100.000 người dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa, sơ tán sang các nước láng giềng
Chiến sự ở Ukraine đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm và theo dõi. Trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, miền Đông Ukraine, hàng nghìn người dân Ukraine đã rời khỏi đất nước. Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 100.000 người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa và di tản. Tình hình của người dân Ukraine đang vô cùng khó khăn.
Các video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy dòng xe ô tô di chuyển khỏi các thành phố và hướng về phía Tây, cũng như sự gia tăng số người đi bộ gần biên giới phía Nam và phía Tây của Ukraine để sang các nước láng giềng như Ba Lan hay Hungaria. Theo Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, tình hình đang nhanh chóng xấu đi sau chiến dịch quân sự của Nga, ước tính sẽ có thêm hàng nghìn người di tản. Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước láng giềng giữ cho biên giới của họ rộng mở cho những người đang tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn.
Nước láng giềng Ba Lan là nơi mà rất nhiều người dân Ukraine chọn để lánh nạn lúc này. Trong hành trình lánh nạn ấy, không ít những sự việc đáng buồn đã xảy ra đối với những người di tản.
Một số người Ukraine ở Ba Lan đã thành lập một đội hỗ trợ ở bên này biên giới để giúp đỡ bất kỳ người nào chạy trốn khỏi Ukraine thông qua một cửa khẩu biên giới tại khu vực Medyka của Ba Lan.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc qua lại biên giới, Ba Lan đã dỡ bỏ các quy tắc kiểm soát dịch COVID-19 đối với những người đến từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Được biết, Ba Lan là nơi có cộng đồng người Ukraine xa xứ lớn nhất trong khu vực với số lượng khoảng 1 triệu người, đồng thời là quốc gia EU dễ dàng tiếp cận nhất từ thủ đô Kiev của Ukraine.
Khoảng 100.000 người dân Ukraine phải đi sơ tán sang các quốc gia lân cận. (Ảnh: AP)
Các trang mạng của Ukraine đồng loạt bị tin tặc tấn công
Hệ thống mạng của nhiều cơ quan Chính phủ, ngân hàng, tổ chức tài chính tại Ukraine đã bị tấn công từ chối dịch vụ, còn gọi là DDoS và nhiễm mã độc xóa dữ liệu. Theo BBC, nếu nhiễm mã độc này, dữ liệu trên máy tính sẽ bị phá hủy, không thể khôi phục, đồng thời khiến thiết bị không thể hoạt động chính xác. Tháng 1/2022, một vụ tấn công mạng tương tự cũng khiến nhiều trang web ở Ukraine không thể truy cập được.
Hội đồng châu Âu nhóm họp bất thường về tình hình Ukraine
Cách đây ít giờ, theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng châu Âu, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã nhóm họp bất thường để thảo luận về những leo thang căng thẳng tại Ukraine.
Trước thềm cuộc họp bất thường của Hội đồng châu Âu, lãnh đạo các thể chế chính trị thuộc Liên minh châu Âu EU và các nước thành viên EU khẳng định, các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn đang được các nước châu Âu thực hiện.
Tuy nhiên, sức ép cho những nỗ lực này đã tăng lên, khi giới chức châu Âu nhận được thông tin, Nga tiến hành các đợt ném bom, vào các cơ sở quân sự, tại một số thành phố của Ukraine từ sáng sớm ngày 24/2. Liên quan vấn đề này, các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết, Liên minh châu Âu sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm phản đối các hành động quân sự mới của Nga.
Cơ sở quân sự ở Mariupol, Ukraine bị thiệt hại sau đợt tấn công của Nga ngày 24/2/2022. (Ảnh: AP)
Kinh tế Nga sẵn sàng trước lệnh trừng phạt của phương Tây
Kinh tế Nga đang đối mặt với sức ép lớn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, đứng đầu trong số các mục tiêu trừng phạt là các ngân hàng của Nga và khả năng giao dịch quốc tế.
Những nỗ lực của Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu đã giúp nước này chuẩn bị tốt hơn để vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine với cuộc chiến trừng phạt từ phương Tây, cơ cấu nền kinh tế Nga đã có nhiều thay đổi. Theo thời gian, nước này đã giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay và đầu tư nước ngoài, đồng thời tích cực tìm kiếm các cơ hội thương mại mới từ những thị trường khác.
Theo báo cáo của Viện tài chính Quốc tế, kể từ năm 2014, Nga đã cắt giảm đáng kể việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch tài chính. Vàng và đồng Euro chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đồng USD trong kho dự trữ của Nga. Nước này cũng có một số biện pháp bảo vệ kinh tế mạnh mẽ, trong đó có việc tăng khối lượng dự trữ quốc tế lên gần 640 tỷ USD và tỷ lệ nợ trên GDP khá thấp, khoảng 18% vào năm 2021. Đồng thời, Moscow đã thực hiện những bước đi để triển khai hệ thống thành toán quốc tế riêng đề phòng trường hợp bị loại khỏi SWIFT.
Trong một nỗ lực nhằm giúp lĩnh vực tài chính thích ứng với sự biến động lớn, Ngân hàng Trung ương Nga mới đây đã cho phép các ngân hàng sử dụng giá trị thị trường của cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục đầu tư của họ (tính đến ngày 18/2) cho những báo cáo doanh thu đến tháng 10. Chuyên gia tài chính nhận định, các biện pháp chắc chắn sẽ gây khó khăn hơn cho nền kinh tế Nga trong việc cung cấp tài chính về ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ tăng cường sự độc lập của Nga với hệ thống tài chính phương Tây, đồng thời giảm bớt dòng vốn chảy ra ngoài của Nga.