rượu thề . Ảnh: ML
Những người tham gia hội thề gồm: các quan cấp làng như lý trưởng, các tùy tùng giúp việc (nay là các chức sắc trong thôn: trưởng thôn, phó thôn, bí thư...); người trên 18 tuổi ở trong làng; các bô lão, chủ lễ, hội tư văn...
Chủ lễ là bậc cao niên, có uy tín trong làng. Tại hội thề có các quan hàng Tổng, hàng Phủ dự để chứng kiến lời thề (nay là lãnh đạo, cán bộ cấp xã, huyện).
Một bậc cao niên sẽ đứng lên cắt tiết kê hòa vào rượu thề
Lễ vật hội thề gồm ban thờ, chiếc mũ quan cổ (được đặt trang trọng lên chính diện thờ), một con dao nhọn sắc (thường là dao bầu) dùng để vạch đài thể và cắt tiết gà, một con gà trống và một bình rượu đặt dưới ban thờ.
Theo quan niệm của người dân địa phương, máu linh kê rất linh thiêng, từ xưa gà là linh vật có thể liên thông giữa trời và đất, ánh sáng và màn đêm bằng tiếng gáy. Do đó, gà trống hành lễ phải có đặc điểm: lông vàng, chân vàng, mỏ đỏ, mào cờ. Sau khi hành lễ xong, gà trống được cắt tiết hòa chung với bình rượu để mọi người tham gia 'uống máu ăn thề'.
Lễ hội này mới đây (năm 2017) được công nhận là di sản phi vật thể cấp Quốc gia