Chiều 19/12, Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Đồng Nai nhận được tin báo một cháu bé bị rơi xuống hố cọc ép bê tông sâu khoảng 15m tại công trường Khu đô thị Thăng Long Home Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) nên triển khai ứng cứu. Sau gần 20 phút, lực lượng chức năng đã đưa cháu bé khoảng 5 tuổi lên khỏi hố sâu và tiến hành sơ cứu, đưa cháu tới cơ sở y tế theo dõi.
Trao đổi thêm với phóng viên về tai nạn trẻ nhỏ, BS Đinh Thế Tiến, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, ngã là một tai nạn thường thấy trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày của mỗi người, đặc biệt với trẻ. Quá trình phát triển lớn lên của bất kỳ đứa trẻ nào cũng phải trải qua quá trình tập đi, chạy, nhảy, leo trèo và khám phá môi trường xung quanh.
Hình ảnh cháu bé sau khi được lực lượng cứu hộ đưa từ dưới hố ép cọc bê tông lên (Ảnh cắt từ clip)
'Ngã là nguyên nhân gây tai nạn thương tích (TNTT) không tử vong lớn nhất ở trẻ em và là loại thương tích thường gặp tại trường học, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi tiểu học. Thống kê tại hai Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ và Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng từ tháng 7-12/2011 cho thấy trong những nguyên nhân gây TNTT thì té/ngã chiếm tỷ lệ cao nhất (56,31%), tai nạn giao thông (17,79%), hóc dị vật (8,54%), bỏng (5%), ngộ độc (2,8%), đuối nước (0,82%).
TNTT do ngã ở nhóm tuổi trẻ em, đặc biệt là nhóm dưới 10 tuổi, là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc phải nghỉ học và điều trị ngắn ngày tại các cơ sở y tế', BS Đinh Thế Tiến cho hay.
Do đó, để phòng ngừa tai nạn thương tích trong đó có ngã ở trẻ, BS Tiến cho rằng cần cung cấp môi trường an toàn cho trẻ, bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ.
Với trường hợp bé gái bị rơi xuống hố cọc ép bê tông, nhiều người đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chủ dự án thi công công trình xây dựng Khu đô thị Thăng Long Home Hiệp Phước.
Trao đổi với phóng viên Infonet về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, căn cứ tại khoản 4 Điều 4 Luật Xây dựng năm 2014 thì một trong những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng là đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản.
Luật sư Nguyễn Tuấn Anh
Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, người và thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng (căn cứ Điều 115 Luật Xây dựng năm 2014 quy định về an toàn trong thi công xây dựng).
Nhà thầu thi công là đơn vị trực tiếp thực hiện xây dựng trên công trường có trách nhiệm tổ chức, thực hiện các biện pháp an toàn cụ thể khi làm việc. Về phía nhà đầu tư có trách nhiệm quản lý an toàn - tổ chức kiểm tra, giám sát các công tác đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng trên công trường.
Luật sư Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/01/2021 của Chính phủ về phân định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý xây dựng công trình thì các chủ thể có liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng công trình gồm: chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng sản phẩm và nhà thầu tư vấn. Trong sự việc này, việc để một em bé đi vào khu vực công trường xây dựng rồi dẫn đến tai nạn tại công trường thi công có liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, ban quản lý dự án và bộ phận giám sát thi công (mà trong đó nhà thầu là chủ thể chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chất lượng và an toàn đối với các công việc mà mình thực hiện trước pháp luật, trước chủ đầu tư).
Căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi có thiệt hại mà do lỗi của chủ thể, một số trách nhiệm pháp lý mà chủ thể có trách nhiệm thi công, quản lý công trường có thể phải gánh chịu là:
Trách nhiệm dân sự - bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
Căn cứ phát sinh trách nhiệm: nếu các chủ thể có trách nhiệm thực hiện, đảm bảo an toàn xây dựng có lỗi, vi phạm trong đảm bảo các biện pháp an toàn tại các công trình mà dẫn đến việc em bé bị ngã xuống hố ép cọc bê tông trong sự việc trên thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn trong xây dựng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi đủ 4 yếu tố: có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, hành vi trái pháp luật dẫn đến thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại (cố ý hoặc vô ý).
Trong trường hợp này cần xác định rõ lỗi và mức độ lỗi dẫn đến sự việc nêu trên để xác định trách nhiệm bồi thường của chủ thể có trách nhiệm đảm bảo an toàn trong công trường xây dựng.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị và các thiệt hại khác mà pháp luật quy định.
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: các thiệt hại như thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai táng; khoản bù đắp tổn thất tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
Căn cứ Điều 597 BLDS năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra: 'Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Công nhân, người lao động làm việc cho Công ty là chủ đầu tư, đơn vị giám sát thi công, nhà thầu… mà không đảm bảo an toàn xây dựng công trường mà do lỗi của họ dẫn đến thiệt hại cho em bé nêu trên thì pháp nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Mức bồi thường thiệt hại có thể do các bên thỏa thuận.
Trách nhiệm hành chính:
Trách nhiệm hành chính phát sinh khi chủ thể có trách nhiệm thực hiện quy định về an toàn trong thi công xây dựng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo quy định của pháp luật. Liên quan đến sự việc trên, một số hành vi có dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị giám sát thi công hoặc ban quản lý dự án có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định tại Điều 32, Điều 33 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Trách nhiệm hình sự:
Các chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 295 của BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
'Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%'.