Khám cho bệnh nhân nghi lao ở Lai Châu, Việt Nam. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)
Hiện cả nước đang tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19, đồng thời cũng hết sức quan tâm phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Trong đó, lao chính là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan ra cộng đồng nếu không được phát hiện, điều trị đúng và kịp thời.
Sự lây truyền bệnh lao nguy hiểm không kém COVID-19
Ở những người mắc COVID-19 và bệnh lao, phổi là mục tiêu chủ yếu bị tấn công; các triệu chứng ban đầu cũng tương tự nhau như: ho, sốt, khó thở, mệt mỏi. Tuy nhiên, bệnh lao có thời gian ủ bệnh dài hơn, khởi phát chậm hơn so với COVID-19.
Theo Bác sỹ Nguyễn Mạnh Thể, Khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, khi một người mắc cả lao và COVID-19, tổn thương phổi sẽ có nguy cơ nặng nề hơn so với những người chỉ mắc một trong hai bệnh. Chính vì vậy, những người bệnh lao - vốn đã bị tổn thương phổi, càng cần được quan tâm đặc biệt trong quá trình điều trị.
Sự lây truyền bệnh lao nguy hiểm không kém COVID-19 vì trực khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí và tồn tại trong môi trường sống với thời gian dài. Vi khuẩn lao tồn tại dưới các hạt mịn có kích thước rất nhỏ dưới 5 micro mét, lơ lửng trong không khí vài giờ từ giọt bắn của người bệnh lao phổi ho, hắt hơi, la hét hoặc hát. Người hít phải có thể bị nhiễm bệnh.
Nồng độ của vi khuẩn lao trong không khí sẽ giảm khi có sự thông gió và tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, vi khuẩn lao cũng có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường sống trong thời gian dài.
Trong khi đó COVID-19 lây truyền chủ yếu qua việc hít trực tiếp các giọt bắn đường hô hấp xuất phát từ người mắc COVID-19 và qua tiếp xúc. Các giọt bắn này có thể do người mắc COVID-19 ho, hắt hơi, thở ra và rơi xuống bề mặt của các đồ vật, sàn nhà. Khi người khác tiếp xúc, chạm vào chúng và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, có thể bị mắc COVID-19.
Theo Tiến sỹ Kydong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Mỗi ngày, gần 4.000 người tử vong vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi này.
Như vậy, lao và COVID-19 đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới hiện nay và đều cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi ngày. Tuy nhiên hiện nay, đại dịch COVID-19 đang khiến cho những thành quả phòng, chống lao bị giảm đi đáng kể.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, tỷ lệ phát hiện bệnh lao nói chung giảm gần 20% so với năm 2020, mặc dù năm 2020 tỷ lệ phát hiện lao cũng giảm so với những năm trước đó. Đây là điều rất đáng báo động bởi với số người mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguồn lây lan cho cộng đồng. Nếu những người này không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng cao.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam cần tăng cường phát hiện bệnh nhân lao, đặc biệt là những bệnh nhân lao kháng thuốc trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trong quá trình xét nghiệm sàng lọc có thể phát hiện song song cả lao và COVID-19. Phát hiện sớm và chủ động sàng lọc tại các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám và tại cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay.
Ưu tiên chăm sóc, điều trị bệnh nhân lao tại nhà
Theo các chuyên gia, chăm sóc điều trị bệnh nhân lao ngoại trú tại cộng đồng, lấy người dân làm trung tâm nên được ưu tiên hơn so với điều trị tại bệnh viện (trừ khi tình trạng bệnh nghiêm trọng cần nhập viện) để giảm thiểu lây truyền do quá trình điều trị kéo dài.
Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Người bệnh lao cũng được khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19; duy trì các thuốc điều trị đều đặn tại nhà; hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác nhằm tránh lây nhiễm COVID-19; kể cả việc tư vấn bác sỹ chuyên khoa hô hấp cũng nên tư vấn qua điện thoại, hạn chế tối đa đến thăm khám tư vấn tại bệnh viện.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Kim Cương, Trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết: 'Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành hiện nay, khi xuất hiện triệu chứng hô hấp bất thường, người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác, tuân thủ tuyệt đối thông điệp 5K của Bộ Y tế; trong đó có việc khai báo trung thực thông tin liên quan tới sức khỏe. Chúng ta cần tận dụng những lợi thế của công nghệ như khám onilne, tư vấn qua điện thoại của các chuyên gia để được đưa ra lời khuyên kịp thời nhất. Đối với bệnh lao nếu để lâu, phát hiện muộn, bệnh sẽ nặng lên, dẫn đến nhiều biến chứng, vi khuẩn kháng thuốc, quá trình điều trị khó khăn hơn, nguy cơ lây lan trước đó cho cộng đồng lớn hơn.'
Với bệnh nhân COVID-19 cũng như bệnh nhân lao, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch và hạn chế biến chứng.
Chế độ dinh dưỡng tốt kết hợp với liệu pháp điều trị giúp ngăn ngừa, hỗ trợ, khắc phục tình trạng nhiễm trùng, góp phần chống lại đại dịch COVID-19, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, cũng như cho cá nhân và gia đình người bệnh.
Người bệnh cần ăn uống đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm để duy trì thể trạng, thể chất bình thường, bổ sung thêm một đến hai bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi ăn uống giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi...
Cụ thể, người bệnh cần ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá, đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng; tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh, gia vị (tỏi, gừng) để giúp tăng hệ miễn dịch, cơ thể khỏe mạnh; đồng thời uống đủ nước (trung bình 2 lít/ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy.../.