Đêm ngày 16/3, một trận động đất mạnh 7,4 độ richter đã rung chuyển ngoài khơi tỉnh Fukushima của Nhật Bản, khiến hơn trăm người bị thương.
Sau trận động đất kinh hoàng, dường như ký ức đau buồn về ngày 11/3/2011 đã sống lại với người dân Nhật Bản, khi một trận động đất tồi tệ đã gây ra sóng thần, trực tiếp dẫn tới sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, một thảm họa vẫn còn được cảm nhận một cách rõ ràng cho đến tận ngày nay.
Một nhà hàng bị hư hại ở Shiroishi, tỉnh Miyagi, Nhật Bản sau trận động đất. Ảnh: CNN.
Mặc dù trận động đất đêm ngày 16/3 đã xảy ra ở cùng một khu vực tương tự với thảm họa năm 2011, tuy nhiên rung chấn lần này đã không dẫn đến tình trạng khẩn cấp quốc gia vì một số lý do.
Điều gì đã xảy ra?
Trận động đất xảy ra vào khoảng 12h30 sáng (giờ địa phương) ngoài khơi bờ biển Fukushima, phía bắc thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Ban đầu rung chấn được chỉ định là một trận động đất mạnh 7,3 độ richter, nhưng đã được nâng cấp lên 7,4 độ vào ngày hôm sau (17/3). Và kể từ thời điểm đó, tất cả các cảnh báo sóng thần được đưa ra sau trận động đất đều được gỡ bỏ.
Tâm chấn của trận động đất ngày 16/3 cách tâm chấn của thảm họa động đất kinh hoàng năm 2011 khoảng 89 km.
Thảm họa liên tiếp xảy ra tại Nhật Bản năm 2011. Ảnh: Nature.
Ông Robert Geller, một nhà địa chấn học và là giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo cho rằng, trận động đất ngày 16/3 có thể là dư chấn từ sự kiện năm 2011. Giáo sư giải thích: 'Về mặt địa chất, dư chấn sẽ tồn tại từ 50 đến 100 năm, nhưng theo thời gian, tần suất và mức độ của các dư chấn sẽ giảm dần'.
Đã có 4 người, bao gồm một người đàn ông khoảng 60 tuổi, được xác nhận đã tử vong và ít nhất 160 người khác bị thương, theo các nhà chức trách tại Nhật Bản.
Một siêu thị đầy ắp hàng hóa bị đổ vỡ ở Shiroishi, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Ảnh: Daily Sabah.
Đoạn phim ghi lại từ thủ đô Tokyo đêm xảy ra trận động đất đã cho thấy, đèn đường cùng các căn hộ rung chuyển không ngừng. Hàng chục nghìn hộ gia đình rơi vào cảnh mất điện trên toàn thành phố, nhưng hệ thống điện đã được khôi phục trong vòng vài giờ.
Nhật Bản chìm trong bóng đêm sau trận động đất. Ảnh: CNN.
Bóng tối bao trùm con phố Toshima, Tokyo, Nhật Bản sau trận động đất. Ảnh: Daily Sabah.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh rằng không có 'bất thường' nào được phát hiện trong các nhà máy hạt nhân của nước này.
Theo đài truyền hình công cộng NHK, một đoàn tàu cao tốc đi qua tỉnh Miyagi đã trật bánh trong trận động đất, cùng với 78 người bị mắc kẹt trên tàu trong 4 tiếng đồng hồ. May mắn khi cuối cùng tất cả mọi người đều thoát được qua lối thoát hiểm, không gặp bất cứ thương tích nào.
Tàu cao tốc bị trật bánh sau trận động đất ở Shiroishi, tỉnh Miyagi, miền bắc Nhật Bản. Ảnh: AP.
Các bức ảnh chụp từ tỉnh Fukushima và Miyagi đã cho thấy các tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng do trận động đất, cửa sổ, mái ngói và sàn nhà đều bị vỡ, trần nhà cũng đổ sập. Hàng hóa và mảnh vỡ rơi vãi khắp sàn của các cửa hàng và siêu thị.
Nhiều ngôi nhà bị hư hại nặng nề sau trận động đất ngày 16/3. Ảnh: Tittle Press.
Trận động đất ngày 16/3 đã xảy ra ngoài khơi bờ biển Fukushima, ở độ sâu 60 km và có thể chính điều này đã hạn chế được con số thiệt hại.
Giáo sư Geller cho biết, những trận động đất xảy ra gần bề mặt Trái đất thường sẽ gây thiệt hại nặng nề hơn là từ sâu trong lớp vỏ.
So với thảm họa năm 2011
Sự khác biệt giữa trận động đất 7,4 độ richter ngày 16/3 và trận động đất 9,1 độ richter năm 2011 thật đáng kinh ngạc.
Trận động đất năm 2011 mạnh hơn khoảng 63 lần so với ngày 16/3, đồng thời giải phóng năng lượng gấp gần 500 lần. Trận động đất năm 2011 là rung chấn mạnh nhất mà Nhật Bản từng phải hứng chịu. Và với rung chấn ở độ sâu 26 km, điều này có nghĩa là tác động của thảm họa sẽ tồi tệ hơn nhiều.
Trong khi trận động đất ngày 16/3 chỉ tạo ra cơn sóng thần cao 0,2 mét, thì thảm họa năm 2011 đã tạo ra cơn sóng cao đến 9,1 mét, trực tiếp làm hư hại một số lò phản ứng hạt nhân trong khu vực.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima, phía bắc thủ đô Tokyo. Ảnh: AP.
Thảm họa động đất năm 2011 đã khiến hơn 22.000 người chết hoặc mất tích, tính từ thời điểm bắt đầu xảy ra rung chấn, kéo theo sau đó là cơn sóng thần và thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ hai trên thế giới, chỉ sau thảm họa Chernobyl tại Ukraine.
Tính đến năm 2021, hơn 35.000 người dân vẫn đang lưu lạc khỏi quê hương, thậm chí đã trôi qua 10 năm kể từ cuộc khủng hoảng. Việc thu dọn tàn dư dự kiến sẽ kéo dài hàng thập kỷ và tiêu tốn hàng tỷ USD của chính phủ Nhật Bản.
Kể từ thời điểm năm 2011, Nhật Bản đã tăng cường các hệ thống ứng phó để đối phó tốt hơn với những thảm họa tương tự có thể xảy ra, bao gồm cả việc cải thiện hệ thống cảnh báo động đất sớm và công nghệ quan sát địa chấn.
Cảnh tượng thảm họa năm 2011 tại thành phố Ofunato, Nhật Bản. Ảnh: CNN.
Liệu rung chấn có kéo theo trận động đất khác hoặc sóng thần?
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã cảnh báo công chúng cần cảnh giác với các dư chấn và nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra, đồng thời kêu gọi người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng tránh xa bờ biển và đặc biệt không xuống biển.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter, Văn phòng Thủ tướng cho biết chính phủ đã thành lập một văn phòng ứng phó, sẽ làm việc với chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp khẩn cấp bao gồm tìm kiếm và cứu hộ các nạn nhân sau thiên tai.
Người dân mua thực phẩm trong một cửa hàng bị mất điện sau động đất ở quận Koto, Nhật Bản. Ảnh: NY Post.
Theo Giáo sư Geller, một nhà địa chấn học, Nhật Bản có thể sẽ chứng kiến thêm nhiều dư chấn trong tuần tới, nhưng tần suất sẽ giảm dần.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, có khả năng trận động đất ngày 16/3 chỉ là 'điềm báo trước' cho một trận động đất khác tồi tệ hơn sắp tới. Mặc dù khả năng điều này xảy ra là rất thấp nhưng 'không phải là không thể'.
'Trận động đất ngày hôm qua là một lời nhắc nhở có giá trị cho người dân Nhật Bản. Quốc gia này rất dễ xảy ra động đất và động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mọi người nên chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống', Giáo sư lo ngại.
Con đường bị cắt điện sau trận động đất ở Musashino, ngoại ô thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Daily Sabah.