'Tại sao cô ấy không trốn thoát sớm hơn?' - đây là câu hỏi hiện lên trong đầu của rất nhiều người mỗi khi nghe thấy câu chuyện của Jaycee Dugard.
Vụ bắt cóc gây chấn động nước Mỹ
Vào năm 2009, Dugard được hội ngộ với gia đình sau 18 năm bị giam cầm. Trong quá khứ, cô bị bắt cóc tại một trạm xe buýt gần nhà ở thành phố South Lake Tahoe, California, Mỹ, khi mới 11 tuổi. Từ đó, Dugard bị nhốt trong những căn lều phía sau nhà của 2 vợ chồng đã bắt cóc cô, Phillip và Nancy Garrido. Dugard không bị giam giữ một mình mà còn có 2 con của cô có với Phillip.
Trong 2 năm đầu, Dugard bị trói và giam cầm trong một căn phòng. Ban đầu, cô luôn tìm cách trốn thoát khỏi 2 vợ chồng Phillip cùng với những trận đòn roi và cưỡng bức. Nhưng rồi thời gian trôi qua, bản thân cô cũng không biết mình đang trốn tránh điều gì. Sau đó, Dugard mang thai đứa con đầu lòng và 'vượt cạn' một mình không hề có gia đình hay bác sĩ ở bên cạnh. 2 mẹ con cô được kẻ bắt cóc dựng cho một căn lều phía sau nhà và tất nhiên, nơi đây được thiết kế kín đáo, đảm bảo Dugard không thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Vài năm sau, Dugard tiếp tục hạ sinh đứa con thứ 2 với Phillip. Có những lúc cô nghĩ bọn trẻ là chỉ là em gái mình và Phillip và Nancy mới là bố mẹ chúng.
Trong một lần ghé sang trường Đại học California Berkeley cùng với 3 mẹ con Dugard để hỏi về việc tổ chức một sự kiện tôn giáo đặc biệt, Phillip đã bị nghi ngờ vì một loạt hành vi kỳ lạ. Lúc này, quản lý của nhà trường đã gọi báo cảnh sát trước khi cả thế giới biết được tội ác của hắn đối với cô gái trẻ Dugard.
Tại phiên tòa xét xử cuối cùng, Phillip và Nancy kết án 29 tội danh trong đó bao gồm cưỡng bức và giam giữ người trái phép. Mức án phạt dành cho cả hai tên này là 431 năm tù giam.
Theo AP dẫn lời bố dượng của Dugard, mặc dù tất cả những việc làm của Phillip và Nancy khiến chúng không khác gì ác quỷ nhưng đối với nạn nhân Dugard, cô cảm thấy mối quan hệ của cô với Phillip, kẻ đã bắt giữ cô gần 2 thập kỷ, 'gần giống như là vợ chồng'.
Nhiều chuyên gia nói rằng họ không cảm thấy bất ngờ khi Dugard lại hình thành sự kết nối thân thiết, đầy tình cảm như vậy đối với kẻ bắt cóc. Điều này khiến cô không cố gắng trốn thoát. Troong quá khứ, cũng có không ít những vụ án khi mà nạn nhân bị bắt cóc và giam cầm nảy sinh tình cảm với kẻ ác.
'Hội chứng này khá phổ biến và hoàn toàn có thể xảy ra. FBI cũng đã sản xuất các bản tin về chủ đề này, xác nhận sự tồn tại của nó và cũng đã thực hiện các buổi đào tạo về nó' - nhà tâm lý học lâm sàng Paul G. Mattiuzzi, tác giả của blog EverydayPsychology.com cho biết.
Hội chứng Stockholm
Những trường hợp như Dugard được gọi chung là hội chứng Stockholm. Nó được đặt tên lần đầu tiên là sau vụ cướp ngân hàng xảy ra ở Stockholm, Thụy Điển vào năm 1972. Ở đó, các nhân viên ngân hàng đã bị bắt làm con tin trong suốt 6 ngày và dần dần, họ nảy sinh tình cảm với những kẻ bắt giữ.
Thậm chí, sau đó, các con tin còn từ chối việc giải cứu, không chịu đứng ra làm nhân chứng chống lại kẻ xấu và ngược lại, họ còn quyên tiền ủng hộ chúng trong vụ kiện tụng.
Một trường hợp nổi tiếng khác là vụ bắt cóc của Patty Hearst, một nữ thừa kế giàu có. Năm 1974, cô bị một nhóm khủng bố ở Mỹ bắt cóc ở tuổi 19. Sau đó, cô nảy sinh tình cảm cũng như sự cảm thông dành cho chúng và tham gia cùng chúng trong một vụ cướp ngân hàng.
Patty Hearst cùng vị hôn phu.
Một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng Stockholm được cho là do hiện tượng tâm lý có tên gọi là bất hòa nhận thức. Khi con người nhận ra bên trong họ có nhiều quan điểm không nhất quán thì họ sẽ có xu hướng thay đổi suy nghĩ để loại bỏ xung đột. Ví dụ, mọi người có xu hướng đánh giá cao một món hàng hơn sau khi mua nó. Nguyên do bởi vì con người không thể chấp nhận được suy nghĩ rằng món đồ đó không xứng với giá cả mà thay vào đó, họ chọn tin vào việc bản thân là một khách hàng thông minh.
'Hãy tưởng tượng bạn bị bắt cóc và mắc kẹt trong tình huống bị đe dọa, khủng bố thật sự. Để sống sót, bạn buộc phải nghe lời bọn bắt cóc và hành xử tử tế với chúng. Khi đó, trong tâm trí bạn sẽ hình thành suy nghĩ nhất quán rằng: Mình phải đối xử tốt với người này bởi vì họ tốt bụng' - nhà tâm lý học lâm sàng Paul G. Mattiuzz đưa ra ý kiến.
Đổ lỗi cho nạn nhân
Nhiều người nghĩ rằng họ sẽ mạnh mẽ hơn và sẽ cố gắng để trốn thoát nhiều hơn Dugard nhưng tất cả những suy nghĩ ấy đều là hành vi đổ lỗi cho nạn nhân, nhà tâm lý học chấn thương và tác giả Elizabeth Carll đến từ New York, Mỹ, cho biết. Trên thực tế, hội chứng Stockholm khá phổ biến trong các trường hợp bắt cóc được công khai.
'Khi kẻ bắt giữ thể hiện sự tử tế đối với bạn, bạn sẽ thấy được những hy vọng rằng bản thân sẽ sống sót. Kết hợp với những gì đã xảy ra, bạn sẽ hình thành ý nghĩ muốn làm hài lòng kẻ bắt cóc và dần dần có thể đối xử một cách tích cực đối với kẻ bắt cóc hay lạm dụng như một cách để đối phó' - Carll nói với LiveScience.
Bị bắt giữ càng lâu, sợi dây kết nối giữa nạn nhân với kẻ xấu ngày càng bền chặt. Trong trường hợp của Dugard, cô đã sống với vợ chồng Phillip và Nancy đến tận 18 năm, lâu hơn thời gian cô ở cùng với gia đình.
'Hắn là nguồn hỗ trợ duy nhất của Dugard, dù cho đó là tương tác tích cực hay tiêu cực. Dugard bị giam giữ qúa lâu đến nỗi cô không quen biết ai ngoài Phillip' - Carll nói thêm.
Chiến lược sống sót
Việc hình thành mối quan hệ tốt đẹp với kẻ bắt cóc không chỉ là một kỹ năng đối phó về mặt tinh thần mà còn là chiến lược sinh tồn về thể chất. Cuộc sống của Dugard đã phụ thuộc quá nhiều vào Phillip, cô cần một chỗ ở, thức ăn để không bị chết đói nên việc gần gũi với hắn chính là cách duy nhất để giúp bản thân cô không bị lạm dụng thêm nữa.
'Những người bị bắt cóc từ khi còn nhỏ có thể đưa ra quyết định vô thức. Họ chọn nhắm mắt làm lơ trước sự lạm dụng và gắn kết kết với người cho họ ăn ngủ. Người đó có thể gạt bỏ nhận thức của họ về sự xấu xa của kẻ bắt cóc hoặc giả vờ như thể không có chuyện gì xảy ra bởi vì việc bảo vệ mối quan hệ giữa họ với kẻ xấu đã trở nên quá quan trọng' - nhà tâm lý học tại Đại học Oregon, Jennifer Freyd, nói.
Freyd cho biết hội chứng Stockholm cũng tương tự với phản ứng của nhiều nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, chẳng hạn như những đứa trẻ hoặc vợ/chồng bị bố mẹ hoặc bạn đời của mình lạm dụng. Nạn nhân sẽ hình thành tâm lý gọi là lý thuyết chấn thương phản bội. Nạn nhân bị lệ thuộc vào kẻ bạo hành thường không thể nhận ra hay chống lại sự lạm dụng bởi vì phản kháng chỉ khiến họ nhận về đau thương hơn mà thôi.
'Việc nạn nhân đáp trả chỉ khiến kẻ bạo hành trở nên tàn bạo hơn hoặc chúng sẽ bỏ mặc không chăm sóc nạn nhân. Nếu bạn ở trong tình huống mà bạn có thể từ chối thì bạn sẽ từ chối nhưng trường hợp đó là kẻ mà phải phụ thuộc vào để tồn tại thì bạn không thể xa lánh chúng nếu không muốn nhận kết cục tồi tệ' - nhà tâm lý học Jennifer Freyd nói thêm.
(Nguồn: LiveScience, The Guardian)